Mùa mưa lại đến, lái xe lại vất vả với những cung đường ngập. Ảnh HỮU KHOA. |
Như mới chiều qua, cơn mưa đầu mùa đã lập tức khiến đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập nước, gây khó khăn cho xe cộ đang giờ tan tầm.
Khi trời mưa như vậy, tầm nhìn bị hạn chế, mặt đường trơn trượt và rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan có thể gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, những hạn chế của cơ sở hạ tầng giao thông khiến việc lưu thông trong điều kiện trời mưa càng trở nên nguy hiểm hơn.
Chạy ở tốc độ cao, quan sát kém, mất lái, phanh gấp…là những nguyên nhân phổ biến gây tai nạn khi lưu thông dưới trời mưa.
Để đảm bảo an toàn khi đi mưa, các chuyên gia kỹ thuật cũng như các tài xế kinh nghiệm đúc kết một số điều cần lưu ý:
Bảo dưỡng xe khi vào mùa mưa
Khi thời tiết chuyển vào mùa mưa hãy đảm bảo rằng chiếc xe luôn trong tình trạng hoạt động tốt, đặc biệt là hệ thống phanh, đèn và cần gạt nước. Bên cạnh đó, lốp xe không mòn quá mức độ cho phép, cũng cần quan tâm đến áp suất lốp.
Kính chắn gió, cả bên trong và bên ngoài phải luôn được lau sạch để đảm bảo tầm quan sát tốt.
Nên thay thế các bộ phận định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Chọn tuyến đường di chuyển
Những cơn mưa có thể đến bất cứ lúc nào, việc cần làm là theo dõi để tránh nó. Có thể dễ dàng biết trước những cơn mưa thông qua các bản tin thời tiết hay đơn giản hơn là qua chiếc điện thoại thông minh.
Cũng cần nắm rõ các tuyến đường ngập sâu để tránh đi vào khu vực này khi có mưa lớn.
Đi chậm, bật đèn pha
Đi chậm sẽ giúp người lái tránh được những vật lồi lên trên mặt đường như nắp cống hay nắp hố ga. Đi chậm giúp còn giúp người lái có nhiều thời gian để nhận ra nguy hiểm và phản ứng trước những tình huống bất ngờ.
Mặt khác, đi chậm cũng giúp bánh xe bám đường tốt hơn, và giảm tải cho hệ thống phanh khi bắt buộc phải dừng đột ngột.
Mặt đường trời mưa thường trơn hơn do nước mưa hòa lẫn với bụi bẩn và dầu trên đường dễ dẫn tới hiện tượng xe bị trượt. Hệ thống phanh cũng hoạt động kém hơn trong điều kiện đường ướt, chính vậy đi chậm sẽ đảm bảo an toàn hơn rất nhiều.
Một số tài xế nhiều kinh nghiệm khuyên rằng nên đi vào mép bên trái, đây là nơi có phần đường cao hơn giúp xe không bị ngập cũng như tránh được các hố ga.
Bật đèn pha để quan sát tốt hơn và để các xe khác dễ nhận biết. Trong điều kiện trời mưa, đặc biệt là những cơn mưa lớn, tầm nhìn bị hạn chế việc bật đèn pha sẽ giúp những chiếc xe lưu thông ngược chiều dễ dàng nhận biết từ đó tránh những va chạm không đáng có.
Luôn bật máy lạnh khi trời mưa để hơi nước không bị tụ lại trên kính gây cản trở tầm nhìn.
Đều ga và đi ở số thấp
Cho xe về số thấp đối với xe số sàn hoặc xe có lẫy chuyển số, hộp số giả lập. Ở các cấp số thấp xe sẽ dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật gặp phải trên đường.
Một lưu ý vô cùng quan trọng là luôn luôn đều chân ga hoặc tăng ga khi đi qua những đoạn đường ngập nước bằng hoặc cao hơn ống xả, dòng khí xả sẽ tạo ra lực đẩy lớn tránh không cho nước đi vào bên trong.
Nếu phải giảm tốc độ hãy dùng phanh và giữ nguyên chân ga.
Đặc biệt lưu ý giữ khoảng cách
Giữ khoảng cách với xe phía trước giúp người lái có thể chủ động xử lý các tính huống bất ngờ có thể xảy ra.
Không nên lưu thông bên cạnh những xe lớn như xe buýt, xe tải vì các phương tiện này thường tao ra các sóng nước lớn gây tạt nước. Thay vào đó hãy đi sau các loại xe này phương tiện này với khoảng cách an toàn.
Khoảng cách an toàn khi đi mưa với xe phía trước là lớn hơn 2 lần chiều dài thân xe.
Tránh xe ngược chiều
Hạn chế tối đa việc đi song song với một xe ngược chiều, khi hai xe đi ngược chiều sẽ tạo ra các đợt sóng nước lớn có thể tràn lên nắp capo, gây nguy cơ nước tràn vào họng hút hoặc nắp máy có thể làm ướt bugi gây chết máy.
Tránh phanh gấp
Tránh phanh gấp, đặc biệt là nếu xe của không có hệ thống chống bó cứng phanh. Thay vào đó là giảm ga hoặc rà nhẹ chân phanh để giảm tốc độ và luôn nhớ phanh sớm hơn và nhẹ hơn so với bình thường vì độ nhạy của phanh khi đường ướt sẽ kém hơn từ 2 đến 3 lần so với đường khô.
Người lái có thể từ từ nhả chân ga và điều khiển xe đi thẳng cho tới khi xe lấy lại được ổn định, dùng phanh chân đạp nhẹ cho đến khi xe trở lại trạng thái cân bằng, tuyệt đối không dùng phanh tay.
Tìm điểm cao giữa đường ngập
Trong trường hợp phải đi qua điểm ngập nặng như đường Nguyễn Hữu Cảnh ở Sài Gòn, hãy tìm điểm cao nhất của mặt đường. Quan sát mực nước hoặc các phương tiện đi trước để tìm ra điểm cao của mặt đường.
Tiếp theo, hãy di chuyển với tốc độ vừa phải, không quá chậm bởi xe có thể bị ngừng đột ngột do lực cản thay đổi của các dòng nước chảy.
Không đi qua dòng nước chảy nếu không nhìn thấy đáy để tránh xe bị nước cuốn trôi. Nếu không chắc về độ sâu của vùng nước ngập thì không nên cho xe đi qua.
Tác giả: Mai Trang
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