Thời hoàng kim KKT được đánh dấu vào năm 1998 khi Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm một số chính sách tại khu vực cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. “Những chính sách ưu đài của Chính phủ khiến nguồn thu ngân sách của KKT đạt ngưỡng ở mức 500 tỷ đồng. 50% trong số đó được phép giữ lại tái đầu tư hạ tầng cơ sở khiến nhiều người cảm thấy tự tin và lạc quan hơn” – Phó Ban Quản lý KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Hoàng Thanh Tùng tiếc nuối.
Bước “chuyển mình” mới thực sự rõ nét khi Quyết định 162/2007/QĐ-TTg ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hoạt động của KKT với nhiều chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính QĐ 162 đã tạo một “cú hích” lớn, một bước ngoặt quan trọng làm thay đổi diện mạo thị trấn vốn chỉ vài dãy nhà cấp 4 lèo tèo của CBCNV Lâm trường Hương Sơn thành một đô thị sầm uất.
Sau hơn 4 năm thực hiện, các hoạt động sản xuất thương mại tại đây diễn ra khá sôi động. Từ đà thuận lợi, mọi hoạt động của KKT tăng tốc. Thu hút đầu tư tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 1999-2007. Ở thời điểm hiện tại đã có 158 DN được cấp đăng ký kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn KKT, tăng 32 DN so với năm 2011, vượt chỉ tiêu 22 DN theo kế hoạch đề ra. Tổng số hộ kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn là 1.200 hộ. Năm 2012, BQL KKT đã cấp giấy chứng nhận cho 7 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 183,35 tỷ đồng, nâng tổng dự án được cấp giấy chúng nhận đầu tư là 19 dự án với vốn đầu tư trên 3.061 tỷ đồng.
Hoạt động XNC, kim ngạch XNK và thu ngân sách năm 2012 tăng mạnh so với năm 2011. Trong đó xuất cảnh là 253.068 người; nhập cảnh là 263.382 người (tăng 27% so với năm 2011). Tổng kim ngạch xuất khẩu: 183,1 triệu USD, tăng 58% so với 116,6 triệu USD năm 2011; thu nộp ngân sách gần 95 tỷ đồng tăng 63,3% so với 57,8 triệu USD năm 2011. Trong bối cảnh kinh tế nước nhà nói chung và Hà Tĩnh nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn thì các chỉ tiêu đạt được đã đánh giá những nỗ lực của BQL trong công tác điều hành và tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên bên cạnh những thành công đó vẫn còn khá nhiều khó khăn vướng mắc khiến thu hút đầu tư bị chững lại. KKT Cầu Treo nằm trên QL 8A qua biên giới Việt- Lào, một vị trí chiến lược đặc biệt khá quan trọng trong phát triển KT-XH, QP-AN của tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh Bắc Trung bộ. Đây là vùng kinh tế quá cảnh cho 8 tỉnh (3 nước) sử dụng QL8A được đánh giá là tuyến đường ngắn nhất để nước bạn Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan và Myanma tiếp cận với Biển Đông và Thái Bình Dương phát triển quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới qua cụm cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương trong KKT Vũng Áng.
KKT còn kết nối với đường Hồ Chí Minh, đường sắt BẮc – Nam rất thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa đi muôn nơi.
KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là một trong 8 KKT trọng điểm của cả nước
Mặc dù lợi thế và tiềm năng của KKT đã nhìn thấy rõ nhưng hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp, thương mại chưa xây dựng xong nên thiếu mặt bằng và các điều kiện khác để thu hút đầu tư vào KKT. Chỉ tính với số công trình đã khởi công đến năm 2010 thì số vốn còn thiếu là trên 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, để xây dựng thêm một số công trình hạ tầng thiết yếu theo danh mục được ưu tiên theo Quyết định số 961/QQD-TTg ngày 25/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT thì còn cần trên 500 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ có mục tiêu.
Bên cạnh đó việc thực hiện các cơ chế chính sách của KKT cũng gặp rất nhiều khó khăn. Xét một cách toàn diện thì các chính sách ưu đãi bước đầu đã tạo được động lực trong thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển các hoạt động SXKD trên địa bàn, góp phần thúc đẩy KT-XH KKT nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các văn bản về cở chế chính sách của Nhà nước áp dụng cho các KKT được ban hành quá nhanh nhưng thiếu tính đồng bộ, chồng chéo nên khó thực thi có hiệu quả, gây tâm lý không ổn định, thiếu tin tưởng cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào KKT. Bên cạnh đó, KKT Cầu Treo cửa khẩu tiếp giáp với Lào không có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các KKT ven biển do đặc điểm về địa hình, mặt bằng đất đai chủ yếu là đồi núi. Cùng với đó là tổng số vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiếu hụt nghiêm trọng nên rất khó thu hút đầu tư.
Để KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, các chính sách về tài chính áp dụng cho các KKT cửa khẩu cần phải uu tiên cao hơn so với các KKT đồng bằng, ven biển. Thêm nữa, thời gian tới, Nhà nước cần có sự tổng kết, nghiên cứu một cách toàn diện để ban hành các nhóm chính sách đồng bộ cho các KKT của khẩu phù hợp với QĐ 162. Đồng thời tăng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư để xây dựng hạ tầng cơ sở, lồng ghép các chương trình dự án để hỗ trợ cho các xã vùng biên trong đó có 4 xã trong KKT. Bộ Giao thông & Vận tải chỉ đạo sớm triển khai xây dựng nâng cấp tuyến QL8A giai đoạn 2, trong đó đoạn đi qua KKT triển khai xây dựng đúng quy hoạch xây dựng KKT đã được Chính phủ phê duyệt theo quy hoạch.
Đầu tư và mở rộng KKT trong giai đoạn hiện nay là rất khó. Nhưng không vì thế mà những tiềm năng và lợi thế của vùng đất từng được đánh thức rồi bổng dưng bị chững lại mà vấn đề là cần hơn nữa sự quan tâm của các cấp, Bộ, nghành. Tin vui đến với KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo trong những ngày cuối năm cũ khiến nhiều người trong cuộc cảm thấy lạc quan và tự tin bước vào năm mới Quý Tỵ là ngày 7/12 Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Đề án rà soát xây dựng tiêu chí lựa chọn một số KKT của khẩu để tập trung đầu tư giai đoạn 2013-2015″. KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là một trong 8 KKT trọng điểm. Ở thời điểm hiện tại mọi việc bắt đầu và theo ông Tùng thì “vẫn chưa thấy một động thái nào về việc triển khai, kể cả phân bổ ngân sách. Nhưng chắc chắn trong năm nay mọi việc rồi cũng ổn”.
Chúng tôi cũng tin như vậy!
Hoài Nam – Tiến Dũng
Báo Hà Tĩnh