Du lịch

Kỳ lạ những đặc sản có công dụng “trường thọ” ở Việt Nam

Không ai có thể ngờ rằng, loài rêu đá mọc dưới lòng suối hay nắm lá cây rừng lại được người dân vùng sơn cước nâng niu, giữ gìn như một bảo vật quý giá. Bởi lẽ với họ, đây đều là những vật phẩm có khả năng tăng cường tuổi thọ, giúp người già sống lâu mà vẫn minh mẫn, dẻo dai…

Rêu đá

Đối với người dân Tày, Nùng ở thôn Trung (xã Xuân Quang, huyện Quang Bình, Hà Giang), rêu đá không chỉ là món ăn mà đã đi sâu vào đời sống văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào.

Giai đoạn còn khốn khó trước kia, rêu đá là món ăn cứu đói của nhiều gia đình. Còn ngày nay, rêu đã trở thành đặc sản, là bí quyết riêng để nhiều cụ già đã thọ quá ngưỡng “cửu thập” vẫn khỏe mạnh, dẻo dai, minh mẫn.

Rêu ở đây là loại rêu mọc tự nhiên trên đá, nằm sâu dưới lòng những con suối nước trong vắt. Người dân cũng không hề biết tổ tiên ăn rêu từ bao giờ, chỉ truyền tai nhau một câu chuyện từ đời này nối đời khác rằng: “thần rêu” sinh ra con người ở vùng này, ngược lại con người cũng có bổn phận phải tạo điều kiện để rêu mọc tự nhiên.

Rêu sau khi vớt từ suối lên.

Theo kinh nghiệm của người Tày, Nùng, khi đi tìm mò quẹ (tiếng Tày có nghĩa là rêu đá) nên chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Khi vớt rêu, phải đứng ở dưới suối, hứng nước chảy từ trên rồi lấy tay quơ ngang. Các đám rêu ngậm nước nhiều, khi nhấc ra khỏi nặng trĩu tay, phải từ từ cho rêu chảy hết nước rồi bỏ vào giỏ.

Hái rêu là một công việc vất vả, nhưng việc đập rêu, loại bỏ tạp chất còn nhọc hơn. Người ta để những cục rêu lên thớt hoặc một hòn đá tảng to có mặt phẳng và đập cho rong rêu bong ra các tạp chất. Phải đập sao cho khéo để rêu không bị nát, dễ mất chất dinh dưỡng và màu xanh tự nhiên.

Sau khi được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, rêu có thể chế biến thành nhiều món như nộm rêu, canh rêu,… nhưng độc đáo nhất vẫn là món rêu trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.

Rêu nướng là sự sáng tạo của người Tây Bắc.

Người Thái có thể dùng rêu nướng không với các loại dong, lá chuối hoặc nướng cùng cá suối, thịt lợn, thịt gà và ớt. Sau khi nướng, rêu đá trở nên mỏng tang, giòn và vô cùng thơm ngon. Người ăn chơi nhấm nháp rêu đá nướng với rượu, người lại ăn kèm với xôi đồ thơm phức.

Ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ khách quý mới được đãi món rêu khô này.

Cây đái bay

Vùng đất Lũng Vân (hay còn gọi là Mường Chậm, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) bao năm nay vẫn được mệnh danh là “thung lũng trường thọ” bởi số người sống trên dưới 100 tuổi có rất nhiều. Theo lời truyền qua các thế hệ, chính loài kì thảo có cái tên “đái bay” đã giúp họ có cuộc sống như vậy.

Một phần huyện Tân Lạc. (Ảnh: jenteo27)

Cây đái bay là một loại cây rừng mọc hoang, bám mình trên vách đá hoặc các cây cổ thụ. Nhiều người dân vùng này có thói quen khi lên nương cũng phải chuẩn bị một can nước lá đái bay mang theo để uống. Dù lao động cật lực nhưng khi uống vào sẽ thấy hết mệt mỏi.

Cây đái bay cũng thuộc dạng thân mềm như cây sắn dây, có lá to giống như lá thị, cả thân cây và lá đều có thể dùng được. Bà con dân tộc khi hái cây đái bay về sẽ cạo vỏ thật sạch, rửa qua vài lần nước suối, thái lát thật mỏng rồi phơi khô. Sau khi đun nước sôi thì thả loài cây này vào.

Nước cây đái bay có màu đỏ, vị ngọt mát, đun đến nước thứ hai, thứ ba là ngon nhất, bởi lúc này sẽ xuất hiện mùi thơm thoang thoảng. Riêng với thân cây, chỗ nào phình ra to nhất thì sẽ cắt lấy dùng để ngâm rượu ngô hoặc dùng làm thuốc xông hơi.

Ngoài các công dụng trên, cây đái bay còn được ngâm cùng với rượu tỏi, hạt dổi, vỏ quế rồi bắt một con rết to cho vào sẽ có tác dụng trị đau gân, đau chân tay, sưng bầm, tím tái, phong thấp, cảm hàn... rất tốt.

Để hái được loài cây này phải mất khá nhiều công sức, có khi đi vào rừng sâu hàng tuần mà vẫn không lấy được. Nhất là mấy năm trở lại đây, nhiều thương lái miền xuôi ngược đường tìm đến săn tìm với giá cao khiến cây đái bay càng trở nên khan hiếm.

Tác giả: Hoàng Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: đặc sản , kỳ lạ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP