Giáo dục

Kiếm đâu cho đủ minh chứng để đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên?

Hàng năm khi kết thúc năm học, nhà trường thường tổ chức đánh giá, xếp loại thi đua, bình xét giáo viên trong toàn trường. Một trong những việc mà chúng tôi "ngán ngẩm" nhất có lẽ là đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp của giáo viên.

Theo quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì giáo viên được đánh giá theo 6 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí.

Thông thường các trường học hướng dẫn giáo viên đánh giá theo các mức độ: xuất sắc, khá và trung bình. Nếu giáo viên đạt Chiến sĩ thi đua thì được đánh giá xuất sắc. Còn giáo viên đạt Lao động tiên tiến thì đánh giá khá. Riêng thầy cô không đạt danh hiệu gì thì đánh giá mức trung bình.

Quy trình đánh giá, xếp loại giáo viên theo Chuẩn được các trường tiến hành đúng theo trình tự các bước: Đó là giáo viên tự đánh giá, Tổ chuyên môn đánh giá và hiệu trưởng đánh giá. Kết quả cuối cùng được thông báo cho giáo viên, tổ chuyên môn và báo cáo về Phòng.

Tuy nhiên khi giáo viên và tổ chuyên môn đánh giá xong thì Ban giám hiệu liên tục đòi nguồn minh chứng cho việc đánh giá giáo viên. Vì vậy mà giáo viên cảm thấy thật sự mệt mỏi với công việc này.

Nhiều minh chứng thì giáo viên có sẵn như giáo án, sổ kế hoạch bộ môn, sổ điểm, sổ tự học bồi dưỡng. Nhưng một số tiêu chí khác thì giáo viên lại không có phải đi tìm kiếm mất rất nhiều thời gian. Có những tiêu chí giáo viên còn không biết lấy đâu ra nguồn minh chứng để chứng minh

Trong các “tiêu chuẩn” và “tiêu chí” của bản đánh giá chuẩn giáo viên thì có nhiều tiêu chí không biết tìm nguồn minh chứng ra sao, lấy đâu ra giấy tờ để chứng minh đây.

Ở tiêu chuẩn 1 nói về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người giáo viên có 5 tiêu chí. Do đó giáo viên phải tìm nguồn minh chứng. Nếu như ở Tiêu chí 1, nói về phẩm chất chính trị thì giáo viên minh chứng bằng phiếu đánh giá cán bộ công chức. Tiêu chí 5, nói về lối sống tác phong thì giáo viên là Đảng viên sẽ có nguồn minh chứng bằng bản nhận xét địa phương nơi cư trú. Riêng các giáo viên không phải là Đảng viên thì khó tìm được nguồn minh chứng.

Các tiêu chí 2, 3, 4 thì đánh giá về đạo đức nghề nghiệp, ứng xử với học sinh, ứng xử với đồng nghiệp thì giáo viên biết kiếm đâu ra nguồn minh chứng. Thầy cô bình thường không có ai vi phạm nên chẳng ai đánh giá hay ghi chép vào sổ nào cả. Vì vậy thì giáo viên biết lấy ở đâu ra cho nguồn minh chứng của mình.

Trong các tiêu chuẩn thì tiêu chuẩn 3 và 4 là dễ tìm nguồn minh chứng nhất. Các loại sổ như giáo án, lịch báo giảng, sổ chủ nhiệm, sổ mượn đồ dùng dạy học hay các đề thi, đề kiểm tra thì giáo viên luôn có sẵn. Còn lại thì giáo viên chẳng biết tìm đâu ra các nguồn minh chứng cả.

Như vậy để đánh giá giáo viên theo đúng chuẩn thật lắm gian nan. Nhà trường thì mơ hồ về các tiêu chí. Giáo viên thì tất bật đi tìm nguồn minh chứng. Nhiều giáo viên cứ tự hỏi nhau cuối cùng việc đánh giá này để đạt được điều gì? Tìm đủ minh chứng để làm gì? Liệu việc đánh giá giáo viên đúng theo chuẩn đã chính xác chưa?

Là một giáo viên, bản thân tôi cũng ngao ngán với các thủ tục rườm rà cuối năm đối với giáo viên. Nhiều việc không cần thiết nhưng gây mất rất nhiều thời gian cho giáo viên. Chúng tôi thật sự ngán khi đi tìm nguồn minh chứng để đạt “chuẩn” giáo viên.

Suy cho cùng trong Giáo dục, đánh giá giáo viên chuẩn nhất vẫn là chất lượng giảng dạy, sự nhiệt tình của thầy cô trong công tác.

Tác giả: Loát Trần

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP