Tỷ phú USD đầu tiên ngân hàng Việt
Tạp chí Forbes tối 5/3 công bố danh sách tỷ phú USD 2019, trong đó Việt Nam có thêm 2 tỷ phú là ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank) và ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Tập đoàn Masan) với tổng tài sản 3 tỷ USD.
Ông Hồ Hùng Anh có 1,7 tỷ USD, đứng thứ 1349 trong danh sách những tỷ phú giàu nhất hành tinh.
Theo đánh giá của Forbes, ông Hồ Hùng Anh là tỷ phú tự thân, từng kinh doanh hàng tiêu dùng tại Đông Âu, trước khi về nước cùng với ông Nguyễn Đăng Quang thành lập Tập đoàn Masan và sau đó đầu tư vào Ngân hàng Techcombank.
Sau bao năm chấp nhận ẩn mình, doanh nghiệp của tỷ phú kín tiếng Hồ Hùng Anh vụt bước lên số 1. Đại gia gốc Thừa Thiên Huế không chỉ giàu ngang ngửa với nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo mà còn giàu gấp 10 lần so với người đứng vị trí tiếp theo trong lĩnh vực ngân hàng.
Ông Hồ Hùng Anh hiện đang nắm giữ hơn 39 triệu cổ phiếu TCB, gián tiếp sở hữu gần 250 triệu cổ phiếu Masan (MSN) với tổng cộng tài sản quy từ cổ phiếu trị giá khoảng 25 ngàn tỷ đồng.
Ông Hồ Hùng Anh, tỷ phú USD mới của Việt Nam. |
Bên cạnh đó, vợ và mẹ ông Hùng Anh mỗi người nắm giữ một hơn 174 triệu cổ phiếu TCB, tương đương mỗi người gần 5%. Em gái của ông Hùng Anh sở hữu gần 115 triệu TCB; con trai sở hữu hơn 93 triệu. Đó là chưa kể số cổ phiếu Masan (MSN) mà nhà ông Hùng Anh nắm giữ.
Tổng cộng nhà ông Hồ Hùng Anh có thể nắm giữ khoảng 600 triệu cổ phiếu TCB, trên tổng cộng khoảng 3,57 tỷ cổ phiếu TCB đang lưu hành, tương đương 17% vốn điều lệ của ngân hàng Techcombank.
Để có được cơ nghiệp như ngày nay, ông Hồ Hùng Anh đã có một thời gian dài kinh doanh từ Đông Âu về tới Việt Nam. Ông Hồ Hùng Anh được xem là cặp bài trùng với ông Nguyễn Đăng Quang cùng tạo nên cả 2 đế chế Masan và Techcombank. Gần đây, ông Hồ Hùng Anh rút khỏi Masan để tập trung vào Techcombank theo những quy định riêng của ngành ngân hàng.
Ông Hồ Hùng Anh tốt nghiệp cử nhân ngành Điện tử tại trường Đại học Bách khoa Kiev (Ukraine) và sau đó khởi nghiệp tại Nga với lĩnh vực mì gói và tương ớt. Đến đầu những năm 90s, ông bắt đầu kinh doanh hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu. Techcombank ban đầu được thành lập vào năm 1993 bởi một nhóm trí thức trở về từ Đông Âu. Ông Hùng Anh tham gia đầu tư vào ngân hàng này từ năm 1995 và vào HĐQT Techcombank năm 2004. Ông Hồ Hùng Anh chính thức tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng này từ tháng 5/2008 cho đến nay.
Techcombank mối thâm tình với Masan và Vingroup
Ngành ngân hàng Việt Nam đang bứt phá mạnh mẽ, với động lực đến từ nhóm tư nhân. |
Trong năm 2018, Techcombank của đại gia Hồ Hùng Anh đã ghi nhận kết quả kinh doanh đạt kỷ lục với lợi nhuận trước thuế 10.661 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2017, trong bối cảnh tín dụng của ngân hàng nói riêng và của hệ thống nói chung giảm.
Năm 2018, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng (ROEA) đạt 21,5%, tỷ lệ nợ xấu 1,8%. Vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt 52 ngàn tỷ đồng, cũng là mức cao nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân.
Một điểm dễ nhận thấy, ngân hàng của ông Hùng Anh có những khách hàng rất lớn như Masan, Vietnam Airlines hay Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mảng dịch vụ và đầu tư cũng góp phần vào sự bứt phá của TCB.
Techcombank được cho là đối tác gần gũi của Vingroup của tỷ phú USD số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng, cho vay và phát hành trái phiếu cho VIC nhiều. Công ty chứng khoán TCBS cũng góp cả ngàn tỷ lợi nhuận cho ngân hàng mẹ.
Về mảng tín dụng, TCB ghi nhận tăng trưởng 20%, vượt trội so với bình quân ngành. Riêng mảng bán lẻ, ông Hồ Hùng Anh đã đặt trọng tâm và tập trung vào 6 nhóm ngành kinh tế quan trọng, đóng góp phân nửa tổng GDP, bao gồm: nhà ở; ô tô; dịch vụ tài chính; giải trí và du lịch; đồ uống và thực phẩm; và tiện ích và viễn thông.
Các tỷ phú mang đến diện mạo mới cho nền kinh tế. |
Theo báo cáo, thu nhập của ngân hàng trong năm 2018 được đóng góp bởi thu nhập từ lãi chiếm 66% và ngoài lãi là 34%. Thu nhập ngoài lãi được dẫn dắt bởi tăng trưởng mạnh đến từ trái phiếu, bảo hiểm và thẻ.
Cũng giống như nhiều ngân hàng năng động khác, Techcombank đẩy mạnh phát triển các dịch vụ online, mobile cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhờ chính sách thích hợp, ông Hùng Anh đã ghi nhận số tiền gửi không kỳ hạn tăng cao, tương đương 29% trên tổng huy động, góp phần lớn vào thành công chung.
Trong tương lại với quy mô vốn lớn và quy chuẩn mới, Techcombank của ông Hùng Anh còn có thêm nhiều lợi thế. Được biết, Techcombank đã nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước để áp dụng Basel II vào quản lý rủi ro và có thể sẽ sớm được chấp thuận. Hiện tại ngân hàng đã ứng dụng quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn này vào trong hoạt động để nâng cao chất lượng hoạt động.
Techcombank cũng là 1 trong các ngân hàng mua lại toàn bộ nợ xấu từ VAMC sớm nhất để tự xử lý và nhờ đó phần dự phòng cho các khoản nợ ấy không còn mà được hoàn nhập vào lợi nhuận khi xử lý xong.
Tác giả: H. Tú
Nguồn tin: Báo VietNamNet