Đặc Sản Hà Tĩnh

Kỳ Lợi: Trắng đêm cùng những "tay" săn mực

Có lẽ không nơi nào ở miền Trung, mực lại nhiều như ở vùng biển cảng Vũng Áng (xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Người dân nơi đây không cần giong thuyền ra khơi mà chỉ cần ngồi trên bờ câu cũng có thể "thu hoạch" được mực.

Những tưởng đây chỉ là “thú vui” giải trí hay là nguồn thu phụ cho kinh tế gia đình, nhưng trên thực tế, nó là nguồn kiếm sống chủ yếu của người dân.

Mong muốn được trải nghiệm thực tế và thử cảm giác ngồi trên thuyền giữa mênh mông sóng nước, tôi quyết định bám theo thuyền của một ngư dân ra khơi. Nhưng cũng phải mất một hồi tỉ tê thuyết phục, tôi mới được anh Lê Văn Hòa (38 tuổi), người có thâm niên làm nghề câu mực gần 30 năm ở xã Kỳ Lợi đồng ý cho lên thuyền. Sở dĩ người đàn ông này khá câu nệ khi cho tôi theo chân bởi theo lý lẽ của anh, để ra khơi “săn” mực thì trước hết, người “thợ săn” phải có sức khỏe, bản lĩnh, cũng như khả năng chống chọi với sóng biển.


Nếu không quen thì dễ bị rơi vào trạng thái “ảo giác”, những cơn say ngấm vào triền miên do “uống” quá nhiều sóng. Đó là chưa kể đến việc phải thức trắng đêm lênh đênh giữa biển khơi đến rạng sáng ngày mai mới được trở vào bờ. Vì những lý do đặc biệt như thê, nên thông thường chỉ cánh đàn ông mới theo đuổi được nghề này.


17 giờ, cảng biển Vũng Áng, thuyền, bè tấp nập vào ra. Đếm sơ sơ, quanh khu vực cửa biển này cũng đã có gần 700 chiếc đang “hành nghề” câu mực, trong số đó có đến 2/3 thuyền là của người dân xã Kỳ Lợi. Trên những chiếc thuyền chất đầy các công cụ không thể thiếu chuẩn bị cho công việc “săn” mực đêm như: Đèn măng-xông (loại đèn có độ sáng cực mạnh, có tác dụng thu hút mực), cần câu tự chế, vợt vớt mực, cuộn dây câu, lồng đựng mực…


Theo kinh nghiệm câu mực của người dân nơi đây, mùa mực bắt đầu từ khoảng tháng 3 đến tháng 8 (âm lịch) hàng năm. Chẳng biết từ bao giờ, người dân Kỳ Lợi đã xem câu mực đêm là một nghề mưu sinh truyền thống. Nhưng nghề này cũng “vô thưởng vô phạt”, có hôm đi trúng vùng có mực thì… vớ to, cũng có hôm trăng sáng, biển động thì xem như về không.


Sau khi đã chuẩn bị tươm tất mọi thứ, khi mặt trời tắt hẳn, anh Hòa cho thuyền nhổ neo. Sau một hồi “thám thính”, thăm dò ngư trường, anh cho thuyền dừng lại cách bờ khoảng 300m. Buông nhẹ dây neo, người đàn ông lực điền sửa soạn lấy cần câu ra gắn mồi. Cần câu được làm bằng một thanh tre nhỏ, dài khoảng 1m, sợi dây câu nối với cần dài khoảng 20m. Quan sát cách anh Hòa gắn mồi câu, tôi thấy, có hai loại mồi. Một loại mồi giả (được làm bằng chì hoặc nhựa phản quang, bên ngoài quấn bằng giấy kim tuyến với nhiều màu sắc sặc sỡ, phía dưới gắn chùm móc câu), một loại là con mồi thật đang còn sống (được móc vào đuôi phía dưới lưỡi câu).


Đêm xuống, cả cảng biển Vũng Áng trở nên kỳ ảo trước ánh sáng của hàng trăm ngọn đèn măng-xông gắn trên các mạn thuyền, đẹp lung linh như thành phố nổi trên sông. Buông mồi xuống độ sâu khoảng 10m, anh Hòa dừng lại, giữ chặt sợi cước trên tay, anh quay sang bảo tôi: “Thế là xong! Bây giờ chỉ việc ngồi “canh” mực”. Tôi thắc mắc: “Thế khi nào thì biết mực đã cắn câu?”.


Anh bật mí: “Chủ yếu là tin vào cảm giác và kinh nghiệm của mình thôi, cứ nghe nặng ở đầu cần câu thì nhanh tay nhấc cần”. Quan sát cách anh câu mực, tôi thấy, trong khoảng thời gian “buông cần”, bàn tay anh liên tục làm động tác giật cần lên xuống. Giải đáp thắc mắc của tôi, anh cho biết: “Đấy là động tác giả, nhằm đánh lừa những con mực khác là con mồi đang nhảy tung tăng dưới nước, kêu gọi bạn tình”.


Theo anh Hòa, câu mực hay câu cá đều phải có tính kiên trì và sự khéo léo. Câu mực không khó nhưng để câu được mực thì quả không dễ. Mực rất dễ bị đánh lừa vì ánh sáng của đèn, hễ thấy mồi là nó lao vào ăn chứ không biết phân biệt. Đang dở câu chuyện với tôi, bỗng anh Hòa reo lên: “Có rồi, có rồi!”. Nhanh tay cuộn tròn dây câu, anh Hòa nhấc bổng cần lên khỏi mặt nước, con mực bị ngoắc vào lưỡi câu bỗng phun ra những vòi nước đen ngòm, bắn tứ tung vào mặt, áo quần chúng tôi. Thấy thế, anh Hòa cười khà khà rồi bảo: “Tôi đã cảnh báo rồi mà, đi câu mực là phải mặc áo quần bảo hộ hoặc đồ tối màu chứ không may “dính chưởng” là giặt không ra đâu”. Cứ như thế, thoăn thoắt khoảng chưa đầy 15 phút, một chú mực lại bị dính câu của anh Hòa.


Đêm càng về khuya, mực càng nhiều, nhưng đến gần sáng, mực thưa thớt hơn. Trời hửng sáng, tôi nhìn lồng mực, nhiều quá rồi! Những con mực ống to, tròn đua nhau bơi lội, long lanh trong ánh đèn. Thu xếp vội cần câu rồi quay sang tôi, anh Hòa cười vui vẻ: “Về thôi! Ngót nghét cũng được 700-800 nghìn đêm nay rồi đó”. Nói rồi anh kéo vội dây neo, chiếc thuyền tắt đèn quay mũi hướng về phía cảng, nơi những thương lái và các chủ nhà hàng nổi đang chờ sẵn.


Tàu cập cảng, tôi nhìn đồng hồ, đã 5 giờ sáng. Một ngày mới lại đang bắt đầu.


Nhi Lê

Biên Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP