Báo chí những ngày qua liên tục đưa tin việc lạm thu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn tại một số địa phương. Có nơi người dân phải đóng đến hơn chục loại phí cho thôn, xã mà trong đó phần lớn là loại phí pháp luật đã bãi bỏ, tự địa phương đặt ra, thậm chí có loại phí mà người ta cũng không hiểu là phí gì (phí “nội sản” ở một xã huyện Can Lộc- Hà Tĩnh), thậm chí địa phương này còn có phí “nuôi cán bộ”… Đáng nói nữa là các phí này cứ “bổ đầu dân” để thu mà ngay cả gia đình thuộc diện nghèo cũng phải đóng. Hình ảnh người phụ nữ trong gia đình nghèo ở Hà Tĩnh, có con và chồng bệnh tật không có thuốc chữa, ứa trào nước mắt kể về việc dốc từng hạt thóc trong bao bán đi để đóng quỹ, phí cho địa phương đã làm bùng lên sự bức xúc trong dư luận.
Câu chuyện lạm thu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn không phải nay mới có, nó đã diễn ra ở vài nơi những năm trước đây. Vậy sao cái phi lý này vẫn được chính quyền cấp cơ sở thực hiện, người dân vẫn cam lòng bỏ tiền ra đóng góp? Điều đầu tiên dễ thấy, người dân ở những địa phương này chưa hiểu rõ những quy định của pháp luật. Nhưng dễ gì để người dân hằng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” hiểu được hết những quy định mới, những thay đổi về chính sách luôn diễn ra? Trong khi đó, chính quyền cơ sở thì hoặc không công khai quy định, hoặc giải thích lắt léo để nhằm tạo được quỹ càng nhiều càng tốt. Đó là chưa kể, ở nhiều xã, chính quyền không cho người dân làm các thủ tục hành chính, không đóng dấu xác nhận văn bản hành chính cho dân khi người dân chưa đóng đủ quỹ, phí; có nơi dùng biện pháp “bêu tên” lên loa công cộng những gia đình chưa “thực hiện chính sách thuế, phí” để tạo áp lực với người dân…
Ở góc nhìn khác, tại sao cấp cơ sở còn có nhiều tổ chức, hội, đoàn nhưng còn thiếu vắng tiếng nói của họ với vấn đề này? Có thể một phần trong đó họ được hưởng lợi (như quỹ phục vụ hội đoàn, mình phục trách), cũng có thể là sự bàng quan với những hoạt động này.
Nhưng còn chính quyền cấp trên? Với nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra, báo cáo hằng năm thì khó có thể nói cấp trên không biết. Nhưng phát biểu với báo chí, đã có cán bộ tỏ ra bất ngờ “không biết”, còn một cán bộ khác thì khéo léo cho rằng “cấp dưới đã lấy sự đồng thuận của dân khi họp dân rồi”…
Thự tế là một vài năm trước, việc lạm thu này ở một số nơi đã bị chính quyền cấp trên nhắc nhở, kể cả kỷ luật. Nhưng có lẽ sự nhắc nhở, xử lý còn quá nhẹ, chưa tạo được những “tấm gương” để các địa phương khác phải tránh nên căn bệnh lạm thu vẫn tái phái mỗi khi có dịp.
Với vai trò, phạm vi và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn- những trụ cột của nền kinh tế, xã hội nên lĩnh vực này luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Việc làm của một số chính quyền cơ sở như trên đã phần nào làm giảm hiệu quả về những chính sách chăm lo cho lĩnh vực trụ cột này của Đảng và Nhà nước. Do đó, vấn đề thu chi ở chính quyền cấp cơ sở cần phải tăng cường tính dân chủ, công khai, minh bạch. Đặc biệt, ở những nơi đã được chỉ rõ những sai phạm, cần được xử lý nghiêm minh, triệt để để người dân nông thôn bớt đi cái nghèo khó, tăng cường sự ổn định xã hội, niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị.