Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải cho biết, tại cuộc họp hai bên đã rà soát tình hình hợp tác về giao thông vận tải trong thời gian qua và thống nhất kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.
Theo đó, năm 2017, Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Công chính và vận tải Lào sẽ phối hợp chặt chẽ để sớm hiện thực hóa dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc nối thủ đô Hà Nội với thủ đô Viêng Chăn. Cụ thể, hai bên sẽ cùng làm việc với các nhà tài trợ để kêu gọi hỗ trợ, đầu tư, mà trước mắt là hỗ trợ lập nghiên cứu khả thi.
Về dự án tuyến đường sắt nối thủ đô Viêng Chăn – cảng Vũng Áng, hai bên cũng sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hoàn thành nghiên cứu khả thi trong năm 2017 làm cơ sở báo cáo Chính phủ hai nước xem xét, quyết định.
Đối với việc tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh của Lào sử dụng cảng Vũng Áng, sẽ thành lập tổ công tác cùng với tỉnh Hà Tĩnh và Công ty cổ phần cảng Vũng Áng Việt – Lào đưa ra phương án đề xuất cụ thể để phía Lào tăng sự chủ động trong điều hành khai thác, quản lý một số cầu bến tại cảng Vũng Áng.
Ngoài ra, mô hình một cửa một lần dừng, tại cửa khẩu Lao Bảo – Đen Sa Vẳn (đường 9) sẽ được tổng kết để áp dụng cho các cặp cửa khẩu Cha Lo – Na Phao (đường 12) và Cầu Treo – Namphao (đường 8) – cũng với mục đích để hàng hóa quá cảnh của Lào tới cảng Vũng Áng được thuận lợi.
Hai bên cũng sẽ lập Nhóm công tác chung để thúc đẩy việc nghiên cứu và kiến nghị nguồn vốn cho dự án đường nối tỉnh Luông – Pra – Băng với tỉnh Điện Biên (khoảng 115 km), nghiên cứu khả thi các dự án đường 18B tại tỉnh Attapư…
Kế hoạch hợp tác về giao thông vận tải giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Công chính và vận tải Lào vừa được thỏa thuận là nhằm triển khai nội dung Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về Chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn năm 2030 ký ngày 14-9-2015. Theo đó, Chính phủ hai nước đã xác định tuyến đường sắt Viêng Chăn – cảng Vũng Áng và đường cao tốc kết nối thủ đô Hà Nội – thủ đô Viêng Chăn là hai dự án kết nối chiến lược cần được đầu tư và xây dựng trong thời gian tới, nhằm giúp đáp ứng nhu cầu tăng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước và tạo tiền đề để Lào trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực. Đồng thời, việc mở ra tuyến cao tốc nối hai thủ đô và tuyến đường sắt nối thủ đô Viêng Chăn – cảng Vũng Áng của Việt Nam sẽ là sự kết hợp, tận dụng vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN và lợi thể biển của Việt Nam. |
Đá Bàn