Tin trong nước

Kiều nữ giả danh công an lừa đảo siêu hạng

Tung tin mình là cán bộ công an TP Hải Phòng, có người thân làm ở Bộ Công an và với nét mặt nhẹ nhàng thanh thoát, ăn mặc giản dị, Phin mượn ngay khu vực trụ sở công an thành phố để diễn màn lừa đảo tổng số tiền khoảng 4 tỷ đồng.


Mấy năm gần đây, một số người dân ở xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, truyền tai nhau về chuyện Nguyễn Thị Phin, sinh 1982, người địa phương, tuổi trẻ nhưng có chí tiến thủ.

Mới ngày nào, Phin tốt nghiệp khoa Du lịch, trường đại học dân lập Hải Phòng, lận đận không tìm được việc làm, phải đi làm gia sư và bán thẻ điện thoại di động, thế mà nay đã là đại úy công an hẳn hoi và làm công tác tuyển sinh, tuyển dụng của Phòng tổ chức cán bộ – Công an thành phố. Nhiều người sống ở quê chồng cô (xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên) và nơi cô ở (5B/68 khu Kiều Sơn, phường Đằng Lâm, quận Hải An), biết tiếng Phin cũng phải nể phục.


Mỗi khi Phin đóng bộ trang phục công an về quê, nhiều người đã đến cậy nhờ. Phin luôn sẵn lòng giúp đỡ, từ chuyện đi học cho đến tuyển dụng vào công an nhân dân. Không ai bảo ai, mọi người đều tin tưởng, sẵn sàng trao cho Phin hàng trăm triệu đồng theo yêu cầu, để Phin “lo” giúp.


Chỉ đến ngày 27/5, nhiều người giật mình khi nhận được thông tin cơ quan Công an TP Hải Phòng đã khởi tố bị can và bắt khám xét đối với Nguyễn Thị Phin về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cán bộ đội 9 – Phòng PC45, Nguyễn Thị Phin là một người lừa đảo có hạng.


Làm ăn tự do vất vả nên năm 2010, Phin nảy ý đồ thực hiện hành vi lừa đảo. Phin tung tin trong gia đình và người quen rằng mình là đại úy, cán bộ công an TP Hải Phòng, lại có người thân làm ở Bộ Công an, có khả năng xin người vào ngành công an. Bởi vậy nhiều người nhẹ dạ cả tin đã gặp Phin để cậy nhờ.


Khi cá đã “cắn câu”, Phin đưa “giá” (từ 200 triệu đồng trở lên) cho mỗi trường hợp xin việc. Sau khi nhận tiền, Phin viết “giấy biên nhận” đàng hoàng, rồi đưa cho họ 1 quyển lý lịch tự khai theo mẫu hồ sơ tuyển dụng vào ngành công an. Phin hướng dẫn họ kê khai, sau đó mang đến chứng nhận tại nơi cư trú. Ngoài ra Phin còn yêu cầu người xin việc photo toàn bộ giấy tờ có liên quan như: bằng tốt nghiệp, học bạ, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, xin giấy chứng nhận được miễn đi nghĩa vụ quân sự tại địa phương.


Sau khi nhận lại hồ sơ, Phin tổ chức cho từng người đến thẳng bệnh viện công an TP Hải Phòng “khám sức khỏe” hẳn hoi, nhưng chỉ làm một món “xét nghiệm máu” (mà xét nghiệm máu thì ở bệnh viện nào cũng làm dịch vụ). Tuy nhiên, nữ quái này đã chọn bệnh viện công an thành phố cho “đúng tuyến” để lòe các bị hại.


Tinh quái hơn, theo đúng “quy trình”, Phin trực tiếp cùng người nhờ xin tuyển về quê quán họ để “xác minh lý lịch” nhưng không qua cơ quan công an, UBND xã mà làm việc với Bí thư Đảng ủy xã. Có một số trường hợp thì Phin “đi” từ Bí thư chi bộ thôn, xóm giới thiệu lên. Do vậy, việc Phin đi “xác minh lý lịch” chưa bao giờ bị bóc mẽ. Sau đó, Phin mang hồ sơ của những người đi xin việc về nhà cất đi, hoàn toàn không có bất cứ hoạt động gì để làm thủ tục xin cho các bị hại hoặc người thân của họ vào ngành công an như đã cam kết.


Một thời gian sau, bị hại sốt ruột thúc giục nhiều lần thì Phin tạo ra những “quyết định tuyển dụng” có chữ ký và dấu photo (bằng thủ đoạn cắt dán) đưa cho bị hại để tạo niềm tin. Một số trường hợp khác thì nữ quái này tiếp tục “câu” tiền của bị hại bằng cách tạo ra những lý do khác nhau để bị hại chi thêm tiền cho thị như: thanh tra bộ về kiểm tra hồ sơ, muốn về phòng nọ ban kia thì phải chi thêm tiền, do sức khỏe kém phải đưa thêm tiền…


Những bị hại cả tin…


Điển hình là trường hợp của bà Nguyễn Thị Kim Linh (sinh 1947, ở số 9a11 An Dương) nhờ Phin xin cho con gái là Đào Thị Thùy Liên, sinh 1983 vào ngành công an. Tháng 8/2011, bà Linh xuống trông cháu cho con trai ở đường An Đà thì Phin sang làm quen, giới thiệu đang công tác tại phòng tổ chức cán bộ CATP. Biết chị Liên chưa có việc làm nên Phin chủ động đặt vấn đề sẽ xin cho chị Liên vào ngành.


Sau khi bà Linh đưa hồ sơ, khoảng 10 ngày sau Phin yêu cầu bà Linh đưa trước 100 triệu đồng sẽ xin cho Liên vào làm việc ở công an phường. Khoảng nửa tháng sau, Phin gợi ý: “Trên công an quận còn 1 suất biên chế nữa” và đề nghị bà Linh chi thêm 130 triệu đồng. Nhưng đến 15 ngày sau, Phin lại gặp bà Linh và nói: “Ở phòng tổ chức cán bộ công an thành phố có 1 cán bộ sắp nghỉ hưu, bác đưa cho cháu thêm 120 triệu đồng nữa để lo cho Liên về làm cùng phòng, để cháu kèm em nó”. Bà Linh đã đưa cho Phin tổng cộng tới 350 triệu đồng. Nhiều lần khác, Phin còn yêu cầu đưa thêm tiền chi phí phụ nhưng bà Linh không đưa (đi khám sức khỏe, đi thẩm tra lý lịch…).


Hoặc như trường hợp của anh Trần Văn Đức, sinh 1985, ở xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên. Khi anh đưa người yêu là chị Bùi Thị Trang, sinh 1990, ở thị trấn Quảng Thanh, cùng huyện Thủy Nguyên, đến bệnh viện công an thành phố để khám sức khỏe tuyển dụng vào lực lượng công an nhân dân. Do chị Trang bị áp huyết cao, không đủ điều kiện tuyển dụng nên hai người tỏ ra hết sức lo lắng. Đúng lúc đó, Nguyễn Thị Phin xuất hiện như sự cứu cánh. Phin tự giới thiệu là “cán bộ đội tổng hợp, phòng tổ chức cán bộ công an thành phố” và nhiệt tình nhận giúp chị Trang một giấy khám sức khỏe của bệnh viện có đủ mọi tiêu chuẩn với khoản chi phí 5 triệu đồng.


Ngay sau đó, Phin còn ngon ngọt rằng mình có người nhà ở Bộ Công an, sẽ giúp anh Đức vào công an thành phố làm lái xe cho “sếp” khiến anh Đức cấp tốc đi học và lấy được bằng lái xe hạng B2, đồng thời “tạm ứng” cho Nguyễn Thị Phin 120 triệu đồng. Mấy tháng sau, Phin lại vẽ ra viễn cảnh đậm đà hơn là sẽ đưa anh Đức vào thẳng phòng CSGT và thu tiếp của anh 200 triệu đồng nữa. Đến nay, cả anh Đức và người yêu là chị Trang xót xa bởi số tiền bố mẹ gom góp nhiều năm đã đổ vào cái “bánh vẽ” của kẻ siêu lừa.


Trong khi đó, anh Bùi Văn Tân, sinh 1987, ở thôn Vinh Quang, xã Tân Liên bị Phin lừa đảo chiếm đoạt 215 triệu đồng để xin được vào làm ở phòng an ninh kinh tế; anh Vũ Đức Cảnh, sinh 1989, ở thôn Gia Phong, xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, bị Phin “móc túi” 220 triệu đồng; anh Bùi Xuân Tình, sinh 1960, ở xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, bị Phin lừa đảo chiếm đoạt 300 triệu đồng để xin việc cho con trai là Bùi Đức Việt, sinh 1993, vào ngành công an…

Hiện công an TP Hải Phòng đang mở rộng điều tra vụ án .


Lừa các người thân, bạn bè


Anh Nguyễn Văn N., sinh 1982, người xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, là bạn học của Nguyễn Thị Phin từ lớp 1 đến lớp 9 tại xã, kể lại: Đã chục năm không gặp, gần đây nghe Phin tự giới thiệu là cán bộ phòng tổ chức cán bộ công an thành phố, anh vừa mừng thầm cho bạn vừa “nể phục”. Nhất là khi nghe Phin nói giúp anh vào công tác trong ngành công an, ngỡ tình bạn thuở ấu thơ khiến Phin chia sẻ và càng tin tưởng hơn khi được Nguyễn Thị Phin hẹn gặp tại khu vực gần cổng trụ sở công an. Lúc đó Phin chững chạc trong trang phục đại úy, ghé tai và chỉ cho anh: “Kia là chú T., Trưởng phòng Tổ chức của Phin đấy…”, nên anh N. chẳng còn gì để nghi ngờ và không ngần ngại đưa cho Phin một lúc hàng trăm triệu đồng để “chạy” việc.


Hay người cháu họ bên chồng của Phin là chị Nguyễn Thị Thu Huyền, sinh 1986, ở xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, cũng đã bị Phin lừa đảo chiếm đoạt 210 triệu đồng với cam kết sẽ xin cho chị được tuyển dụng vào lực lượng công an. Cũng xin nói thêm, nhà chồng Phin là gia đình cán bộ căn bản, anh Phạm Thế Việt, sinh 1983, là người khá hiền lành. Hôm được cơ quan điều tra mời lên làm việc, anh Việt trình bày hoàn toàn không biết gì về những việc làm vi phạm pháp luật của Phin. Bản thân anh và gia đình bên chồng Phin từ trước đến nay vẫn tin tưởng Phin là cán bộ công an thật.


Bởi vậy, mới có chuyện anh Phạm Mạnh Dũng, sinh 1987, là em chồng Phin, cũng bị thị lừa một vố… ngọt như “mía lùi”. Nếu công an không bóc trần nhanh bộ mặt thật của thị thì đến giờ anh Dũng vẫn tin tưởng mình đang ở trong đội ngũ của lực lượng công an nhân dân. Chuyện là, anh Dũng được Phin hứa xin cho vào thẳng Phòng CSGT. Anh Dũng và gia đình đã tạm ứng cho Phin 100 triệu đồng.


Để lấy niềm tin với gia đình bên chồng và lấy đó làm “con bài” cho các màn lừa đảo sau này, chỉ trong một thời gian ngắn, cuối năm 2010, Phin thông báo anh Dũng đã được tuyển dụng chính thức (bằng những giấy tờ do Nguyễn Thị Phin làm giả) vào làm ở trạm CSGT Bến Bính. Do “uy tín” với cấp trên nên Phin nói anh Dũng chưa phải đi làm, nhưng vì đã được biên chế vào ngành nên Dũng vẫn được hưởng lương, hàng tháng Phin vẫn lĩnh hộ lương 2,5 triệu đồng/tháng đưa cho chú em chồng. Cứ đều đặn Phin “trả lương” như vậy, đến tháng 5/2013, anh Dũng còn được “tăng lương” lên 3,7 triệu đồng/tháng.


Đến nay, anh Dũng mới biết khoản tiền đó Phin trích từ tiền chiếm đoạt của nhiều người khác và đó là thủ đoạn để làm cho những người bị hại khác càng tin tưởng và hy vọng. Để qua mắt Dũng cùng gia đình nhà chồng và tạo niềm tin cũng như vỏ bọc, có lần Phin còn bắt Dũng mặc quân phục cảnh sát, “phong” cho anh này cấp hàm trung sỹ để cùng thị đi làm nhiệm vụ “xác minh lý lịch” cho người tuyển dụng vào ngành. Khi đi, Phin còn động viên an ủi Dũng: “Đi làm cho nó quen đi. Mai kia bắt tay vào nhiệm vụ cho khỏi bỡ ngỡ”.


Chân tướng kẻ siêu lừa


Theo kết quả điều tra sơ bộ, Nguyễn Thị Phin đã lừa đảo 18 người với số tiền khoảng 4 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Phin đã tậu 1 căn nhà ở đường An Đà (quận Ngô Quyền) hết 900 triệu đồng; 1 căn nhà ở khu dân cư Kiều Sơn (quận Hải An) với số tiền 1,8 tỷ đồng và sắm 1 xe ô tô khá “xịn” hết 660 triệu đồng; trả lại tiền một vài trường hợp bị hại đòi ráo riết quá mà Phin “nuốt” không trôi; số tiền còn lại, Phin dùng để ăn tiêu chi phí sinh hoạt hàng ngày.


Khám xét nơi ở của Nguyễn Thị Phin, cơ quan điều tra thu được 1 bộ quân phục an ninh nhân dân hàm đại úy cùng rất nhiều hồ sơ xin tuyển dụng vào công an của người bị hại và các giấy tờ, quyết định tuyển dụng giả. Kết quả điều tra tới thời điểm này đã xác định, mọi việc làm của Phin đều là những màn độc diễn quái đản mà thị tự nghĩ ra.


Biết rõ niên hạn từ thiếu úy lên trung úy trong lực lượng công an nhân dân phải trải qua 2 năm công tác nên Phin rất từ tốn, đúng 2 năm giả đeo thiếu úy công an, thị mới tự “phong” cho mình lên trung úy. Tuy nhiên đến năm 2012, để nâng uy tín, củng cố lòng tin đối với các nạn nhân, Phin đã “tự phong” vượt cấp cho mình lên cấp bậc hàm đại úy an ninh nhân dân. Về quê, ai cũng xuýt xoa: “Cô Phin lên chức nhanh thế”. Có người hiểu biết thì thắc mắc: “Sao Phin chưa đeo quân hàm thượng úy mà đã “tót” lên đại úy?” thì Phin đáp: “Do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác nên được phong vượt cấp”.


Với nét mặt nhẹ nhàng thanh thoát, ăn mặc giản dị, Phin thật quá bản lĩnh, mượn ngay khu vực trụ sở công an thành phố để diễn màn lừa đảo. Phin dày công thu thập thông tin về các đồng chí lãnh đạo, thậm chí cả trợ lý của các đồng chí. Có lần, Phin còn chỉ theo một đồng chí ở phòng tham mưu tổng hợp và nói với bị hại: “Anh ấy tên là…, trước theo đuổi tán tỉnh chị mãi nhưng không đổ”.


Theo An Ninh Hải Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP