Tin Hà Tĩnh

Khu kinh tế Cầu Treo: Hết thời Tám Thịnh, Liễu đại gia...

Chính sách thay đổi xoành xoạch, hạ tầng giao thông xuống cấp…là những nguyên nhân khiến thị trấn Tây Sơn (Hương Sơn, Hà Tĩnh) nói riêng, KKT Cửa khẩu Cầu Treo nói chung lâm cảnh “chết lâm sàng”.

Một thời để nhớ

Thị trấn Tây Sơn là thị trấn trung tâm của Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, có Quốc lộ 8A đi qua thông thương với nước bạn Lào thông qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Thị trấn Tây Sơn từng được ví một góc phố Viêng Chăn thủ đô Lào

Trung tâm thị trấn Tây Sơn ngày nay

Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn Nguyễn Kim Hảo cho biết, những năm 2007-2010, thị trấn Tây Sơn có trên 500 hộ kinh doanh, buôn bán và gần 100 doanh nghiệp. Nhiều tên tuổi kinh doanh có tiếng, doanh thu hàng chục, đến hàng trăm tỷ đồng, tiền chở bằng bao tải như các doanh nghiệp: Thái Phát Đạt, Tâm Hợi, Trung Như, Ngọc Long Châu, Kim Thành, Mai Thuận Trang, đại gia Tám Thịnh, Liễu đại gia... Doanh thu xuất nhập khẩu tại KKT Cầu Treo có năm chiếm trên 50% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, thu hút du khách thập phương kể cả khách nước ngoài đến làm ăn giao du tại thị trấn sầm uất này.

“Thời kỳ cao điểm buôn bán sầm uất, khách sạn, nhà hàng đua nhau mọc lên như nấm, xe cộ tập nập ngược xuôi. Ông Thịnh Giám đốc khách sạn Thịnh Tám ở thị trấn Tây Sơn buồn rầu nói với chúng tôi: Khi đang còn thuộc khu phi thuế quan, việc buôn bán giao dịch hang hóa ở đây ngày đêm luôn tập nập, khách sạn của tôi có trên 50 phòng lúc nào cũng trong tình trạng “cháy” phòng. Hầu hết là khách buôn bán từ Vinh, Hà Nội, Hải Phòng và Lào, Thái Lan lưu trú” . Thế nhưng khi Chính phủ ra chủ trương ngừng hoạt động khu kinh tế phi mậu dịch, cổng B giải tán, cả khu vực ở đây như tối sầm lại, bởi mọi hoạt động buôn bán, phát triển kinh doanh hàng hóa, khách khứa đều bỏ đi đâu hết, cả thị trấn trở nên im lìm.

Trở lại thị trấn “chết”

Một ngày đầu tháng 11/2018, chúng tôi trở lại thị trấn vùng biên Tây Sơn sau nhiều năm xa cách. Trong hình dung của chúng tôi, thị trấn Tây Sơn bây giờ hẳn phải sôi động, sầm uất gấp nhiều lần. Sẽ có nhiều nhà cao tầng, biệt thự, khách sạn đẳng cấp, ít nhất cũng phải cỡ 3-4 sao, doanh nghiệp đầu tư các dự án vào đây sẽ mọc lên như nấm.

Khu kinh doanh lien hợp cổng B đầu tư gần 50 tỷ nay bỏ hoang phế

Tuy nhiên, trái với hình dung đó, thị trấn Tây Sơn bây giờ đường sá vắng tanh, vắng ngắt, hàng quán... đìu hiu, vắng khách, chợ búa cũng không còn tấp nập, sôi động nữa...

“Hiện nay, hoạt động buôn bán qua cửa khẩu giảm, khách qua lại giảm trên 60% so với trước đây. Thậm chí, một số người trước đây đi buôn hàng Thái Lan, hàng Lào, nay cũng đã "giải nghệ” – Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn Nguyễn Kim Hảo xác nhận.

“Chúng tôi hiện đang giữ hàng trăm xe máy của khách hàng từng lưu trú gửi đây nhưng 3-5 năm nay họ cũng không quay lại lấy xe nữa. Đây là xe của những khách làm cửu vạn, buôn bán nhỏ ở các tỉnh phía Bắc vào thường xuyên qua lại biên giới làm ăn nhưng do không làm ăn buôn bán được nữa nên không vào nữa” – Giám đốc khách sạn Thịnh Tám cho biết.

Chưa bao giờ KKT Cầu Treo lại hắt hiu đến như vậy. Hạ tầng cơ sở, đường sá xuống cấp, các chính sách ưu đãi thuế không còn, các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào KKT cũng như qua lại cửa khẩu này nữa. Theo số liệu từ các cơ quan liên quan, hiện, trên địa bàn có 30 dự án đầu tư, 130 doanh nghiệp, hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động theo kiểu “cầm hơi”.

