Thậm chí có hàng trăm ngôi mộ nằm san sát gần nhà, giếng nước, bếp ăn, vườn… rồi những bãi rác “tọa lạc” ngay trong khu nghĩa địa khiến cho môi trường nơi đây ô nhiễm trầm trọng. Qua đó nhận thấy, việc quy hoạch, quản lý nghĩa trang đang là vấn đề nhức nhối trên địa bàn các tỉnh miền Trung.
Tìm hiểu quanh một vòng ở các nghĩa trang trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, điều đầu tiên chúng tôi nhìn thấy đó là quỹ đất của các nghĩa trang bắt đầu hết. Còn tại Quảng Bình, đã có những bất thường xung quanh việc mở rộng nghĩa trang, khiến người dân địa phương bất bình.
Khan hiếm đất, tạo đà cho sốt giá
Nghĩa trang Cồn Bóng thuộc phường Hà Huy Tập vốn được quy hoạch vào loại đẹp nhất TP.Hà Tĩnh. Nhưng theo quan sát cho thấy các phần mộ bắt đầu chồng chéo, lộn xộn, cỏ mọc um tùm. Cách đó chừng 100m là nghĩa trang Chùa Thiều, đây là nghĩa trang cổ nhất ở TP.Hà Tĩnh cũng hết đất và đã “đóng cửa” từ lâu.
Nghĩa trang chung với dân cư (TP. Hà Tĩnh). |
|
Hàng nghìn ngôi mộ chen chúc, lộn xộn không theo một quy củ nào, có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường. Ông Đồng Xuân Mậu, Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập cho biết: “Hiện nay đất cho người chết cực kỳ cấp bách, quỹ đất đã bắt đầu hết, chỉ còn khoảng 300 suất, hiện đang xin thành phố mở rộng thêm nhưng rất khó vì xung quanh là đất trồng lúa và quá gần khu đô thị đã được quy hoạch. Vấn đề này không chỉ phường mà thành phố cũng đang lo lắng”.
Cồn Bóng là nghĩa trang của phường Hà Huy Tập nhưng lại đang phải dùng chung cho cả bốn phường khác là phường Bắc Hà, Nam Hà, Trần Phú, Tân Giang. Thực tế, với khoảng 300 suất chia đều cho 5 phường thì chỉ trong vòng một vài năm là hết sạch. Do diện tích đất ngày càng chật hẹp nên đất cho người chết tại nghĩa trang này cũng khá đắt đỏ. “Hiện tại mỗi suất đất bán cho người trong phường là 2,5 – 3,5 triệu đồng/mộ; còn đối với người ngoài phường thì mỗi suất là 10 triệu đồng”, ông Mậu cho biết thêm.
Cũng chung tình trạng trên, nghĩa trang Mụ Nồi thuộc phường Tân Giang đã hết quỹ đất nhưng không thể mở rộng thêm và bắt buộc phải đóng cửa. Đối với các phường như: Nam Hà, Bắc Hà, Trần Phú… quỹ đất dành cho nghĩa trang hoàn toàn không có. Việc lo hậu sự cho người quá cố càng nan giải hơn, mỗi khi có người mất thì người dân tại các phường này phải “chạy vạy” sang các phường khác để mua đất chôn.
Thời gian qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành nghiên cứu để xây dựng nghĩa trang cho thành phố và vùng phụ cận. Theo đó, UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư dự án Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng tại xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Giao cho Quỹ đầu tư phát triển tỉnh làm đầu mối thu hút các nhà đầu tư tham gia dự án. Đây là công trình phúc lợi công cộng, được triển khai theo hướng văn minh hiện đại, đáp ứng nhu cầu thiết yếu ngày càng cao của người dân TP.Hà Tĩnh và các vùng phụ cận.
Theo đó, khu quy hoạch Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng có quy mô diện tích 38,68 ha, sức chứa hàng vạn ngôi mộ, với nhiều phân khu chức năng như: Các khu vực cát táng, hung táng, an táng vĩnh viễn cho người theo đạo Thiên chúa, khu cho đối tượng chính sách xã hội, đất xây dựng khu hành chính, công trình hạ tầng kỹ thuật và cây xanh… Thời gian thực hiện dự án từ năm 2014 – 2018, trong đó, từ năm 2014 thực hiện bồi thường GPMB, lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế thi công và dự toán xây dựng các hạng mục cần thiết.
Trên thực tế, việc triển khai xây dựng Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng ở Hà Tĩnh đang gặp khó khăn nhưng nếu triển khai tốt thì đây là một bước tiên phong của tỉnh Hà Tĩnh trong việc quy hoạch và quản lý nghĩa trang.
Bỏ qua quy hoạch?
Trong hành trình tìm hiểu về những bất cập trong công tác quy hoạch nghĩa trang, tình trạng đầu cơ đất mộ tràn lan…, chúng tôi đã phát hiện ra khá nhiều câu chuyện rất lạ lùng và đặc biệt xung quanh vấn đề này ở tỉnh Quảng Bình.
Xem thêm video: Phản đối xây nghĩa trang, 5 đối tượng lĩnh 117 tháng tù.
Năm 2012, thân sinh của ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình qua đời. Ông Hoài và gia đình đã đưa thi hài của bố mình chôn cất, “độc chiếm” tại một vùng đất được cho là có địa thế, phong thủy đẹp nhất TP.Đồng Hới. Phía sau mộ dựa núi, phía trước là hồ nước trong xanh, xung quanh có bóng cây che mát… Thời điểm này, vùng đất trên thuộc rừng thông của Lâm trường Đồng Hới (khối 9, phường Đồng Sơn), nằm sát trên trục đường chính vào Trại giam Đồng Sơn (bộ Công an), không nằm trong quy hoạch nghĩa trang.
Ngay sau khi ngôi mộ thân sinh của vị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình “mọc” lên một thời gian, Trại giam Đồng Sơn đã có Công văn số 832/CV – TGĐS gửi UBND phường Đồng Sơn và UBND TP. Đồng Hới đề nghị: Cần có quy hoạch nghĩa trang tổng thể; không nên cho mai táng người đã khuất gần khu vực cổng trại giam.
Văn bản chỉ ra rằng: Việc chôn cất như vậy tạo cảm giác và cảnh quan không đẹp, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, tập thể lãnh đạo trại giam đang vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa”, “Đơn vị văn hóa kiểu mẫu”… phục vụ công tác giáo dục phạm nhân.
Sự bất thường trong văn bản
Lạ thay, ngày 21/4/2014, UBND phường Đồng Sơn có Tờ trình số 31/TTr – UBND gửi UBND tỉnh Quảng Bình và các cơ quan chức năng xin mở rộng khu Nghĩa trang Đá Bạc về hướng Tây Nam. Việc mở rộng này, đồng nghĩa với việc, hợp thức hóa để đưa toàn bộ khu mộ của ông N.Q.V. vào hẳn trong khu nghĩa trang.
Ngày 12/5, ông Trần Đình Dinh, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới đã có bút phê trực tiếp vào tờ trình trên: “Đề nghị UBND tỉnh và các ngành quan tâm giải quyết”. Việc một lãnh đạo cấp dưới không làm thành văn bản đề nghị mà bút phê chỉ đạo cấp trên giải quyết là điều chưa có trong tiền lệ ở địa phương này. Ngoài nguồn ngân sách do UBND TP.Đồng Hới duyệt cấp, ngày 6/8/2014, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình trực tiếp ký Quyết định số 2101/QĐ – UBND, cấp thẳng xuống cho phường Đồng Sơn 1 tỉ đồng.
Số tiền trên được cho là trích từ nguồn “Sự nghiệp kinh tế khác” để hỗ trợ mở rộng Nghĩa trang Đá Bạc. Việc UBND tỉnh cấp thẳng nguồn tiền ngân sách đến tận địa phương để mở rộng nghĩa trang cấp phường cũng là chuyện xưa nay hiếm. Hiện nay, phần Nghĩa trang Đá Bạc mở rộng được đầu tư xây dựng rất đẹp, bề thế. Hệ thống đường thoát nước; đường bê tông kiên cố, vững chắc được vây quanh ngôi mộ của ông N.Q.V.. Khi chúng tôi có mặt, phần nền xung quanh ngôi mộ đã được quy hoạch thành các lô, khoảnh trông giống như một công viên thu nhỏ.
Ông N.V.Q., một người dân ở TP. Đồng Hới cho biết: “Chúng tôi bây giờ ai nấy phải tự đi tìm nơi chôn cất người thân rồi, chứ chính quyền không bố trí nữa. Nghĩa trang nghe nói được mở rộng. Nhưng chốn ấy, chúng tôi đâu được phép mơ tới”.
Đi sâu tìm hiểu vấn đề, chúng tôi liên hệ làm việc với ông Mai Xuân Sang, Chủ tịch UBND phường Đồng Sơn. Khi đề cập đến vấn đề nói trên, ông Sang tìm cách né tránh, với lý do… bận họp. Khi chúng tôi xin lịch làm việc vào buổi khác, ông Sang cũng không bố trí, với lý do: “Tôi bận chưa biết đến khi nào mới rảnh đâu, các anh đến lúc khác nhé”. Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Tình, Tổ trưởng tổ dân phố số 9, phường Đồng Sơn cho hay: “Đất mở rộng nghĩa trang trước đây thuộc Lâm trường Đồng Hới; sau đó chuyển giao cho UBND phường Đồng Sơn để làm dự án. Đến bây giờ, quyết định giao đất chưa có nhưng tỉnh đã thông báo cho phường Đồng Sơn triển khai dự án”. |
...
NHÓM PVMT
(Còn nữa)