TAND TPHCM vừa tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Đông Á) mức án tù chung thân về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) bị tuyên phạt 17 năm về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Sau khi tuyên án, HĐXX đã kiến nghị Bộ Công an, Viện KSND Tối cao tiếp tục điều tra, làm rõ việc bị cáo Phan Văn Anh Vũ còn giữ 13,4 triệu USD của Ngân hàng Đông Á.
Điều tra Vũ "nhôm" nhận 13,4 triệu USD. |
Trong quá trình điều tra, thu giữ giấy tờ viết tay của Đỗ Thanh Hùng (nguyên thủ quỹ hội sở DongABank) thể hiện, từ 11/10/2012 – 12/3/2015 xuất quỹ chi 12 khoản tổng cộng hơn 294 tỉ đồng để mua 13,9 triệu USD cho Trần Phương Bình. Để mua khoản tiền USD lớn này, phòng kinh doanh hội sở DongABank đã tổ chức nhân viên thường trực tại một số chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống DongABank thực hiện mua bán ngoại tệ từ Bắc vào Nam với các khách hàng. Toàn bộ số USD này được vận chuyển vào hội sở DongABank bằng máy bay.
Trần Phương Bình thừa nhận trong 13,9 triệu USD, trên thì có đến 13,4 triệu USD mua giúp cho Vũ “nhôm”, còn 500.000 USD Trần Phương Bình đưa Nguyễn Thiện Nhân (chưa rõ lai lịch) để chi phí thuê tư vấn, tìm kiếm đối tác. Vũ “nhôm” thường nhận USD tại phòng làm việc của ông Bình ở hội sở DongABank. Đến nay Trần Phương Bình không giải thích rõ lý do mua hộ Vũ “nhôm” là gì.
Trong khi Bình khai mua hộ 13,4 triệu USD thì Vũ “nhôm” lại khai chỉ nhờ mua hộ 3,2 triệu USD, còn 10,2 triệu USD là Vũ vay của ông Bình. Đến nay, Vũ chưa trả số tiền này cho ông Bình và cũng không biết ông Bình sử dụng nguồn tiền nào để mua 13,4 triệu USD. Đáng lưu ý, Vũ khai đã dùng số tiền 13,4 triệu USD chi cho mục đích cá nhân, nhưng chưa nhớ sử dụng vào việc gì (?!).
Theo HĐXX, hành vi của Phan Văn Anh Vũ có dấu hiệu của tội phạm khác nên kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện KSND Tối cao tiếp tục điều tra làm rõ. Nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý theo quy định của Pháp luật.
Đối với Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay cơ quan điều tra chưa xác minh được nơi cư trú nên tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án.
HĐXX cũng kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của những cá nhân thuộc ngân hàng Nhà nước, Thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, công ty Kiểm toán TNHH Ernst and Young Việt Nam trong việc kiểm toán, kiểm quỹ nhưng không phát hiện Trần Phương Bình để xảy ra sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong đó, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã 13 lần thanh tra nhưng không phát hiện Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới lập các hợp đồng tín dụng cho khách hàng vay khống tiền vàng, hạch toán mua bán vàng khống, chi lãi ngoài, lập chứng từ điều vốn khống từ chi nhánh về Hội sở và ngược lại sau khi thanh tra, kiểm tra xong, để Bình chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng.
Luật sư Trạch cho biết Vũ "nhôm" tiếp tục kêu oan. |
Sau phiên tòa, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch bào chữa cho Phan Văn Anh Vũ cho biết Vũ sẽ kháng cáo kêu oan.
Luật sư Trạch cho rằng: "Chỉ trong trường hợp Vũ biết rõ nguồn gốc của số tiền 200 tỉ đồng này từ việc ông Bình chỉ đạo cho Nguyễn Đức Vinh lập chứng từ thu khống 200 tỉ đồng thì mới được xem là nộp khống. Ông Bình thừa nhận đã không nói cho Vũ biết rõ nguồn gốc số tiền 200 tỉ đồng cũng như không bàn bạc gì trước với Vũ về việc chỉ đạo cho Vinh thực hiện việc lập chứng từ thu khống và ghi treo nợ cho cá nhân ông Bình. Như vậy, Vũ hoàn toàn tin tưởng vào ông Bình cho Vũ vay 200 tỉ đồng. Trong việc này, Vũ chỉ là người bị hại bởi những toan tính, không trung thực, che giấu thực trạng âm quỹ, nợ xấu… của ngân hàng Đông Á và sự chủ động đưa Vũ vào giao dịch bị lừa dối của Bình”.
Tác giả: Xuân Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí