Kinh tế

Lập sổ tiết kiệm tại nhà, khách hàng VietinBank "bỗng dưng" mất gần 800 triệu đồng trong tài khoản

Bà Nguyễn Thị H ở Phú Thọ do đã già yếu nên có gọi nhân viên ngân hàng VietinBank đến nhà để thu tiền và làm sổ tiết kiệm trị giá 800 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi nhận sổ tiết kiệm vài tháng sau bà H "toá hoả" khi biết tài khoản của mình chỉ còn 10 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị H hộ khẩu thưởng trú tại Thị xã Phú Thọ trước đây có gửi 800 triệu đồng vào Phòng giao dịch VietinBank Thanh Ba (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - VietinBank Chi nhánh Đền Hùng, Phú Thọ) với kì hạn 06 tháng.

Tuy nhiên đến hạn rút tiền thì cả gia đình bà Hải mới "té ngửa" khi được thông báo số tiền trong sổ tiết kiệm đã bị rút 790 triệu đồng, trong khi đó bà H chưa lần nào thực hiện giao dịch rút tiền kể từ khi gửi. Bên cạnh đó chữ kí của bà H không trùng khớp với chữ kí trên hệ thống.

Cuốn sổ tiết kiệm bà H giữ gìn cẩn thận từ khi nhận được. (Ảnh nvcc)

Chị H.Y con gái bà H cho biết: "Vào khoảng tháng 11/2016 sau khi có một số tiền 800 triệu đồng từ việc bán đất, mẹ tôi có ý định gửi tiết kiệm vào ngân hàng với thời hạn là 06 tháng.

Do tuổi cao, sức yếu nên mẹ tôi đã nhờ bà Dân (Trưởng phòng giao dịch VietinBank Chi nhánh Đền Hùng, Phú Thọ) là người quen đến nhà để nhận và làm sổ tiết kiệm.

Tại đây bà Dân đã nhận tiền và sau đó giao cho mẹ tôi sổ tiết kiệm trị giá 800 triệu đồng do ngân hàng VietinBank cấp, có dấu đỏ và chữ kí của trưởng phòng giao dịch là bà Mai Thị Tân Dân.

Trên quyển sổ có ghi rõ thông tin của mẹ tôi và ngày phát hành là 28/11/2016, hạn đến 28/5/2017. Tới khi cần tiền để làm ăn mẹ tôi ra ngân hàng để rút tiền. Nhưng khi ra ngân hàng thì nhân viên ở đây cho biết hiện tại trong tài khoản của mẹ tôi chỉ còn 10 triệu, số tiền 790 triệu đồng đã bị rút.

Khi kiểm tra thì được biết ngay sau khi số tiền gửi vào ngân hàng ngày 28/11/2016 thì đến ngày 2/12/2016 đã có người rút ra 400 triệu, tiếp đó vào ngày 5/12/2016 tài khoản lại tiếp tục bị rút 390 triệu đồng.

Trong khi đó sổ tiết kiệm và chứng minh thư mẹ tôi vẫn cầm và chưa lần nào ra ngân hàng giao dịch rút tiền. Khi gia đình yêu cầu phía ngân hàng cho kiểm tra camera hai ngày 2 và 5/12 để xem ai rút tiền nhưng phía ngân hàng từ chối".

Sổ tiết kiệm của bà H chưa giao dịch lần nào kể từ khi được lập. (Ảnh nvcc)

Chị H.Y cho biết thêm khi đến làm việc với phòng giao dịch VietinBank các nhân viên ngân hàng còn cho rằng lỗi là do phía mẹ chị H.Y khi giao tiền cho người của ngân hàng mà không phải tại phòng giao dịch. Phía ngân hàng phủ nhận trách nhiệm và nói do bà H bị lừa và không làm đúng quý trình của ngân hàng.

Chị H.Y đặt ra câu hỏi: "Nếu gia đình tôi bị lừa thì sao mẹ tôi vẫn được cấp sổ tiết kiệm, và tại sao lại có người rút được số tiền 790 triệu đồng trong tài khoản của mẹ tôi trong khi không có chứng minh thư, không có sổ tiết kiệm và chữ kí của mẹ tôi".

Tới thời điểm hiện tại phía ngân hàng vẫn chưa có câu trả lời để cho phía gia đình chị H.Y thoả mãn.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện phía VietinBank cho biết: "Khách hàng đưa tiền cho bà Dân ở phía bên ngoài của phòng giao dịch nên bị chiếm đoạt tiền.

Bà H không đến ngân hàng giao dịch nên không có chữ kí mẫu nên chữ kí không trùng khớp. Hiện tại phía ngân hàng đã chuyển sự việc sang phía cơ quan điều tra để làm rõ".

Vị này cũng xác minh thông tin người đã nhận tiền của bà Hải là bà Dân trưởng phòng giao dịch.

Khi được hỏi lý do tại sao tài khoản của H bị mất 790 triệu trong khi đó bà H vẫn đang giữ sổ tiết kiệm, chưa thực hiện giao dịch rút tiền từ tài khoản thì vị này từ chối trả lời và cho biết khi cơ quan điều tra đi đến kết luận phía ngân hàng sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Theo Điều 15 về việc Rút gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm của Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN về việc ban hành quy chế về tiền gửi tiết kiệm:

1. Người gửi tiền thực hiện các thủ tục sau khi cần rút tiền:

a. Xuất trình thẻ tiết kiệm.

b. Nộp giấy rút tiền có chữ ký đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại tổ chức nhận tiền gửi tiết kiệm.

c. Đối với cá nhân Việt Nam phải xuất trình Chứng minh thư nhân dân. Đối với người gửi tiền là cá nhân nước ngoài phải xuất trình hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực (đối với trường hợp nhập, xuất cảnh được miễn thị thực); xuất trình hộ chiếu kèm thị thực còn thời hạn hiệu lực (đối với trường hợp nhập, xuất cảnh có thị thực).

d. Đối với trường hợp người gửi tiền là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, người gửi tiền ngoài việc thực hiện các thủ tục nêu tại Điểm a, b, và c Khoản 1 Điều này phải xuất trình thêm các giấy tờ chứng minh tư cách của người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Tác giả: Mạnh Cường

Nguồn tin: Đời sống và Pháp lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP