Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank (TCB) của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2019.
Một trong những nội dung quan trọng được ngân hàng này đề ra là năm 2019 đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng 10% lên 11,75 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 510 triệu USD). Nếu không tới khoản thu từ bán Techcombank Finance năm 2018 thì mức tăng trưởng lợi nhuận đạt 20%.
Đây là một con số khá cao nếu đặt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chung của ngành ngân hàng đang được kiểm soát ở mức thấp hơn các năm trước đó và thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại.
Trong năm 2018, Techcombank ghi nhận lợi nhuận vượt kế hoạch 10 ngàn tỷ (lên 10,6 ngàn tỷ đồng) nhờ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong ngành ngân hàng (20,3% so với 2017).
Sở dĩ Techcombank có được sự bứt phá về tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh mà hầu hết các ngân hàng khác đều chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng trong lĩnh vực này và phải bù đắp bằng mảng dịch vụ là bởi Techcombank có một lợi thế không nhỏ.
Ông Hồ Hùng Anh. |
Trong năm 2018, cho dù cho vay khách hàng của Techcombank giảm nhẹ nhưng bù lại là một danh mục trái phiếu giá trị lớn, lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Techcombank có mối quan hệ mật thiết với một số khách hàng lớn và nằm trong hệ sinh thái của Vingroup của tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng.
Cũng theo kế hoạch trình ĐHĐCĐ, Techcombank sẽ trở lại với chiến lược không cổ tức thực hiện trong cả thập kỷ trước đó. Techcombank sẽ không trả cổ tức 2018. Đây là một chiến lược tích lũy sức mạnh, nhằm mở rộng quy mô của ngân hàng này. Trong năm 2018, Techcombank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1:2.
Techcombank cũng đưa ra kế hoạch phát hành, bán cổ phần cho người lao động (ESOP) trong năm nay với tổng lượng phát hành dự kiến tối đa 10 triệu cổ phiếu phổ thông (tương đương 0,29% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho cán bộ nhân viên với giá phát hành bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cp.
Số cổ phiếu này sẽ được phát hành ngay trong quý 2 hoặc quý 3 và không bị hạn chế chuyển nhượng. Điều đó có nghĩa là những người lao động được nhận số cổ phiếu này có thể bán và hiện thực hóa lợi nhuận ngay lập tức.
Chốt phiên giao dịch ngày 27/3, giá cổ phiếu TCB đứng ở mức 25.750 đồng/cp, chênh 15.750 đồng/cp so với cổ phiếu ESOP. Những người được mua cổ phiếu ESOP sẽ được hưởng lợi tổng cộng gần 160 tỷ đồng.
Hồi đầu tháng 3/2019, ông Hồ Hùng Anh được xếp hạng là tỷ phú USD của thế giới và là người giàu thứ 3 Việt Nam. Ông Hùng Anh có khởi điểm sự nghiệp khá giống ông Phạm Nhật Vượng nhưng bứt phá với đế chế Techcombank. Ông cũng là tỷ phú USD đầu tiên trong ngành ngân hàng Việt.
Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh có khối tài sản trị giá khoảng 1,7 tỷ USD, đứng trong top 1.500 người giàu nhất hành tinh.
Theo đánh giá của Forbes, ông Hồ Hùng Anh là tỷ phú tự thân, từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước cùng với ông Nguyễn Đăng Quang thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Ngân hàng Techcombank.
Sau bao năm chấp nhận ẩn mình, doanh nghiệp của tỷ phú kín tiếng Hồ Hùng Anh vụt bước lên số 1. Đại gia gốc Thừa Thiên Huế không chỉ giàu ngang ngửa với nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo mà còn giàu gấp 10 lần so với người đứng vị trí tiếp theo trong lĩnh vực ngân hàng là ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch VPBank.
Ông Hồ Hùng Anh hiện nắm giữ hơn 39 triệu cổ phiếu TCB, gián tiếp sở hữu gần 250 triệu cổ phiếu Masan (MSN) với tổng cộng tài sản quy từ cổ phiếu trị giá khoảng 25 ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, vợ và mẹ ông Hùng Anh mỗi người nắm giữ một hơn 174 triệu cổ phiếu TCB, tương đương mỗi người gần 5%. Em gái của ông Hùng Anh sở hữu gần 115 triệu TCB; con trai sở hữu hơn 93 triệu. Đó là chưa kể số cổ phiếu Masan (MSN) mà nhà ông Hùng Anh nắm giữ.
Tổng cộng nhà ông Hồ Hùng Anh có thể nắm giữ khoảng 600 triệu cổ phiếu TCB, trên tổng cộng khoảng 3,57 tỷ cổ phiếu TCB đang lưu hành, tương đương 17% vốn điều lệ của ngân hàng Techcombank.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản thấp khiến thị trường hồi phục không được như mong muốn. Dòng vốn ngoại vẫn có xu hướng mua ròng trên thị trường và hiện tại đang dồn vào một số mã lớn như Vietcombank, GAS, Hòa Phát…
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, đà tăng điểm của thị trường dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi đối mặt với vùng kháng cự 981-991 điểm trong những phiên tới. Mặt khác, BVSC vẫn để ngỏ khả năng VN-Index có thể vẫn còn một nhịp giảm điểm về vùng 950-960 điểm, trước khi tạo ra phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại một cách rõ nét hơn.
Còn theo Rồng Việt, xu hướng giảm đang chững lại và xuất hiện những phiên tăng điểm nhẹ. Tuy nhiên thanh khoản ở mức rất thấp cho thấy sự tin cậy của những phiên tăng điểm này là không cao. Khả năng cao đây là một nhịp phục hồi kỹ thuật. Nhà đầu tư nên đề cao việc quản trị rủi rot hay vì cố gắng tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/3, VN-Index tăng 6,12 điểm lên 975,91 điểm; HNX-Index tăng 0,71 điểm lên 107,56 điểm. Upcom-Index tăng 0,09 điểm lên 57,15 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 4,1 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: H. Tú
Nguồn tin: Báo VietNamNet