Kinh tế

Kỳ Anh hướng tới đô thị văn minh, hiện đại

Với mục tiêu xây dựng thị trấn Kỳ Anh trở thành đô thị văn minh, hiện đại và có môi trường sống tốt, huyện Kỳ Anh đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, xử lý môi trường địa bàn.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng (ngày 3/4/2006), Kỳ Anh đứng trước thời cơ và vận hội mới, trở thành vùng đất sôi động, thu hút các dự án đầu tư tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Sự phát triển của KKT Vũng Áng đã trở thành động lực lan tỏa kéo theo sự phát triển KT-XH của huyện Kỳ Anh, làm tăng nhanh dân số cơ học. Theo thống kê, đến nay, dân số thị trấn Kỳ Anh và 9 xã trong KKT lên đến trên 80.000 người.

Kỳ Anh hướng tới đô thị văn minh, hiện đại

Một góc thị trấn Kỳ Anh. Ảnh: Sỹ Ngọ

Bí thư huyện ủy Kỳ Anh – Lê Trọng Bính cho biết: Những năm qua, bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương và xã hội hóa, Kỳ Anh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng nhiều công trình hạ tầng công cộng như: trường học, bệnh viện, công trình DV-TM, hệ thống chiếu sáng đô thị… đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Đặc biệt, các khu tái định cư trong KKT Vũng Áng đều được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang theo hướng hình thành các khu đô thị mới. Tại thị trấn Kỳ Anh, các công trình hạ tầng cũng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ với tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt trên 90%, mật độ đường giao thông nội thị đạt 8,5 km/km2, tỷ lệ dân số được cấp nước sạch 67%…

Trước sự phát triển nhanh, mạnh về kinh tế cũng như dân số, bài toán đặt ra cho công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị của Kỳ Anh là phải xứng tầm, đáp ứng được sự phát triển. Để giải bài toán này, bằng nguồn vốn ngân sách và đóng góp của doanh nghiệp, vừa qua, huyện Kỳ Anh đã đầu tư xây dựng dây chuyền xử lý rác thải bằng lò đốt với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Sau 4 tháng đi vào hoạt động, dây chuyền xử lý rác thải bằng lò đốt đã phát huy hiệu quả, giải quyết một phần chất thải rắn trên địa bàn.

Ông Lê Văn Thành – Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Kỳ Anh cho biết: Rác thải đô thị từ các khu dân cư hoạt động dịch vụ, xây dựng đô thị trên địa bàn ngày càng tăng. Rác thải tại khu vực thị trấn và KKT được thu gom, vận chuyển về bãi tập kết khoảng 50 tấn/ngày. Với lượng rác thải nhiều như vậy, nếu vẫn xử lý bằng phương pháp chôn lấp thủ công thì chỉ một thời gian rất ngắn sẽ quá tải và đặc biệt là không đảm bảo vệ sinh môi trường. Trước thực trạng đó, đơn vị đã chủ động lập dự án đầu tư xây dựng 1 dây chuyền xử lý rác thải bằng lò đốt, sau 4 tháng đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, giải quyết được một phần chất thải rắn trên địa bàn.

Kỳ Anh hướng tới đô thị văn minh, hiện đại

Đô thị Kỳ Anh ngày càng hiện đại

“Hiện nay, dây chuyền xử lý qua lò đốt mới đạt 10 tấn/ngày, số còn lại vẫn đang xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục đầu tư lắp đặt thêm 1 dây chuyền để tăng công suất cũng như hạn chế lượng rác thải đang hàng ngày phải xử lý bằng chôn lấp” – ông Thành cho biết thêm.

Bên cạnh công tác thu gom, xử lý rác thải, huyện Kỳ Anh cũng đang tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương chỉnh trang đô thị, phát triển các tuyến phố văn minh; tiếp tục triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông, trong đó, chú trọng thêm chiều rộng hè đường và cây xanh, tạo sự khang trang cho đô thị.

Bí thư huyện ủy Kỳ Anh – Lê Trọng Bính cho biết: Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, Kỳ Anh đang tập trung kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng những công trình hạ tầng như: xử lý rác thải, nước thải, trung tâm thương mại, các công trình văn hóa thể thao với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Đến nay, các công trình, dự án này đã có các nhà đầu tư đăng ký đầu tư và triển khai xây dựng.

Sự phát triển tất yếu cùng với nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Kỳ Anh, tin tưởng trong tương lai gần, thị trấn Kỳ Anh sẽ trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng là đô thị hạt nhân phía Nam của tỉnh, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của vùng.

Thanh Hoài

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP