Kỳ Anh

Kỳ Anh: Dân rơi nước mắt nhìn rừng phòng hộ bị chặt phá

Rừng phòng hộ ven biển thuộc khu tái định cư thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang bị chặt phá nghiêm trọng để phục vụ cho Dự án Nuôi tôm sạch, khiến cuộc sống yên bình của người dân nơi đây bị đảo lộn.

Tự ý phá rừng phòng hộ

Cũng như bao vùng ven biển trên đất nước Việt Nam, xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bao đời nay luôn chịu ảnh hưởng của gió bão, lụt lội. Nhưng, với những hộ dân nghèo thôn Ba Đồng, những cơn thịnh nộ của thời tiết không còn là nỗi ám ảnh, vì luôn có cánh rừng phòng hộ ven biển ôm ấp và che chở.

Tuy nhiên, tấm khiên vững chãi cùng người dân trải bao mưa nắng bão bùng đã bị đốn hạ hoàn toàn, lấy mặt bằng phục vụ cho Dự án Nuôi tôm sạch trên cát theo công nghệ sạch do Công ty TNHH Grobest Việt Nam làm chủ đầu tư.

Giữa bãi tập kết, những cây phi lao chưa kịp vận chuyển nằm ngổn ngang. Nhiều gốc to một người ôm không xuể. Một cánh rừng phi lao xanh tốt, rậm rạp nay chỉ còn trong ký ức của những người dân nghèo quanh năm bám biển.

Dân rơi nước mắt nhìn rừng phòng hộ bị chặt phá - Ảnh 1

Gốc cây phi lao đại thụ sót lại.

Dù dự án ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân nơi thôn tái định cư, nhưng người dân nơi đây hoàn toàn không biết đến thông tin. Chỉ khi bên phía nhà đầu tư tiến hành chặt, đốn cây lấy mặt bằng, người dân nơi đây mới tá hỏa.

‘Ngày đơn vị thi công mang máy móc vào đây chặt cây, tôi cùng bà con trong thôn đổ xô ra ngăn cản, không cho phá rừng. Khi mấy người mang cưa máy định cưa gốc cây, tôi chạy lại ôm ngang thân cây và nói với họ đây là rừng chống bão của dân, chưa có ý kiến của người dân, chưa được chặt phá’, bà Hoàng Thị Quèn (77 tuổi), thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương vẫn chưa nguôi ấm ức.

Dân rơi nước mắt nhìn rừng phòng hộ bị chặt phá - Ảnh 2

Cả cánh rừng phòng hộ mênh mông giờ chỉ còn vài cây

‘Họ vào phá rừng phòng hộ của người dân mà không có thông báo. Người dân chúng tôi ra phản ứng còn bị lực lượng công an, biên phòng ngăn cản. Sau đó, chúng tôi làm căng, cán bộ xã mới xuống thông báo cho chúng tôi’, chị Lê Thị Tình (42 tuổi) thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương cho hay.

Theo ông Lê Mạnh Hà, Trưởng thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương, tối trước ngày đơn vị thi công vào chặt cây, chính quyền xã đã gửi đến một bộ giấy tờ liên quan đến Dự án Nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, ngay sáng hôm sau, máy móc đã được đưa vào đốn hạ cây mà chưa thông báo cho người dân.

Rừng phòng hộ 70 năm tuổi trơ gốc

Ông Nguyễn Văn Điểm (94 tuổi), thôn Thắng Lợi, xã Kỳ Phương từng hơn 20 năm làm bảo vệ rừng bùi ngùi kể lại: ‘Trước đây, vùng ven biển xã Kỳ Phương là một mảnh đất trơ trọi, quanh năm hứng chịu bão lũ, bom đạn của kẻ thù. Phải mất biết bao công sức, mồ hôi xương máu của cha ông, mới gây dựng lên cánh rừng phi lao đó. Tính đến nay đã hơn 70 năm, bao nhiêu bom đạn kẻ thù bắn phá, bao nhiêu cơn bão quét qua nhưng rừng phi lao vẫn đứng vững để bảo vệ cuộc sống cho bà con ven biển’.

Dân rơi nước mắt nhìn rừng phòng hộ bị chặt phá - Ảnh 3

Hàng trăm cây phi lao tại điểm tập kết chờ vận chuyển

Nhìn rừng phi lao ngút ngàn nay chỉ còn trơ gốc, nhiều chỗ bị chủ đầu tư dự án cho máy móc vào san phẳng, người dân địa phương không khỏi xót xa và lo lắng.

Anh Trần Đình Hùng (45 tuổi), thôn Ba Đồng, xã Kỳ Phương cho biết: ‘Rừng phi lao là tấm chắn cho bà con trong mùa bão lũ. Bây giờ, cả cánh rừng còn lác đác vài cây. Chưa nói đến mùa mưa bão mà chỉ cần gió mạng là thổi cát bay khắp nơi, khiến người dân ngột ngạt rồi’.

Nhiều hộ dân cho biết, thôn Ba Đồng vốn là khu tái định cư cho những hộ thuộc diện giải tỏa phục vụ cho Dự án Formosa. Các hộ đến ở đây cũng vì có rừng phòng hộ chắn gió chắn bão. Trước thực trạng đang diễn ra, người dân đã dần mất lòng tin ở chính quyền, khi quyền lợi chính đáng của họ không được quan tâm.

‘Nếu biết trước rừng phòng hộ bị chặt phá như thế này, chúng tôi đã không xuống đây sinh sống’, một hộ dân chia sẻ.

Hữu Thung – Đình Chuân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP