Tin Hà Tĩnh

Kỳ Anh thất thu ngân sách khiến thị xã ngập rác

Theo chỉ đạo từ lãnh đạo thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), tạm thời rác thải sẽ được vận chuyển lên các bãi trung chuyển (Bãi rác cũ) để giải quyết tình trạng trước mắt. Khi nào “đàm phán” xong với nhà máy xử lý rác sẽ chuyển lên đó để xử lý...

Hình ảnh những đống rác chất cao khắp các ngả đường thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) từ trước khi có cơn bão số 10 tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật, ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông…

Trao đổi với PV PNVN, ông Lê Quang Hòa, GĐ Công Ty Môi trường đô thị Thị xã Kỳ Anh (một trong 3 đơn vị chính đảm nhận việc thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn), cho biết: “Đơn vị chỉ đảm nhận công việc vận chuyển chứ còn chuyện nợ nần tiền bạc như thế nào thì đó là trách nhiệm của thị xã Kỳ Anh chứ công ty không liên quan. Chúng tôi chỉ nhận việc vận chuyển theo chỉ đạo của thị xã. Những ngày trước do có công văn từ công ty Phú Hà “cấm cửa” việc tiếp nhận rác nên xảy ra tình trạng rác thải ùn ứ trong dân, đặc biệt là sau cơn bão số 10”.

Tình trạng rác thải bốc mùi hôi thối tràn ra cả đường quốc lộ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho biết: “Tạm thời, chúng tôi đã có văn bản giao cho các đơn vị vận chuyển rác trên địa bàn tập trung nhân lực, máy móc để vận chuyển rác thải đang tồn đọng trong dân suốt 2 tuần nay lên các bãi rác trung chuyển (tại những bãi rác cũ) để giải quyết tình trạng trước mắt. Sau đó, sẽ làm việc cụ thể, đàm phán với với Công ty Phú Hà nhằm đưa ra phương án tốt nhất trong vấn đề xử lý rác thải hiện nay trên địa bàn”.

Cũng theo ông Hà, hiện chính quyền đã chỉ đạo các các ban ngành, đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải trong việc xử lý rác tạm thời. Cụ thể: Những loại rác thải như lá cây, cảnh cây, gỗ,… thì có thể đem đốt, những loại rác thải như gạch, ngói thì có thể tận dụng để làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng. Còn rác thải sinh hoạt thì chở lên những bãi rác trung chuyển chờ xử lý sau.

Tập trung vận chuyển rác thải lên những bác rác trung chuyển chờ xử lý sau.

Ngoài ra, cũng theo ông Hà chia sẻ: “Sở dĩ việc chính quyền nợ tiền doanh nghiệp đảm nhận xử lý rác thải là do một phần năm vừa qua, địa phương cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường Fosmosa nên nguồn thu trên địa bàn bị hụt, tiền thu thuế cũng bị nợ nên nguồn ngân sách chi cho việc xử lý rác thải cũng cần phải tính toán, cân đối phù hợp với tính hình chung”.

Được biết, hiện tại, thị xã đang nợ công ty Phú Hà tới 5 tỷ đồng tiền xử lý rác từ cuối năm 2016 đến nay và mới chi trả được 1 tỷ đồng. Do đó thời gian qua đã có 2 lần và gần đây nhất là đầu tháng 9/2017, công ty Phú Hà ra công văn ngừng tiếp nhận rác, đề nghị chính quyền trả tiền cho doanh nghiệp.

Trước đó, như PNVN đã phản ánh, trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, đi đến đâu cũng toàn là rác, rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng chất thành đống khắp nơi: từ cổng chợ đến trường học và nhiều công trình công cộng trên địa bàn... đều bị rác bủa vây.

Đặc biệt, ngay sau cơn bão số 10 vừa qua, tình trạng rác thải càng thêm quá tải, những ngày này kèm theo nắng nóng trên 38 độ, rác thải càng nhanh chóng bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng càng có dịp sinh sôi.

Những khu vực xuất hiện nhiều bãi rác thải tự phát lớn như: Chợ Kỳ Anh (cũ) rác chất thành núi, hay ngay chính trên đường quốc lộ 1A. Không những vậy, tại trước cổng vào trụ sở thị xã Kỳ Anh rác cũng tràn hẳn ra đường khiến nhiều người lo lắng vì làm mất an toàn giao thông

Người dân tại đây cho biết, tình trạng rác thải ùn ứ từ trước ngày 15/9 (ngày cơn bão số 10 đổ bộ) chứ không phải sau bão mới xuất hiện. Là vùng tâm bão, những ngày này, nhiều gia đình chưa hết xót xa khi vừa hứng chịu thiệt hại nặng nề do bão thì giờ lại phải gánh chịu mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ những bác rác tự phát do không được thu gom, xử lý.

Tình trạng ruồi muỗi hoành hành quanh những núi rác khiến người dân khốn đốn.

Đến bữa cơm cũng không dám ăn vì tình trạng ruồi xuất hiện quá nhiều. Bức xúc trước tình trạng nhiều bãi rác thải tự phát, kèm theo nắng nóng đang bốc mùi, bà Nguyễn Thị Nguyệt (60 tuổi), chủ quán phở N.Đ ở Phường thị trấn Kỳ Anh (thị xã Kỳ Anh), nói: “Cũng không biết lý do gì, mà từ trước khi bão vào khoảng gần 1 tuần, không có người của đơn vị thu gom rác thải đến thu gom nữa, đến giờ này, thì rác không những chất thành đống mà nó còn bốc mùi hôi lắm, ruồi bay đầy quán khiến gia đình phải đóng cửa chứ có ai dám vào ăn đâu mà buôn với bán”.

Cũng bức xúc về tình trạng rác thải ùn ứ, không có người thu gom, bà Trương Thị Lan (45 tuổi), ở phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh chia sẻ: “Mùi hôi thối thì không còn phải nói nữa, nhưng điều mà chúng tôi lo lắng nhất là dịch bệnh như tả, kiết lỵ có thể bùng phát sau bão thì quả là nguy hiểm, lo lắng nhất là các cháu nhỏ. Chúng tôi sau bão cũng đã khổ quá rồi, mong chính quyền địa phương, các ban ngành sớm vào cuộc giải quyết tình trạng này”.

Tác giả: Văn Lịnh

Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP