Mời gọi đầu tư

Khu kinh tế Vũng Áng: Những bài học đầu

Vũng Áng đang trở thành một khu kinh tế năng động nhất cả nước.

Từ một vùng quê nghèo khó, đất ngập mặn, khí hậu khắc nghiệt, Vũng Áng đang trở thành một Khu kinh tế năng động nhất cả nước. Những bài học thành công ban đầu đã được chiêm nghiệm nhưng các vấn đề mới nảy sinh cũng đã xuất hiện.

Năm 2013, GDP của tỉnh Hà Tĩnh tăng 19% và năm nay dự kiến tăng 23%, gấp bốn lần mức tăng trưởng chung và cao nhất của cả nước. Vậy điều thần kì gì đang xảy ra với một tỉnh nghèo ở Bắc Trung Bộ.

Thay đổi chóng mặt

Cứ một tuần đi công tác, không đến Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng là lại thấy có sự khác biệt. Các giàn giáo đua lên chóng mặt, các bãi bồi hút cát từ biển rộng mênh mông, cần cẩu nhằng nhịt trên bờ dưới nước, một đại công trường lớn chưa từng có ở Việt Nam, ông Ngô Đình Vân, Phó Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng nói với đoàn công tác của Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế trong chuyến làm việc với KKT trung tuần tháng Ba. Và chúng tôi cũng chứng kiến tận mắt thấy một cảnh tượng sôi động những đoàn xe nối đuôi nhau chở nguyên vật liệu, thiết bị và hàng vạn nhân công làm việc cần mẫn tại các dự án.

Tại đây sẽ có nhiều cái nhất trong nền kinh tế Việt Nam vào những năm không xa nữa. Một tổ hợp công nghiệp cảng biển – điện – thép và có thể là hóa dầu lớn nhất Đông Nam Á sẽ hiện diện ở vùng đất khô cằn nắng gió này. Cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương công suất 30 triệu tấn/năm, đáp ứng cho tàu có trọng tải 300.000 tấn; khu liên hợp gang thép có công suất lên đến trên 20 triệu tấn/năm và tổ hợp các nhà máy nhiệt điện có công suất trên 6.000 MW dần dần mọc lên. Ngoài ra, một dự án lọc hóa dầu khổng lồ 16 triệu tấn/năm đang được xem xét.

Là một trong năm khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia, đến nay, tại KKT Vũng Áng đã có trên 220 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký đầu tư gần 17 tỷ USD. Cùng với các dự án đầu tư công nghiệp, những khu đô thị hiện đại và một lớp cư dân mới “ly nông không ly hương” đang hình thành.

Tư duy chiến lược

Chỉ cách đây sáu năm, Hà Tĩnh hầu như không có ngành công nghiệp nào phát triển nhưng giờ quê hương của đại thi hào Nguyễn Du đã đứng thứ 6 cả nước về thu hút đầu tư và sắp tới vị trí còn cao hơn nữa, thu ngân sách đạt trên 4.000 tỷ đồng, một con số đáng mơ ước với những tỉnh thành lớn. Những con số còn có ý nghĩa hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế trong nước ảm đạm, tài nguyên thiên nhiên của tỉnh không nhiều, dân số không đông (1,3 triệu người) và diện tích trung bình (6000 km2).

Vượt lên những điểm không thuận của hoàn cảnh, Hà Tĩnh đã xoay chuyển bằng lối tư duy mới, các bước đi phù hợp nhưng quyết liệt và hơn cả là sự đồng lòng quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh nói. Ngay trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Hà Tĩnh đã không ngần ngại thuê Công ty tư vấn Monitor của Mỹ để lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp đó, Lãnh đạo tỉnh tính toán tiếp xúc và mời gọi một nhà đầu tư chiến lược để từ đó làm chất xúc tác tới các đối tác khác. Và đó là Tập đoàn Formosa của Đài Loan (Trung Quốc).

Thực tế, chứng minh đúng như vậy, Formosa, công ty đầu tư thành công vào Đồng Nai từ những năm trước đây, đến Hà Tĩnh và kéo theo hàng loạt các công ty con của Đài Loan (Trung Quốc). Không những vậy, hiệu ứng lan cả tới các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản. Mitsubishi giữa năm nay sẽ khởi công nhà máy điện công suất trên 2.000 MW, Sam Sung đồng ý xây dựng khu cảng biển lớn tại KKT Vũng Áng, rồi Posco và các nhà đầu tư trong nước khác như Petro Việt Nam, Tập đoàn Than Khoáng sản…

Những bước tiếp theo

Hà Tĩnh thực sự là một điểm sáng của thu hút đầu tư nước ngoài với những dự án công nghiệp khổng lồ. Tư duy năng động, thành công về giải phóng mặt bằng, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính quyền từ Trung ương, lãnh đạo tới nhân dân trong tỉnh sẽ là những bài học kinh nghiệm cho các bước tiếp theo của Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Thảo, Trợ lí Bộ trưởng Ngoại giao trao đổi với lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành trong cuộc gặp mặt với đoàn công tác.

Vấn đề nhân công nước ngoài khá lớn, bài toán xử lí môi trường với các chất thải rắn, hệ thống cơ sở hạ tầng ngoài KKT, sự hợp tác hiệu quả Tiểu vùng đang đặt ra những thách thức cho các nhà quản lý địa phương và Trung ương, ông Nguyễn Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, Bộ Ngoại giao phát biểu. Ông Dũng cũng nhấn mạnh, không chỉ Hà Tĩnh, Bộ Ngoại giao mà các bộ ngành khác cần phải vào cuộc và cùng giải quyết những vướng mắc của địa phương. Những năm vừa qua, Hà Tĩnh vẫn cần nguồn vốn từ Trung ương để xây dựng cơ sở ban đầu. Tuy nhiên, chẳng lâu nữa Hà Tĩnh với những siêu dự án đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia.

Người Hà Tĩnh dù gian nan nhưng luôn có tầm nhìn. Danh y Hải Thượng Lãn Ông, đại thi hào Nguyễn Du, ba Tổng bí thư Đảng ta và nhiều người con ưu tú của đất nước đã sinh ra ở đây. Và mười cô gái Đồng Lộc, những người con của Hà Tĩnh đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình vì độc lập dân tộc, cũng nhìn thấy quê hương của các chị đang trở nên giàu đẹp hôm nay.

Tùng Lâm/ Theo TGVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP