ĐB Nguyễn Văn Minh cho rằng việc tăng lương bị trì hoãn là vấn đề lặp lại nhiều, cần xem xét lại, cần thiết phải tăng lương tối thiểu theo lộ trình để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức.
Muốn làm được như vậy, ông Minh đề nghị phải tiết kiệm chi tiêu: Nhiều công trình mất hàng ngàn tỷ để xây dựng nhưng xây xong không sử dụng hoặc công trình không cần thiết, rất lãng phí.
Tiết kiệm chi tiêu còn phải đi kèm với tinh giản biên chế. Hiện nay đội ngũ hưởng lương rất lớn nhưng người làm việc chuyên môn ít, bộ máy tổ chức cồng kềnh. Bộ Nội vụ từng triển khai việc tự đánh giá công việc của cán bộ, công chức nhưng làm xong thì không có đơn vị nào xin giảm biên chế mà đều xin tăng!
Còn ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh nếu cứ duy trì bộ máy chính quyền địa phương 3 cấp với tất cả ban bệ hệ thống như hiện nay thì không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này. Nếu không giải quyết được vấn đề này, không thể nghĩ đến việc tăng lương, nâng cao phúc lợi cho người dân.
Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Đương đánh giá con số 1/3 cán bộ công chức cắp ô đã được chỉ ra nhưng có giảm được ai đâu? Theo ông, cần giảm hẳn biên chế và phải quy về từng cơ quan.
1/3 công chức ‘cắp ô’ với cơ quan hành chính là đúng đấy, tôi làm nhiều cơ quan rồi, tôi thấy thừa sức giảm 1/3 số này – số chỉ ‘ăn theo nói leo’ không giải quyết được gì, lãnh đạo cũng chỉ chỉ tay 5 ngón không làm được việc gì, tuyển nhiều nguy hiểm quá – ông Đương nói.
Lương công chức ra trường phải 10 triệu đồng/tháng?
Theo ông Trần Du Lịch, chỉ tăng lương thêm 100.000 đồng thì không giải quyết được gì, không chống được tham nhũng, không tuyển được người giỏi và thu hút được đội ngũ tinh hoa vào bộ máy nhà nước.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng tình cho rằng cần nâng mức lương cơ bản. Lương tối thiểu công chức mới ra trường phải là 10 triệu đồng thì mới có thể lập gia đình, mua nhà cửa … Muốn làm được việc này cần tính toán lại bộ máy chính quyền, phân cấp chức năng nhiệm vụ mỗi cấp.
Tại sao nhiều người bỏ ra vài trăm triệu để chạy vào công chức, dù lương thấp như thế? – bà Tâm đặt câu hỏi.
Theo bà Tâm, nguyên nhân là vì môi trường làm việc hiện nay thả nổi, dễ tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh.
Vì thế, việc tăng lương phải đi kèm với giám sát chặt chẽ, khi cán bộ sợ mất việc sẽ không có tiêu cực. Công chức không tích cực khiến người dân mất niềm tin.
‘Cỗ xe nợ công đang quá tải’ ĐB Trần Hoàng Ngân ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết nợ công đang ở mức rất là cao, dù nằm dưới mức pháp định là 65% GDP nhưng ông không cho rằng đó là mức an toàn. Lý do là vì nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách hàng năm ngày càng tăng, số đảo nợ ngày một lớn, con số nợ công hiện nay vẫn chưa được tính toán đầy đủ do chưa đưa một số khoản khác vào. Theo lý giải của ĐB Trần Hoàng Ngân, nợ công tăng nhanh và đã đạt xấp xỉ mức trần nợ công Quốc hội cho phép là 65% GDP là do trái phiếu (hiện đang để ngoài ngân sách) và bội chi. Bội chi đầu nhiệm kỳ đề ra mục tiêu về dưới 4,5% vào 2015. Năm 2011, bội chi 4,4%, nhưng đến 2012 bội chi là 5,4%, năm 2013 là 5,5%, năm 2014 là 5,3% và dự kiến 2015 là 5%. |
Cẩm Quyên – Phạm Hải