Lại có anh U.50 than phiền: “Mấy ngày Tết đi thăm viếng chỗ nọ, chỗ kia, chỗ nào cũng được mời vài ly nên người cứ phừng phừng như lửa đốt, tưởng có thể đưa bà xã lên chín tầng mây. Vậy mà lần nào cũng như lần nấy, vừa ôm lấy tấm nệm da ấm áp thì đã ngủ lăn quay…”.
Còn có anh trai mới cưới vợ 1 năm 4 tháng thắc mắc: “Tết năm ngoái, em với bà xã mới cưới. Tết em dẫn vợ về quê, bà con, anh em tới chúc mừng rần rần. Được cái tửu lượng của em khá tốt nên uống hoài không biết say.
Chỉ phiền phức một điều là cuộc họp giao ban buổi tối với bà xã cứ kéo dài lê thê, không có hồi kết. Có khi em hì hục cả tiếng đồng hồ mà tiền vẫn còn đầy trong túi, càng cố gắng thì càng thất bại, em phải làm sao để Tết này không bị lặp lại cảnh ấy?”…
Nói chung là cứ đến hẹn lại… Tết, lại có những câu hỏi liên quan đến “chuyện ấy” ngày Tết. Cũng bình thường thôi bởi điều đó cũng giống như người ta ăn, uống, ngủ, nghỉ. Cái không bình thường ở đây là có những phát sinh… không giống ngày thường.
Người thì khỏe hơn nhưng kẻ lại yếu đi; có anh sung sức, có chú ỉu xìu. Các chị cũng thế. Chính vì vậy mới có thắc mắc, khiếu nại, đình công… Thật ra thì đó chỉ là những sự đột biến do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả ngoại cảnh lẫn nội tình.
Trước tiên cần nói rõ là “yêu nhau” là chuyện của cả năm, cả đời chứ không theo mùa vụ hay ngày tư, ngày Tết. Tuy nhiên, cái “đồ thị của tình yêu” nó không chạy theo đường ngang mà có lúc lên, lúc xuống, lúc yếu, lúc mạnh, lúc nhiều, lúc ít… Điều này phụ thuộc vào tâm trạng, sức khỏe, tình cảm, điều kiện cần thiết để tiến hành một cuộc giao ban.
Đông y cho rằng “xuân nhất, hạ nhị, thu nhất, đông vô”, tức mùa xuân và mùa thu là thời điểm tốt nhất cho chuyện ái ân; mùa hạ thì có phần kém hơn chút đỉnh, còn mùa đông thì không nên họp hành gì cả!
Nói thì nói vậy thôi chớ ý kiến này chỉ nên tham khảo, không nên lấy làm phương châm hành động. Tất nhiên là khi trời đất tươi xinh thì lòng người cũng phơi phới; mà lòng đã phơi phới thì chuyện gì cũng hanh thông chứ không riêng chuyện “yêu”.
Thế nhưng các anh lại thắc mắc: Ngày Tết cũng là… ngày Xuân, cả đất trời và lòng người đều thuận mà tại sao chuyện ấy với nhiều người lại nghịch? Đặc biệt, rất nhiều người bị thất bại khi muốn “xông giường” vào đêm giao thừa.
Họ thắc mắc, thời khắc chuyển giao thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới thì một cuộc yêu rất có ý nghĩa, tràn đầy cảm xúc, tăng khoái cảm, thêm sức khỏe, khởi đầu tốt đẹp thì cả năm sẽ mỹ mãn, thế mà mọi thứ lại… trớt quớt, thậm chí có người ngã lăn quay ngay trong đêm giao thừa!
Thật ra thì có những chuyện như vậy là do chính… ta làm hại mình! Đúng là Tết vui thật, trời đất đẹp thật; lòng người phơi phới, dạt dào thật… nhưng Tết cũng mang theo nhiều rắc rối, phức tạp.
Đối với các chị thì trước, trong và sau Tết là những ngày bận rộn, lo toan, vất vả từ chuyện tính toán, sắm sửa, dọn dẹp, nấu nướng đến đi đứng, xã giao, thăm viếng nội ngoại…
Do hoạt động hết công suất như vậy nên khi đặt lưng xuống giường, các chị chỉ muốn được ngủ một giấc thật ngon để lấy lại sức, ngày mai tiếp tục chiến đấu với… Tết. Khi ấy, nếu các anh mè nheo thì chắc chắn chẳng xơ múi được gì!
Còn về phía các anh, kẻ thù của chuyện gối chăn là bia rượu và thuốc lá thì khi ấy lại trở thành bạn bè thân thiết. Ai cũng biết, rượu có hại cho gan, cho hệ tim mạch và cả chuyện gối chăn.
Còn hút thuốc lá nhiều sẽ làm cho các anh mất dần khả năng cương dương và giảm số lượng tinh trùng. Một khi ăn uống no nê, rượu thịt thừa mứa, nếu không rơi vào cảnh “căng da bụng, chùng da mắt” thì cũng sẽ “lơ lơ, láo láo”, người mệt mỏi, tứ chi bải hoải. Vào trận với một tâm thế như vậy mà thăng hoa thì thật là chuyện lạ!
Các đấng mày râu đừng quên, rượu có thể phá hỏng hoàn toàn cuộc “yêu”. Khi tôi nói vậy, chắc chắn có người sẽ cãi: “Làm gì có. Ngược lại là khác”.
Đúng là rượu trong chừng mức nào đó có thể làm tăng ham muốn nhưng nếu uống như hũ chìm thì sẽ làm giảm hưng phấn, gây rối loạn hành vi: thao tác mạnh bạo, đốt cháy giai đoạn, làm tổn thương đối tác…
Men rượu kích thích hệ thống tim mạch, dẫn đến co thắt mạch máu, tăng lượng máu lưu thông, tăng huyết áp, nhất là những lúc cao trào… Vì thế mà nó sẽ trở nên vô cùng nguy hiểm đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp…
Tóm lại, một khi phong tục ở nước mình ngày Tết là dịp hội hè, ăn uống no say, vui chơi thả cửa; bia rượu, thuốc lá triền miên, thức khuya dậy sớm… thì cái chuyện sức khỏe giảm sút, chuyện gối chăn không bình thường sẽ là… bình thường.
Điều quan trọng là mỗi người phải cố gắng tự chủ bản thân, biết dừng lại kịp lúc để sau Tết còn đủ sức cuốc cày.
Đặc biệt, khi đã say xỉn thì không nên gắng sức họp hành vì vừa mệt mình, vừa làm phiền đối tác. Còn như vẫn cố làm bừa thì phải coi chừng, nếu không cháy máy cũng lột dên!
(Theo Người lao động)