Nắng nóng lên đến gần 60 độ C (ngoài trời) đã khiến các phụ huynh Hà Nội gần như phát điên vì rút - nộp hồ sơ cho con ngày 5-7. Dù chưa đến giờ làm việc nhưng tại các Trường THPT: Yên Hòa, Nhân Chính, Quang Trung - Đống Đa… rất đông phụ huynh đã đứng chờ sẵn ở cổng trường chờ rút và nộp hồ sơ.
Thót tim với rút - nộp hồ sơ
Có mặt tại Trường THPT Quang Trung - Đống Đa từ 7 giờ sáng, anh Phạm Thanh Hùng cho biết cả đêm qua, cả nhà anh không ngủ được vì sốt ruột, chỉ mong trời nhanh sáng đến trường rút hồ sơ để nộp vào Trường THPT Yên Hòa.
Các phụ huynh rút - nộp hồ sơ vào lớp 10 trong cái nóng đỉnh điểm của Hà Nội |
Theo phụ huynh này, con gái anh thi được 49 điểm, nếu theo điểm chuẩn cũ thì trượt nguyện vọng (NV)1 vào Trường THPT Yên Hòa, chỉ đỗ vào Trường THPT Quang Trung - Đống Đa theo NV2. Ngay khi nghe tin Trường THPT Yên Hòa (trường tốp đầu của Hà Nội) hạ điểm chuẩn, gia đình anh lập tức lên kế hoạch rút hồ sơ cho con. "Vợ tôi đến Trường THPT Quang Trung - Đống Đa từ sáng sớm để rút hồ sơ bên ấy, tôi ở bên này xếp hàng, bên kia rút xong là lập tức mang sang đây nộp ngay" - anh Hùng nói.
Sau hai tuần trải qua quá nhiều tâm trạng, cảm xúc, từ buồn, khóc, thất vọng, đôn đáo chạy tìm trường khắp nơi rồi lại lóe lên hy vọng mong manh khi nghe tin có khả năng trường NV1 hạ điểm chuẩn, trưa 5-7, chị Lê Thu Hồng đã thở phào nhẹ nhõm vì đã nộp được hồ sơ cho con vào Trường THPT Nhân Chính. Chị Hồng cho hay đọc tin Trường THPT Nhân Chính hạ 0,5 điểm chuẩn mà con gái chị khóc òa vì sung sướng, cả nhà cũng mừng rơi nước mắt. "Con đạt 49,5 điểm trong khi trước đó trường này lấy 50 điểm. Cả tối qua, gia đình thấp thỏm không biết rút hồ sơ có thuận lợi không vì mấy ngày nay thấy tình trạng rút - nộp hồ sơ các trường quá phức tạp, khó khăn" - chị Hồng tâm sự.
Tra tấn tinh thần!
Không phải gia đình nào cũng nhận được sự may mắn muộn màng như các phụ huynh trên. Kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay thực sự là mùa tuyển sinh kinh hoàng với hàng chục ngàn gia đình. Rất nhiều gia đình trì hoãn các kế hoạch đi nghỉ, bỏ bê công việc để nháo nhào tìm một suất cho con khi vào lớp 10. Không ít gia đình bị tra tấn tinh thần đến cùng cực bởi các chiêu trò của trường ngoài công lập khi tuyển sinh khiến họ năm lần bảy lượt chạy từ trường này sang trường khác vẫn không nộp được hồ sơ.
Trước câu hỏi tại sao mùa tuyển sinh lớp 10 năm nay của Hà Nội lại trở nên khủng khiếp như vậy, một chuyên gia tuyển sinh thẳng thắn cho rằng vì cách làm chưa khoa học của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội. Theo chuyên gia này, mọi vấn đề đều được giải quyết nếu điểm chuẩn vào lớp 10 được sở GD-ĐT công bố sau khi có kết quả điểm thi. Rõ ràng, thời này, Sở GD-ĐT Hà Nội không nhất thiết phải cần đến 8 ngày mới có được điểm chuẩn.
Từ trước đến nay, Sở GD-ĐT Hà Nội chưa bao giờ công bố phổ điểm từng môn thi cho phụ huynh tham khảo. Do vậy, phụ huynh nghĩ điểm của con mình thấp, không đủ để xét NV1, NV2 vào công lập nên chạy khắp các trường ngoài công lập.
"Rồi trường ngoài công lập lại nhân cơ hội này "hành" phụ huynh để buộc họ phải nộp hồ sơ với những khoản tiền đầu năm không hề nhỏ" - vị chuyên gia này phân tích. Trên thực tế, có trường còn bắt phụ huynh cam kết không được rút hồ sơ trong 3 năm học khiến họ dở khóc dở cười khi các trường công lập công bố điểm chuẩn và hạ điểm chuẩn.
Cách làm của Sở GD-ĐT Hà Nội đã đẩy các phụ huynh và học sinh vào thế bị động, tìm trường mà hồi hộp hơn chơi chứng khoán vì nếu chờ điểm chuẩn thì có khi trường dân lập cũng không có mà học. Còn nếu chọn phương án an toàn là đăng ký trường dân lập trước thì phải chấp nhận mất tiền và vô vàn khó khăn trong rút hồ sơ nếu con đỗ trường công lập sau này. Nhiều phụ huynh băn khoăn liệu có phải sự trì hoãn công bố điểm chuẩn này là để tạo điều kiện cho các trường dân lập dễ dàng tuyển sinh và ép các phụ huynh, học sinh hay không?
Chưa hết, thời gian nộp hồ sơ của các trường thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng bị cho là rất vội vàng, mỗi đợt công bố điểm chuẩn phụ huynh chỉ được nộp hồ sơ trong thời gian 1 đến 2 ngày, gây vô vàn khó khăn cho phụ huynh.
Sẽ cải tiến tuyển sinh Trước những ý kiến về mùa tuyển sinh kinh hoàng tại Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc, người phát ngôn Sở GD-ĐT Hà Nội, cho thông tin cơ quan này tiếp thu các phản hồi và sẽ có biện pháp cải tiến trong các kỳ thi tuyển sinh tiếp theo như: tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, huy động thêm nhân lực phục vụ công tác tuyển sinh, nghiên cứu bố trí thời gian xử lý các quy trình hợp lý hơn... --- |
|
Căng thẳng và hồi hộp tột cùng! Sự chờ đợi điểm chuẩn của gần 90.000 thí sinh (TS) dự thi vào lớp 10 công lập tại TP HCM vừa qua thật sự căng thẳng và hồi hộp tột cùng, dù điểm chuẩn tăng không đáng kể so với năm 2017 khiến phụ huynh và học sinh thở phào. Câu hỏi đặt ra là do đâu một cuộc thi chuyển cấp lại khiến nhiều gia đình mất ăn mất ngủ đến vậy? Trong vòng 3 năm gần đây, số TS dự thi vào lớp 10 THPT công lập tại TP HCM liên tục tăng, trong khi chỉ tiêu tăng không đáng kể khiến cuộc đua vào lớp 10 hầu như năm nào cũng căng thẳng. Năm 2017, số TS dự thi là hơn 73.000, tăng hơn 3.000 so với năm 2016. Trong khi chỉ tiêu vào lớp 10 năm học này là 63.440. Như vậy, sẽ có gần 10.000 TS văng khỏi suất đua vào lớp 10 công lập. Đến năm 2018, có hơn 87.000 TS dự thi vào lớp 10, tăng hơn 13.000 so với năm 2017. Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập năm học này là 65.290 TS. Như vậy, đã có hơn 20.000 TS rớt khỏi lớp 10 công lập. Tại TP HCM, mỗi năm các trường THPT công lập đáp ứng khoảng 80% chỗ học. Tuy nhiên, theo chủ trương phân luồng học sinh sau THCS của TP lộ trình từ năm 2015 đến 2020, bắt đầu từ năm 2017, mỗi năm TP sẽ giảm 3% chỗ học công lập để phân luồng học sinh vào các hệ thống giáo dục khác. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, tốc độ tăng dân số hằng năm kéo theo tỉ lệ học sinh tăng là nguyên nhân trực tiếp khiến số TS dự thi mỗi năm ngày một phình to. Nhưng thật ra nguyên nhân chính là việc tâm lý phụ huynh, học sinh phải vào bằng được trường công khiến cuộc đua vào lớp 10 năm nào cũng mệt mỏi. Nhiều ý kiến cho rằng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm thực chất chỉ là một kỳ thi chuyển cấp nhưng lại tạo ra những căng thẳng, hồi hộp cho rất nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Vì vậy, việc duy trì kỳ thi này có thật sự cần thiết hay một đổi mới nào khác? Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, từ lớp 1 đến lớp 9, học sinh không phải trải qua kỳ thi nào để sắp xếp chỗ học. Vì THCS là bậc học cơ bản nên sau bậc học này, học sinh sẽ có sự lựa chọn tiếp theo tùy năng lực bản thân và khả năng của gia đình. Tại cuộc họp báo sau khi công bố điểm chuẩn vào lớp 10 ngày 4-7, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng chỉ 15, 16 điểm mà các em vẫn rớt thì học sinh nên nghĩ đến con đường học tập khác, nếu tiếp tục học THPT công lập sẽ rất mệt mỏi. Công lập, trường nghề, trung tâm GDTX lên đến 34.000 mỗi năm, dư sức đáp ứng chỗ học cho 22.000 TS rớt khỏi cuộc đua trường công. Thế nhưng, hiệu trưởng nhiều trường công thừa nhận rằng chỉ khi nào không thể vào được hệ công lập như điểm thi quá thấp thì học sinh mới nghĩ đến các hệ giáo dục khác. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi thống kê của nhiều trường tư thục cho thấy các trường chỉ tuyển sinh được sau khi có kết quả thi vào hệ công lập, rất hiếm trường hợp học sinh tốt nghiệp THCS mà nộp luôn hồ sơ vào trường tư. Đ. TRINH | |
Tác giả: YẾN ANH
Nguồn tin: Báo Người lao động