Sau cách mạng tháng Tám, Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh đã mở lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên vào ngày 20/10/1945 nhằm tạo sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và tổ chức trong toàn Đảng bộ. Ngay sau đó, ngày 12/12/1945, Đại hội Đảng bộ tỉnh quyết định tiếp tục mở lớp huấn luyện chính trị và lấy tên là “Lớp chính trị Trần Phú” đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của Trường Chính trị Trần Phú. Về sau ngày 18/11/1995 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có Quyết định thành lập trường Chính trị Trần Phú.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Nam Hồng(ngoài cùng bên phải) trao tặng bức trướng của Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Tĩnh cho lãnh đạo nhà trường tại buổi lễ. |
Từ đó tới nay, trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, gắn bó với lịch sử của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh qua nhiều lần chia tách, tái hợp chuyển địa điểm mặc dù gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng cán bộ, đảng viên Trường Chính trị Trần Phú luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt khó hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trường Chính trị Trần phú đã bám sát nhiệm vụ chính trị, có đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà, nhiều cán bộ học viên đã trưởng thành giữ những cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước. Chỉ tính trong vòng 25 năm lại nay, Trường Chính trị Trần Phú đã mở 405 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 37.465 học viên; thực hiện 25 đề tài khoa học; biên soạn 8 giáo trình đào tạo; 6 chương trình và tài liệu bồi dưỡng; tổ chức nhiều hội thảo khoa học; xuất bản 60 số kỷ yếu khoa học và phát hành 45 số nội san nhà trường.
Rất nhiều đại biểu về tha, gia buổi lễ |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã biểu dương và ghi nhận những thành quả mà Trường Chính trị Trần Phú đạt được trong 70 năm qua đồng thời mong muốn lãnh đạo, cán bộ đảng viên nhà trường tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng nhà trường ngày càng vững mạnh. Bên cạnh đó cần đổi mới nội dung để khắc phục hạn chế trong giảng dạy, tăng cường các nội dung sát, gắn bó với thực tiễn, hạn chế chương trình, đào tạo, bồi dưỡng nặng về lý luận. Ngoài ra cần chú trọng đến năng lực lãnh đạo, quản lý và phương pháp giảng dạy, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo bồi dưỡng trong tình hình mới, thời gian tới, nhà trường cần bám sát nhiệm vụ chính trị, tăng cường phối hợp, tham mưu với các cấp chính quyền làm tốt công tác bồi dưỡng đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực cho địa phương. Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng công tác nghiên cứu, giảng dạy xứng đáng là trung tâm bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh.
Thái Sơn./ Tầm Nhìn