Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2015 của các NH cho thấy nhiều diễn biến bất ngờ: trong khi các thông tin xấu về lĩnh vực này vẫn đều đặn đến với giới đầu tư và các NH vẫn đang è cổ trích lập dự phòng nợ xấu, thì rất nhiều NH lại công bố không ít các thông tin tích cực.
Techcombank trong 6 tháng đầu năm, cho dù trích lập dự phòng ở mức cao nhưng lợi nhuận đạt hơn 1.030 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Thu nhập lãi thuần tăng gần 37%. Tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 2,4%.
MBBank chứng kiến lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.830 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ và hoàn thành 58% kế hoạch năm. Nợ xấu chỉ còn chiếm 2% trên tổng dư nợ, giảm nhiều so với con số hơn 2,7% hồi đầu năm…
Một NH chịu tác động lớn trong quá trình tái cơ cấu là TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) có lợi nhuận trước thuế quý II tăng gần 20% và tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống dưới 2,5%, so với 2,66% hồi đầu năm và trên 10% khi sáp nhập với Habubank.
VPBank tiếp tục chứng kiến lợi nhuận trước thuế ấn tượng đạt trên 1.170 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tính riêng trong quý II, lợi nhuận sau thuế đạt 625 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ, cho dù tăng vọt chi phí dự phòng.
Trước đó, hàng loạt các NH cũng đã báo lãi ấn tưởng nửa đầu 2015. Ông lớn BIDV đạt 3.016 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Vietcombank (VCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3 ngàn tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ và đạt 51,5% kế hoạch của năm. VietinBank (CTG) đạt gần 3,9 ngàn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho dù NH cũng đã tăng trích lập dự phòng.
Nhiều NH báo lãi vượt kế hoạch trong nửa đầu năm như: Eximbank ghi nhận lợi nhuận vượt 50% chỉ tiêu 1 ngàn tỷ đồng trước thuế đề ra cho năm nay; TPBank vượt 112% kế hoạch và đạt 55% kế hoạch cả năm…
Và theo một điều tra của NHNN thực hiện, tình hình kinh doanh của ngành NH tiếp tục tốt lên trong quý III. Dự báo lợi nhuận trước thuế toàn hệ thống tăng 8,9% trong năm nay.
Chuẩn bị cho thời tăng tốc mới
Cũng trong 6 tháng đầu năm, hàng loạt NH đã bất ngờ tăng mạnh nhân sự và duy trì mức lương trả cho các nhân sự cao cấp cũng như trung cấp khá hậu hĩnh.
Báo cáo của Ngân hàng BIDV cho thấy, quy mô tính tới cuối tháng 6 tăng 25% so với cùng kỳ, lợi nhuận cũng tăng 25% và số lượng nhân viên tăng tới trên 19%, tương đương tăng thêm hơn 3.800 nhân viên lên gần 23 ngàn người. Mức lương trung bình trong 6 tháng đầu năm 2015 cũng tăng gần 11% so với cùng kỳ lên gần 25 triệu đồng/tháng.
VPBank cũng chứng kiến nhân sự tăng trên 19%, tương đương tăng 1.830 người lên hơn 11,3 ngàn lao động. Lương trung bình trong 6 tháng đầu năm 2015 tăng hơn 12% lên gần 19 triệu đồng/người/tháng. Sacombank (STB) có nhân sự tăng gần 5,7%, tương đương hơn 710 người lên hơn 13,3 ngàn người. MBBank cũng chứng kiến nhân sự tăng gần 5,8% lên trên 7,3 ngàn người.
Ngay từ đầu năm, ông Đoàn Đức Minh, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của PVcombank cho biết, riêng khối khách hàng cá nhân, năm 2015 dự kiến sẽ tuyển cả nhân viên chính thức và cộng tác viên khoảng 700 người. Kế hoạch tới 2020, lực lượng kinh doanh của NH này được tiết lộ vào khoảng 3.500 cho đến 5.000 người.
Nhiều NH như Vietcombank, VietinBank, ACB… cũng đã rầm rộ đăng tin tuyển dụng ngay từ đầu năm mới để phục vụ kế hoạch mở rộng và phát triển kinh doanh. Trước đó, năm 2014, Sacombank đã tuyển thêm gần 1.000 nhân sự; MBB cũng tuyển thêm trên 800 người…
Trong quý II, các NH vẫn tiếp tục thông báo tuyển thêm nhân viên. Và một điểm nổi bật là lương trung bình vẫn được duy trì ở mức khá hấp dẫn, đa phần từ 18-40 triệu đồng/người/tháng.
Nếu chỉ nhìn vào các con số, có thể thấy, số lượng lao động các NH tuyển thêm trong 6 tháng đầu năm là rất lớn. Cùng với lợi nhuận tăng mạnh, nó cho thấy các NH đang phát triển mạnh mẽ.
Dường như, giai đoạn khó khăn của NH và thời vật vã của nhân viên nhà băng đã qua. Trong gần 4 năm tái cơ cấu vừa qua, NHNN đã giải quyết cơ bản xong giai đoạn 1 với việc cơ bản xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tình trạng tái chính của một loạt các NH thuộc diện yếu kém. Trong giai đoạn này, 3 NH đã được mua lại với giá 0 đồng: VNCB, OceanBank và GPBank. Nhiều NH M&A và biến mất trên thị trường: FirstBank, TrustBank, Habubank, MHB, MDB, Western Bank, MBBank…
Giai đoạn mới, có thể tới năm 2020, hướng tới việc phát triển hệ thống và nâng cao năng lực. Đây là giai đoạn để cho các tổ chức tín dụng bước vào một cuộc đua mới, một cuộc đua mà theo NHNN sẽ chỉ còn lại khoảng 15 ngân hàng lớn mạnh. Đây có lẽ cũng là lý do khiến các ngân hàng đẩy mạnh việc mở rộng hoạt động.
Sự gia tăng về quy mô tài sản cũng như nhân sự trong thời gian gần đây tại nhiều NH cũng liên quan tới làn sóng M&A trong lĩnh vực này. BIDV gần đây thực hiện sáp nhập MHB, trong khi đó VPBank mua lại Công ty Tài chính Thanh Khoán sản.
Bên cạnh đó, nhu cầu đẩy nhanh phát triển các mảng dịch vụ, sản phẩm mà ngành NH thường không chú tâm phát triển trong nhiều năm trước đó như tín dụng tiêu dùng, thị trường thẻ tín dụng, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ… cũng khiến các ngân hàng phải ráo riết mở hầu bao để tuyển dụng thêm người lao động.
Trong khi đó, lợi nhuận tăng cao một phần là nhờ vào tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Tăng trưởng toàn hệ thống NH trong gần 6 tháng đầu năm 2015 đã đạt gần 6,1%, cao hơn rất nhiều so với mức 3,7% cùng kỳ năm trước. Gần đây, NHNN đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho một loạt NHTM. Trong đó, nhiều NH được giao chỉ tiêu cao tới hơn 30%.
Theo VNN