Giáo dục

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 không cần đặt nặng việc chấm chéo

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nếu kỳ thi THPT quốc gia 2019 không còn mục đích “2 trong 1”, tức vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học, thì không cần đặt nặng vấn đề chấm chéo giữa các địa phương.

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 không còn mục đích "2 trong 1". Ảnh ĐH.

Tại phiên giải trình việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích " 2 trong 1" mà chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp phổ thông. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng dự kiến, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ tổ chức chấm chéo hoặc chấm theo cụm bài thi các địa phương.

Trước thông tin này, ông Trần Văn Tớp cho rằng, khi Kỳ thi THPT quốc gia 2019 không còn mục đích “2 trong 1” thì không cần đặt nặng vấn đề chấm chéo ở các địa phương. “Mặc dù, kỳ thi nào cũng yêu cầu tính nghiêm túc, chính xác nhưng nếu chỉ dùng để xét tốt nghiệp THPT thì có thể có gian lận, nhưng không nghiêm trọng”, ông Tớp nêu quan điểm.

Đứng ở góc độ khác, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT lại cho rằng, nếu để địa phương nào chấm thi địa phương đó như trước đây sẽ rất dễ xảy ra những xung đột về lợi ích. Các trường đại học mong muốn tuyển được đầu vào chất lượng tốt, nhưng địa phương nào cũng muốn con em mình được học ở những trường đại học tốt. Mục tiêu của các bên khác nhau dễ xảy ra xung đột lợi ích, dẫn đến những gian lận như tại Hà Giang, Sơn La năm 2018.

Theo TS Lê Trường Tùng, có thể giao cho địa phương chấm thi, nhưng cần đảm bảo các địa phương không biết mình đang chấm bài của thí sinh tỉnh, thành phố nào. Ngay sau khi thu bài thi từ thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quản lý toàn bộ bài thi, dọc phách, tách phách và giao từng lô bài về các địa phương để chấm. “Để đảm bảo tính chính xác, an toàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đặc biệt siết chặt khâu giám, quản lý trong mọi quy trình từ coi thi đến chấm thi”, TS Tùng chỉ rõ.

Tác giả: Đỗ Hòa

Nguồn tin: Báo Hải quan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP