Giáo dục

Khóc, cười theo kỳ thi lớp 10

Hai ngày qua, nhiều tỉnh thành khắp cả nước "nóng bỏng" với kỳ thi vào lớp 10 của hàng trăm ngàn thí sinh sinh năm 2004. Từ kỳ thi còn những chuyện khóc, cười đầy tâm tư..

Căng thẳng vì giám thị

Hầu hết, ngày thi đầu tiên cũng là thời điểm học sinh hồi hộp nhất, các em phải đến trường thi từ rất sớm. Như ở TPHCM, 8h sáng bắt đầu thi nhưng từ 6h, Hội đồng thi đã tập hợp thí sinh để chuẩn bị làm lễ chào cờ, nghe các thông tin liên quan đến chuyện thi cử về tất tần tật các vấn đề như chuyện giấy tờ, thủ tục, quy chế thi và nhắc nhở luôn chuyện ăn uống, chuyện đi lại...

Sự căng thẳng, nghiêm trọng thường đến với các em ngay trước khi vào phòng thi

Rồi khi vào phòng thi cũng là vô số lời cảnh cáo và nhắc nhở, có cả lo lắng của giám thị đang thị uy nhằm đảm bảo trật tự giờ thi nhưng không khác nào đang "khủng bố" tinh thần của học sinh.

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, cựu giáo viên tại Trường THCS Minh Đức, Q.1, TPHCM chia sẻ, đó là những hình ảnh thi cử cũ nhưng lại không bao giờ cũ, gây căng thẳng cho học sinh. Trong khi, chỉ cần những người liên quan điều chỉnh một chút là giải tỏa rất nhiều cho học trò.

Những người tham gia công tác thi hoàn toàn có thể giúp giảm sự căng thẳng cho học trò trong ngày đặc biệt. Các vị cầm micro trong ngày này đừng quá nghiêm trọng sự việc qua lời nói, nét mặt đầy đe dọa.

Việc thi cử có thể căng thẳng, nhưng các luôn cần tâm trạng thoải mái nhất

Điểm thi có thể bật nhạc thật nhẹ nhàng ở sân trường hoặc trên hành lang trước khi vào phòng thi. Giám thị hãy cười thân thiện với cả những thí sinh không phải học trò của mình, đừng ra ra với những điệp khúng "Các em phải...", "Các em không được, không được!"...

Theo cô Tô Thụy Diễm Quyên, chúng ta nên làm video hướng dẫn chi tiết về nội dung, thủ tục quy chế thi từ đầu năm, học sinh xem nhiều lần và nhớ rõ. Không nên đợi sát ngày thi đã căng thẳng lại còn bị nhồi nhét thông tin với sự thiếu thân thiện.

Phụ huynh bớt lo, thí sinh "dễ thở"

Với học sinh, áp lực kỳ thi có không chỉ ở việc phải cạnh tranh, vượt bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa để có chỗ học ở lớp 10 công lập. Cũng không chỉ nằm ở đề thi khó hay dài... Mà với các em, không gì nặng áp lực bằng việc không đạt được kỳ vọng của bố mẹ.

Ngày thi rơi vào đầu tuần nhưng rất nhiều phụ huynh sẵn sàng nghỉ việc, đừng trước cổng trường đội mưa, đội nắng... chờ con từ đầu giờ cho đến khi con ra tận phòng thi. Nhiều người trút tâm trạng lo lắng này... sang các phụ huynh khác đang chờ cùng mình bằng cách kể về các thành tích của con, về ngôi trường con đang cạnh tranh để vào.

Chỉ cần có một thí sinh nào rời phòng, bước ra khỏi cổng trường thi là nhiều phụ huynh nháo nhào kéo lại hỏi đề dễ không, con làm được bài không, các bạn trong phòng làm được bài không.

Rất nhiều người đón con hỏi dồn dần, tới tấp trúng đề không, dễ không, con làm được mấy trang... kệ cho đứa trẻ không kịp trả lời. Hay có phụ huynh bật khóc khi nghĩ rằng con mình không làm được bài.

Thi cử là việc căng thẳng nhưng những người xung quanh có thể giúp học sinh "hạ nhiệt"

Cái dầm mưa đội nắng của bố mẹ với con trẻ là một sự đánh đổi, kỳ vọng. Hay một ánh mắt, cái nhíu mày, tiếng thở dài ẩn chứa sự quan tâm, lo toan của phụ huynh lại là nỗi sợ của biết bao nhiêu đứa trẻ. Có khi, chúng còn đáng sợ là cả việc điểm thấp, thi trượt.

Vẫn biết, công tác phân luồng sau THCS, kỳ thi lớp 10 hiện nay còn có những bất cập, gây nên những áp lực cho học sinh. Có điều, cách quan tâm, chăm chút của những người xung quanh đang góp phần đẩy căng thẳng của các em lên cao hơn... có khi vượt cả mức độ cạnh tranh, áp lực của kỳ thi. Vậy có đáng không?

Trong khi, các em cần được truyền được tinh thần tích cực rằng còn nhiều con đường, định hướng khác cho lộ trình học tập, tương lai của mình. Dù có thể con đường đó khởi đầu sẽ khó khăn, thách thức hơn...

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP