Nạn khai thác cát ở Sông Nổ, Huyện Hương Khê
“Vòi rồng” bức tử sông Nổ
Từ cầu Phúc Đồng, xã Phúc Đồng, H.Hương Khê (Hà Tĩnh) ngược theo dòng sông Nổ chưa đầy 1km (thuộc thôn 10 xã Phúc Đồng và thôn 8 xã Hòa Hải) có khoảng 20 hộ dân sống ở ven sông Nổ mà có tới 11 “vòi rồng” thi nhau hút cát. Bà Nguyễn Thị Xuân, trú xóm 10, xã Phúc Đồng lo lắng: “Khi mùa mưa bão đến, nước từ thượng nguồn đổ về cuốn trôi ruộng vườn, hoa màu, thậm chí làm nhà nghiêng …. Sông đã ăn sâu vào gần nhà tôi rồi. Nếu cứ đà này thì sớm muộn gì nhà cũng không còn để mà ở. Giờ còn được lũy tre bảo vệ, nhưng rồi nay mai nó cũng sẽ bị sông Nổ “gặm” dần cho bật gốc thôi”. Nhiều người nơm nớp lo sợ, phải bán nhà, bỏ đất đi nơi khác làm ăn sinh sống, số còn lại vẫn từng ngày “giành giật” với sông Nổ từng tấc đất để ở, để canh tác. Bởi, với họ, rời bỏ mảnh đất này họ chỉ có hai bàn tay trắng.
Cạnh đó, ngôi nhà của chị Trần Thị Hải cũng nằm trong diện bị “hà bá” đe dọa nuốt chửng. Chỉ tay về phía khu nhà bếp, công trình phụ được kè đá vững chắc tựa lưng vào dòng sông, chị Hải cho biết: “Nhà nớ chị mới làm lại đó. Cách đây 3 năm nước sông đã đánh sập bờ, sập nhà và trôi đi mọi thứ bên trong. Tất cả là do nạn hút cát trên sông mà ra. Gia đình chúng tôi sống ở đây mấy chục năm trời rồi, có bị chi mô. Nhưng từ khi xuất hiện vấn nạn hút cát trên sông thì cũng từ đó xuất hiện tình trạng sạt lở nghiêm trọng”.
“Sa tặc” náo động sông La
Lên thuyền từ chân cầu Linh Cảm 2 (xã Tùng Ảnh, H.Đức Thọ) xuôi dòng khoảng chừng 10km, chúng tôi phát hiện từ xa 2 “khối sắt” đen sì, đang nổ bình bịch giữa sông. Tiến sát vào một chiếc xà lan đã hút cát gần đầy, thấy chúng tôi xuất hiện nhưng hai người đàn ông đang đứng trên đó không hề tỏ ra cảnh giác hay lo sợ gì. Bắt chuyện, một người cho biết, họ chỉ là những người làm thuê. Mỗi đêm, họ có nhiệm vụ điều khiển xà lan ra giữa dòng, thọc “vòi rồng” hút cát vào đầy khoang rồi chở về giao cho chủ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, điểm “nóng” nhất, nơi có hàng chục xà lan tập trung về khai thác cát trái phép có lẽ vẫn là khu vực sông La nằm giữa các xã Hưng Lợi (H.Hưng Nguyên, Nghệ An) và xã Đức Vịnh, xã Đức Quang (H.Đức Thọ, Hà Tĩnh). Bởi, nơi đây là khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh, nên khi lực lượng chức năng của tỉnh nào xuất hiện thì những xà lan này dạt sang tỉnh khác. Chính vì thế nên cứ đêm xuống “sa tặc” biến khúc sông này thành một “mỏ cát khổng lồ”.
Càng xuôi dòng, chúng tôi càng thấy xuất hiện nhiều “cỗ máy hút cát” hoạt động công khai hơn. Điển hình như đoạn sông chảy ven QL1A (đoạn qua xã Xuân Lam và xã Xuân Hồng, H.Nghi Xuân) vẫn bị “sa tặc” cho phương tiện đến khai thác công khai, máy nổ bì bạch ầm ĩ đứng trên đường vẫn nghe thấy.
“Vòi rồng” vươn ra biển
Tại vùng biển Kỳ Xuân chúng tôi chứng kiến cảnh một chiếc thuyền có công suất khá lớn đang ngang nhiên hút cát ven bờ biển và gần các ghềnh đá. Thấy có người chụp hình, chiếc thuyền đã nổ máy rời đi.
Có mặt tại bãi Cù Kỳ xã Kỳ Xuân chúng tôi chứng kiến bãi biển nham nhở những vệt lằn của bánh xe, của những hố lõm sâu hoắm. Rải rác bên đường quốc phòng ven biển là những đống cát được cập kết thành hàng dài chờ được bốc đi.
Theo lời người dẫn đường thì “phải chờ đến khoảng 18 giờ chiều mới có xe, máy múc cát đi”. Quả đúng như lời anh bạn nói, tiến hành mật phục từ sáng sớm đến chiều tối giữa tiết trời nắng nóng, oi bức, cuối cùng chúng tôi cũng ghi lại được hình ảnh một chiếc máy múc được chở tới để múc cát ngay tại bờ biển Cù Kỳ. Tuy nhiên, khi phát hiện người lạ có mặt, đưa điện thoại chụp ảnh và quy phim, người lái máy múc dừng lại và móc điện thoại ra nói chuyện. Ngay sau đó thì công việc múc cát được ngừng lại, phương tiện được rút khỏi bờ biển. Hiện trường còn lại là dấu vết đào bới của máy móc và vệt hằn do bánh xe để lại.
Được biết, phương tiện này là của một người đàn ông tên Tư (tên thường gọi là Tư “An”) sống trong vùng này. Cứ mỗi buổi chiều hàng ngày, chiếc máy múc này được chở đến, tiến hành múc cát ngay bờ biển lên xe tải để chở đi tiêu thụ. Tình trạng này hầu như ngày nào cũng diễn ra, mỗi xe cát khoảng 9m3 được bán với giá 1 triệu đồng.
Đơn của người dân gửi các cơ quan chức năng
Chính quyền bất lực hay tiếp tay cho sai phạm.
Ông Nguyễn Thành Chung – Trưởng Công an xã Kỳ Xuân cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép tại vùng biển thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân diễn ra từ vài ba năm trở lại đây. Gần đây, mỗi ngày có khoảng 25 đến 35 lượt xà lan có khối lượng khoảng 35m3 đến 40m3 chạy từ huyện Cẩm Xuyên sang đây hút trộm cát. “Chúng tôi đã triển khai lực lượng để ngăn chặn tình trạng này, nhưng do lực lượng mỏng và thường phải “đơn thương độc mã” nên công tác đấu tranh không mấy hiệu quả”.
Trao đổi với PV Báo xây dựng ông Nguyễn Xuân Lĩnh – Chủ tịch xã Kỳ Xuân cho biết thêm, các thuyền hút trộm cát tại vùng biển Kỳ Xuân chủ yếu hoạt động vào buổi chiều và rạng sáng, nếu biển lặng thì hút cả ngày. Càng ngày chúng vào khai thác với quy mô lớn hơn và manh động hơn. Để ngăn chặn tình trạng này, Ban Công an xã đã tham mưu cho UBND xã gửi công văn tới UBND huyện Cẩm Xuyên, Trạm kiểm soát Cửa Nhượng, Đồn Biên phòng Thiêm Cầm và UBND các xã như: Cẩm Lĩnh, Cẩm Hà, Cẩm Phúc, Cẩm Trung… có công dân thường xuyên vi phạm để phối hợp tuyên truyền cho nhân dân không khai thác cát trái phép.
Theo báo cáo tại UBND xã Kỳ Xuân thì, từ đầu năm tới nay, lực lượng công an xã Kỳ Xuân đã bắt và xử phạt hành chính 03 trường hợp hút cát trái phép. Cùng đó, lực lượng BĐBP thuộc Đồn BP Kỳ Khang cũng đã bắt và xử lý 4 trường hợp dùng xà lan khai thác cát của các đối tượng: Kiều Văn Hùng, Thái Văn Hùng, Hà Thị Hợi, Trần Đình Thành đều trú tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên. Tuy nhiên, hiện nay lượng thuyền ra vào hút trộm cát ở đây vẫn ngày càng tăng, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.
Trao đổi với lãnh đạo xã Kỳ Xuân về tình trạng khai thác cát ngay tại bãi biển thì Chủ tịch Lĩnh cũng như trưởng Công an xã Chung đều lắc đầu nguầy nguậy: “làm gì có chuyện đó”. Sau khi được chúng tôi cho xem hình ảnh việc đưa máy múc ra múc cát tại bãi biển thì 2 vị lãnh đạo này thừa nhận có chuyện anh Tư “An” khai thác cát tại bãi Cù Kỳ đã hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, khai thác rất ít, thỉnh thoảng chỉ lấy một vài xe chủ yếu là để phục vụ xây dựng công trình nông thôn mới mà thôi. “Chúng tôi quản lý rất chặt chẽ, lấy xe cát nào từ bờ biển đều phải thông qua lực lượng Công an xã cấp giấy. Toàn bộ số cát được lấy đều sử dụng trong địa bàn xã chứ không hề đưa ra ngoài” ông Lĩnh khẳng định chắc nịch.
Trước sự việc khai thác cát trái phép ồ ạt trên địa bàn mà chúng tôi đề cập tới, ông Phạm Hữu Nhân – Chủ tịch xã Hòa Hải lấp liếm: “xã đã nhiều lần xử lý rồi”. Khi được hỏi “Đành rằng có xử lý, nhưng sau mỗi lần xử lý các đối tượng lại tiếp tục hoạt động với cường độ mạnh hơn?, vị Chủ tịch Nhân lại trả lời theo kiểu đùn đẩy trách nhiệm: “Đã giao cho lực lượng Công an xã ngày đêm tuần tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm”.
Trên dòng sông Nổ, đoạn qua địa phận thôn 10 xã Phúc Đồng và thôn 8 xã Hòa Hải chưa đầy 1 km mà chúng tôi đếm được 11 máy hút cát dọc bờ sông thì ông Trần Quốc Việt – Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hương Khê lại cho rằng: chỉ có 7 máy thôi. Nói như vậy, có nghĩa là ít nhiều gì cơ quan chức năng cũng nắm được diễn biến và tình trạng hút cát trái phép trên 2 xã này. Cũng theo ông Việt “phản ánh của người dân về tình trạng sạt lở đất ven sông Nổ là đúng sự thật. Còn nguyên nhân dẫn tới sự việc trên có khả năng do mấy năm gần đây làm đập thủy điện nên làm sai lệch dòng chảy, còn chuyện hút cát thì ít có khả năng hơn bởi: “chỉ hút đôi xe để xây dựng nông thôn mới”!.
Ông Việt cung cấp thêm “trên địa bàn huyện Hương Khê hiện nay có hàng chục điểm khai thác cát lậu trái phép, đơn cử như: xã Hòa Hải có 4 điểm, xã Phúc Đồng có 3 điểm, xã Hương Thủy có 3 điểm, xã Hà Linh có 4 điểm, xã Phúc Trạch, Phương Mỹ cũngng có 1 điểm… trong khi đó UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa cấp phép cho một tổ chức, cá nhân nào tại huyện Hương Khê để khai thác cả. Để thực hiện hành vi khai thác cát trái phép, các đối tượng thực hiện rất nhiều thương thức, thủ đoạn khác nhau để đối phó với các cơ quan chức năng như: liên tục di chuyển địa điểm, hoạt động vào những thời điểm buổi trưa và buổi tối nên gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác tuần tra, đẩy đuổi và xử lý. “Chúng tôi đã thành lập Đội liên ngành thường xuyên kiểm tra, đẩy đuổi và xử lý các chủ mỏ cũng như phương tiện tham gia vận chuyển. Chỉ tính riêng tháng 4 và tháng 5/2015, đoàn đã tiến hành lập 7 biên bản xử phạt hành chính về các hành vi liên quan”
Cũng theo ông Việt thì, Hương Khê là huyện 30A nên nhu cầu xây dựng là rất lớn. Do không có mỏ nên huyện đã chỉ đạo miệng cho phép tận thu 2 điểm bãi bồi ven sông ở xã Lộc Yên và xã Phú Gia để lấy cát, sỏi xây dựng.
Được biết, việc cơ quan chức năng xử lý vấn nạn “sa tặc” trên sông cũng gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Khó khăn bởi, các đối tượng “sa tặc” cài cắm người khắp mọi nơi để theo dõi, nắm tình hình, hễ thấy động tĩnh gì là thông báo để các xà lan rút “vòi rồng”, tìm nơi trú tránh. Thách thức là do lực lượng đấu tranh trấn áp mỏng, khi bắt giữ được hành vi quả tang, các đối tượng thường mua chuộc bằng cách đút lót để xin qua. Bị từ chối, nhắc nhở thì chúng gọi giang hồ đến dọa dẫm, gây áp lực, rồi tìm cách tháo đáy cho cát chảy xuống sông để phi tang.
Thiết nghĩ, việc quy hoạch và quản lý các mỏ khai thác cát trên địa bàn Hà Tĩnh còn nhiều bất cập, các hình thức xử phạt chưa đủ tính răn đe. Cơ quan chức năng Hà Tĩnh dường như đang “bất lực” trước các mánh khóe và sự liều lĩnh của các đối tượng tham gia khai thác cát trái phép trên địa bàn mình phụ trách, quản lý.