Chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm- Đại biểu quốc hội, phó chủ tịch Hội đồng trị sự TWGHPGVN, các chư tôn đức tăng ni đại diện TWGHPGVN. Tới dự đại lễ có các đ/c lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo huyện Nghi Xuân, thị trấn Xuân An, nhân dân, phật tử gần xa và các nhà Doanh nghiệp đã phát tâm công đức xây dựng Chùa Phong Phạn.
Chùa Phong Phạn trước đây có tên gọi là Kẻ Lau, là một làng Việt Cổ, theo chữ Hán gọi là xã An Lạc. Cách đây 3 thế kỷ tăng ni phật tử Kẻ Lau- An Lạc đã dựng ngôi Chùa Cổ mang tên Phong Phạn. Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 30- 31, và thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám- 1945, Chùa Phong Phạn là nơi liên lạc và hoạt động Cách mạng bí mật của tổ chức Đảng. Do chiến tranh, thời gian đã làm chùa trở nên hoang phế . Để đáp ứng nguyện vọng của phật tử và quần chúng nhân dân, Chùa Phong Phạn đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Nay khuôn viên Chùa được mở rộng trên 15.000 m2 tại địa bàn thị trấn Xuân An. Năm 2008, gia đình Phật tử Nguyễn Thành Lê ở TP Vinh đã công đức nhà chùa xây dựng 5 gian nhà bằng gỗ, nay là nhà Thánh mẫu. Năm 2010, phật tử Thái Hương- tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á, chủ tịch tập đoàn sữa TH đã công đức 15 tỷ đồng quy hoạch toàn bộ ngôi chùa xây dựng tòa Tam Bảo và hệ thống tượng phật; Phật tử Hoang Văn Vinh- chủ tịch hiệp hội người Việt nam tại Liên bang Nga- người con Nghi Xuân đã công đức xây dựng Cổng Tam quan và đúc Đại Hồng Chung nặng 3.000 kg với tổng giá trị 10 tỷ đồng. Ngoài ra một số Doanh nghiệp và phật tử khác đã công đức pho tượng phật quan thế âm bằng thạch anh, phụ kiện sân vườn…có giá trị hàng tỷ đồng. Sau 2 năm xây dựng, đến nay các công trình Ngôi Tam bảo, Phật quan thế âm bồ tát, nhà thờ Thánh mẫu, Cổng Tam quan, Đại Hồng Chung đã hoàn thành với số tiền gần 35 tỷ đồng.
Tại buổi lễ đ/c Trịnh Xuân Diệu – trưởng ban tôn giáo chính quyền tỉnh Hà Tĩnh- phó giám đốc Sở nội vụ đã phát biểu chúc mừng nhà chùa, tri ân công đức các phật tử đã dành tâm huyết xây dựng ngôi chùa bề thế, khang trang. Đồng chí đã khẳng định những giá trị và ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn và giữ gìn các di tích văn hóa địa phương.
Các công trình này là bước hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 chùa Phong Phạn, tạo nên một hệ thống danh lam thắng cảnh của Nghi Xuân nói riêng, Hà Tĩnh nói chung, góp phần nêu cao truyền thống Phật giáo- Hộ Quốc an dân, thúc đẩy truyền thống tốt đẹp từ bi, trí tuệ và tự tôn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam./.
Thanh Huyền/Nghi Xuân