Lao Động - Việc Làm

Lao động bậc thấp Trung Quốc tràn lan, cử nhân Việt Nam thất nghiệp

Trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam đang có xu hướng tăng lên thì không biết có bao nhiêu lao động Trung Quốc đang làm việc “chui” tại nhiều dự án ở các địa phương trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Không chỉ vậy, còn có nhiều trường hợp công nhân Trung Quốc “núp bóng” các chuyên gia, kỹ sư nhưng thực chất lại làm công việc lao động phổ thông và nhận mức lương cao hơn lao động người Việt.

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) nơi có nhiều lao động Trung Quốc hoạt động “chui”
Tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương “nổi cộm” trong tình trạng người Trung Quốc hoạt động trái phép. Năm 2013, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Hà Tĩnh đã xử phạt được 3 nhà thầu 35 triệu đồng, buộc xuất cảnh lao động chui trước thời hạn 102 lao động nhưng không thấm vào đâu so với thực trạng đang diễn ra tràn lan tại địa phương. Theo số liệu báo cáo của Sở LĐ-TB-XH Hà Tĩnh vào tháng 1/2014 trên địa bàn tỉnh có 54 tổ chức và cơ sở sử dụng 3.250 lao động nước ngoài trong đó có tới 1.910 lao động làm việc chui, không giấy phép và chủ yếu là người Trung Quốc. Tương tự, tại các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải (huyện Huyên Hải, tỉnh Trà Vinh) có con số thống kê khoảng  230 lao động đang làm việc nhưng chưa được cấp phép và số lượng hoạt động chui hoàn toàn có thể lớn hơn thế.
Thêm vào đó, những lao động Trung Quốc còn dùng chiêu thức núp dưới bóng “chuyên gia”, “kỹ sư” vào Việt Nam làm công việc chân tay. Xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đã trở thành “làng” Trung Quốc khi số lượng lao động Trung Quốc “ăn theo” dự án công trình Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Nhiều công nhân Trung Quốc được “gắn mác” chuyên gia, kỹ sư nhưng thực chất chỉ là bốc vác, đào hố, tháo dỡ giàn giáo bên trong nhà máy với mức lương được trả cao hơn rất nhiều so với người Việt.
Theo Tổng cục Thống kê đã đánh giá trong năm 2013 tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng “tăng nhẹ” từ 1,81%  đến 1,9% so với năm 2012. Thậm chí ông Nguyễn Bá Ngọc, Phó viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, còn lạc quan đánh giá Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới trong bản báo cáo quý I/2014. Nhưng con số này không phản ảnh đúng thực trạng xã hội. Ông Nguyễn Thắng – Trung tâm phân tích và dự báo Viện Hàn lâm khoa học Xã hội nhấn mạnh trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô năm 2013 do Ủy ban Kinh tế quốc hội công bố, cho dù số lượng người không mất việc có số lượng lớn (do quay lại khu vực kinh tế phi chính thức) nhưng thu nhập và điều kiện làm việc bị ảnh hưởng tiêu cực. Bởi vậy, chỉ số tỷ lệ thất nghiệp không có quá nhiều ý nghĩa với hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, tại khu vực kinh tế chính thức, chất lượng lao động của Việt Nam cũng là một dấu chấm hỏi lớn khi tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao còn cao hơn nhóm không có chuyên môn (riêng trong quý IV 2013 đã có thêm 72.000 cử nhân Việt Nam thất nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái). Một bức tranh đối nghịch với lực lượng lao động Trung Quốc dù không có chuyên môn nhưng lại được nhận lương kỹ sư, chuyên gia. Và lao động phổ thông tại nhiều địa phương còn bị chèn ép bởi những ưu đãi khó hiểu dành cho lao động Trung Quốc. Đơn cử như tại nhà thầu Viện Nghiên cứu và thiết kế xi măng Hợp Phì của Trung Quốc ở Thanh Hóa  rất nhiều lao động có sẵn tại Việt Nam đều bị nhà thầu từ chối để thay bằng lao động Trung Quốc.
Dù đã có nhiều văn bản, quy định được đưa ra để kiểm soát số lượng cũng như chất lượng lao động nước ngoài nhưng lao động Trung Quốc dường như lại vô hình trước cơ quan chức năng khi hoạt động đằng sau các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những tác động lâu dài chưa được đo đếm, nhưng đối với từng địa phương, lao động Trung Quốc chính là tình trạng an ninh xã hội, văn hóa bất ổn. Còn đứng trên quan điểm chính sách vĩ mô, tại hội thảo “Triển vọng kinh tế và tầm nhìn chính sách năm 2014” , các chuyên gia kinh tế còn bày tỏ nỗi lo ngại, nếu sau này có gia nhập TPP, những lợi thế của một thành viên chưa hẳn đã rơi vào Việt Nam khi các doanh nghiệp nội có sức cạnh tranh yếu, các doanh nghiệp nước ngoài ăn sâu vào nền kinh tế, mà phần ngon nhất của chiếc bánh có thể sẽ rơi vào tay Trung Quốc.
Hải Băng
Tổng hợp / Song Moi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP