Khánh Lộc dồn sức về đích nông thôn mới trong năm 2014
Khánh Lộc là xã đồng bằng, cách trung tâm huyện Can Lộc 5 km, có diện tích tự nhiên gần 500 ha, trong đó có 450 ha đất nông nghiệp 450 ha, chiếm gần 73% tổng diện tích; dân số trên 4.700 người, phân bố dân cư không tập trung, trên 70% lao động hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Toàn Đảng bộ có gần 300 đảng viên, sinh hoạt ở 11 chi bộ trực thuộc. 5 năm liên tục, xã Khánh Lộc được đánh giá là một trong những tốp đầu của huyện trên các lĩnh vực. Năm 2013, nhân dân và cán bộ xã Khánh Lộc được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III. Với tiền đề ổn định vững chắc đó, Khánh Lộc đã được lãnh đạo huyện Can Lộc chọn chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) về đích trong năm 2014. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Mai Khắc Tám – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng, xây dựng NTM năm 2013, Khánh Lộc được giao nhiệm vụ dồn sức về đích NTM trong năm 2014. Thay mặt Đảng bộ và nhân dân địa phương, tôi đã đứng ra nhận trọng trách này và nói thật, nếu huyện không giao, tôi cũng sẽ nhận, bởi tôi tin vào khả năng và sức mạnh của sự đồng thuận trong nhân dân xã nhà. Tuy nhiên, đây thực sự là bài toán không hề đơn giản, bởi Khánh Lộc cũng có những cái khó: Tài nguyên thiên nhiên hạn chế, chỉ có ruộng và nước lạnh; là xã độc canh nông nghiệp, thu nhập của người dân còn hạn chế; nguồn thu từ đấu giá đất không còn… rất khó khăn khi thực hiện các tiêu chí về kết cấu hạ tầng nông thôn, nhưng Khánh Lộc sẽ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ này”. Khẳng định của đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc là có cơ sở. Bởi trong những năm gần đây, Khánh Lộc đã có những bứt phá đi lên một cách ngoạn mục: thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 10%, năm 2013 đạt 14,5%; thu nhập bình quân đầu người 25 – 30 đồng/năm; tỷ trọng nông nghiệp trên 45%; tổng sản lượng lương thực trên 3.500 tấn, bình quân lương thực trên 800kg/người/năm. Phong trào nông dân tiến công vào khoa học kỹ thuật, phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Vụ xuân những năm gần đây, bà con nông dân Khánh Lộc đã thực sự nói “không” với các giống lúa dài ngày, năng suất thấp, 100% diện tích gieo cấy lúa nước đã được cơ cấu xuân chính vụ, với những giống lúa ngắn ngày, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao – đây là một trong những thành công lớn, thể hiện sự đổi mới trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Khánh Lộc. Chăn nuôi phát triển toàn diện theo hướng gia trại gắn với việc bảo vệ môi trường nông thôn, toàn xã hiện có trên 300 hộ sử dụng hầm biogas và phát triển chăn nuôi bò với quy mô từ 3 – 4 con; xuất hiện một số mô hình chăn nuôi gà trên thảm sinh học ở các thôn Lương Hôi, Vân Cửu… Tư duy phát triển kinh tế hàng hóa, tiếp cận và mở rộng thị trường, liên doanh liên kết trong sản xuất kinh doanh đã được hình thành và ngày càng được khẳng định, sản phẩm truyền thống rượu nếp Khánh Lộc, nấm Thuận Thăng và một số hàng hóa nông sản của địa phương đã cơ bản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và dần chiếm lĩnh thị trường trong huyện và một số địa phương lân cận. Hệ thống giao thông trong thôn xóm cơ bản đã được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại và trao đổi hàng hóa. Khánh Lộc cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện việc cắm mốc quy hoạch giao thông với tổng số gần 3.000 cọc mốc; hệ thống các trạm bơm, tưới tiêu chủ động hoàn toàn 100% diện tích. Cơ sở vật chất văn hóa không ngừng được đầu tư xây dựng, năm 2013 đầu tư xây dựng 2 nhà văn hóa trị giá gần 4 tỷ đồng, nâng số nhà văn hóa đạt chuẩn lên 8/9 thôn; cơ sở vật chất 2 cấp học đạt chuẩn quốc gia; các công trình hội trường, trụ sở xã, trạm y tế đều đạt chuẩn NTM. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm đầu từ đúng mức: Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn ở các bậc học tiếp tục được khẳng định; trường THCS, TH, MN đều đạt tiên tiến cấp tỉnh và huyện; tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, tring học chuyên nghiệp năm sau cao hơn năm trước; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, dân số – kế hoạch hóa gia đình có nhiều chuyển biến tích cực; đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo từ 10,6% năm 2011 đến nay còn 4,3% theo tiêu chí mới; trên 85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. An ninh – quốc phòng, an ninh nông thôn cơ bản được đảm bảo, các vụ việc phức tạp được giải quyết dứt điểm từ cơ sở, không để phát sinh thành “điểm nóng”. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được coi trọng. Đảng bộ luôn quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện; quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – lấy dân làm gốc, mọi việc từ nhỏ đến lớn, đều được bàn bạc thông suốt trong Đảng, trong dân, từ chủ trương, biện pháp và cách thức thực hiện, nên đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng NTM. Điều đó, thể hiện rất rõ qua kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM trong 3 năm qua của Khánh Lộc. Với tổng nguồn vốn đầu tư gần 105 tỷ, trong đó đầu tư trực tiếp của chương trình gần 4,3 tỷ, còn lại huy động từ ngân sách địa phương và các nguồn khác; riêng số tiền vận động từ nhân dân và con em xa quê đóng góp bằng tiền mặt gần 4,4 tỷ và 18.000 ngày công; hiến gần 1.900m2 đất… để làm mới và nâng cấp kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, tạo cho bộ mặt NTM Khánh Lộc ngày càng khang trang, bề thế và hiện đại. Từ 7 tiêu chí NTM năm 2010, kết thúc năm 2013, Khánh Lộc đã hoàn thành vững chắc 14 tiêu chí và quyết tâm hoàn thành 4 tiêu chí còn lại: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa và văn hóa. Đồng chí Mai Khắc Tám tâm sự: “Những tiêu chí còn lại là rất khó, thời gian về đích NTM được chốt lại trong năm nay, đồng nghĩa với việc số tiền cần huy động trong dân sẽ dồn lại nhiều hơn. Nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã sẽ quyết tâm, khó mấy cũng làm và sẽ làm được. Điều quan trọng ở đây là phải có giải pháp tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhận thức để phát huy sức mạnh nội lực trong nhân dân, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp tỉnh và huyện; huy động các nguồn lực từ các chương trình MTQG, lồng ghép các chương trình dự án; đẩy mạnh công tác đối ngoại, kêu gọi sự ủng hộ của con em xa quê… Nhưng chốt lại, phải xây dựng cho được lòng tin, sự ủng hộ trong nhân dân. Và muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải thực sự là tấm gương tận tụy, cần mẫn, sống và làm việc đều phải đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên, lên trước hết”.