Cụ thể, trong tổng 30 dự án đăng ký đầu tư vào KKT thì chỉ mới 15 dự án xây dựng cơ bản các hạng mục công trình chính và trong số đó có dự án hoạt động theo kiểu cầm chừng; 7 dự án khác đăng ký nhưng chưa thực hiện; 3 dự án đã dừng chưa biết đến bao giờ mới khởi động lại. Các dự án lớn như Khu nghỉ dưỡng Ngàn Phố (vốn đăng ký 131,9 tỷ đồng) hiện chỉ là một vùng cây cỏ hoang hóa; dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tập trung Nam sông Ngàn Phố (vốn đăng ký 248,6 tỷ đồng) bỏ dở từ hơn 2 năm nay. Nghe đâu, một số hộ dân đang xin thuê lại khu đất này để… trồng gừng (?!); dự án khu trung tâm thương mại (vốn đăng ký 112 tỷ đồng) đã xây dựng xong vài năm nay nhưng cũng bỏ hoang kể từ ngày đó.

Khu du lịch nước suối không bóng người

Bên cạnh bức tranh buồn về các dự án đầu tư trong KKT, các doanh nghiệp hoạt động SXKD trên địa bàn gần đây cũng giảm đáng kể. Nếu như thời điểm cao nhất, có đến trên 200 doanh nghiệp thì nay chỉ còn rất ít doanh nghiệp và tỷ lệ hoạt động hiệu quả trong số đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tại “trái tim KKT” - thị trấn Tây Sơn, hầu như các doanh nghiệp cũng chỉ tồn tại một cách... “cầm hơi, dặt dẹo”. Chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn Nguyễn Kim Hảo, cho biết: Cuối năm 2016, ngành thuế thông báo, trên địa bàn có thêm gần 40 doanh nghiệp đã bị rút giấy phép kinh doanh do nợ thuế hoặc hoạt động kém hiệu quả, hàng chục hộ kinh doanh cá thể mất nhà mất cửa bởi phải bán tháo nhà ở để trả nợ ngân hàng...

Vì đâu nên nỗi?

Quyết định 162/2007/QĐ-TTg, ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được xem là khu phi thuế quan, với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư hoạt động trong KKT. Tuy nhiên, đang là khu phi thuế quan với hàng loạt chính sách ưu đãi hấp dẫn thì ngày 15/8/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 109/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, trong đó, quy định danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan Cầu Treo là tất cả các mặt hàng, trừ hàng hóa nhập vào để thực hiện dự án đầu tư.

Những bể tắm nước sốt chơ vơ

Ngày 1/9/2016, Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đây.

Việc thay đổi chính sách liên tục và gần như không còn ưu đãi gì đáng kể, khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư bị động, lúng túng trong kế hoạch SXKD, không muốn đầu tư dài hạn vào KKT. Một nhà đầu tư (xin giấu tên), cho rằng: “Trước đây, Quyết định 162 có hàng loạt ưu đãi rất hấp dẫn, đặc biệt là được miễn thuế xuất nhập khẩu hàng hóa khi nhập vào KKT nên chúng tôi muốn tìm hiểu để vào đầu tư. Bây giờ, sau nhiều lần thay đổi chính sách, các ưu đãi bị xóa bỏ, chúng tôi thấy gần như không có gì để thu hút nhà đầu tư nữa. Nếu không còn được miễn thuế, chẳng ai dại gì đầu vào tư nơi đèo heo hút gió này”.

Một thực tế buồn nữa ở KKT Cầu Treo trong vài năm lại đây là nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình “bể nợ” nặng vì buôn bán gỗ. Khi nước bạn Lào thực hiện chính sách đóng cửa rừng, nhiều doanh nghiệp đã mắc kẹt gỗ phía bên kia không nhập về được. Một số khác, trước đây, thu gom gỗ trắc buôn bán nhưng sau đó, loại gỗ này “rớt” giá thê thảm. Hàng chục gia đình đã bị phát mại tài sản, đất đai, nhà cửa do vay tiền ngân hàng buôn gỗ, bị “bể nợ”. Bức tranh kinh tế KKT Cầu Treo đang ngày càng trở nên u ám. Một thị trấn sầm uất đang tương lai ngập tràn hàng hóa kẻ bán người mua, nơi thu hút đầu tư hấp dẫn nay trở thành thị trấn “chết”!.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Nhà đầu tư

  Từ khóa: cầu treo , kinh tế

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP