Ông Đức cho biết, năm 1990, vì cuộc sống khó khăn nên vợ chồng ông quyết định rời Hà Tĩnh lên tỉnh Đắk Lắk tìm hướng làm giàu. Thời điểm ông mua nhà tại xã Ea Tiêu thì trong khoảnh vườn đã có 20 cây bơ vàng trái vụ từ 7-15 năm tuổi. Theo lời người chủ cũ kể lại với ông Đức thì toàn bộ số cây bơ trong vườn đều được trồng từ các hạt giống bơ quý.
“Vài năm sau, do nhiều lý do khác nhau nên 20 cây bơ này chỉ còn lại được 1 cây duy nhất trưởng thành và ra trái đều đặn đến ngày hôm nay. Đến thời điểm này, cây bơ của gia đình tôi phải 35- 40 tuổi. Mỗi năm, tổng số trái thu hoạch từ bơ mẹ khoảng 7 tạ trái và gần 2.000 cây con giống mang về cho gia đình tôi hơn 200 triệu đồng” – ông Đức chia sẻ.
Theo chủ nhân của cây bơ 40 tuổi này, ưu điểm của cây bờ vàng trái vụ là cây cho trái liên tục từ tháng 11 đến tháng 5 âm lịch. Sau đó, cây nghỉ một tháng rồi lại ra hoa. Điều đặc biệt, do cây ra trái trái vụ nên ít chịu ảnh hưởng bởi thời tiết và nấm trên thân.
Theo quan sát, cây bơ “khủng” của gia đình ông Đức nổi bật giữa khu vườn vì kính lớn 2 người ôm không xuể, tán cây rộng và trái xum xuê.
Cây bơ 40 tuổi quý hiếm mang về cho gia đình ông Đức khoảng 200 triệu đồng/năm. Ảnh: H.L |
Tán cây rậm, xum xuê. Ảnh: H.L |
Cây bơ có đường kính rất lớn, 2 người ôm không xuể. Ảnh: H.L |
Gốc cây bơ phủ rêu xanh. Ảnh: H.L |
Theo lời ông Đức, trong nhiều năm qua, cây bơ rất ít khi bị nấm bệnh. Ảnh: H.L |
Trước thành công từ việc chiết cây giống và bán bơ trái cho người dân và du khách khắp nơi, hiện ông Đức đã gửi hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ để công nhận thương hiệu Bơ vàng Đức Huấn. Ảnh: H.L |
Tác giả: H.Long
Nguồn tin: Báo Lao động