Chăm sóc sức khỏe

Khẩn “cứu” nguồn nước ô nhiễm hồ Bộc Nguyên!

Gia súc chăn thả trong lòng hồ gây ô nhiễm nguồn nước thượng nguồn

Là nguồn cấp nước ngọt cho hàng chục ngàn hộ dân thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận nên nhất cử nhất động của hồ Bộc Nguyên đều khiến dư luận chú ý. Báo Hà Tĩnh cũng không dưới 2 lần phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường ở thượng nguồn hồ chứa này nhưng đến nay vấn đề không những chuyển biến mà còn tiến triển theo chiều hướng xấu hơn…
Khẩn “cứu” nguồn nước hồ Bộc Nguyên!

Cuối thu. Những tia nắng yếu ớt xuyên qua vạt rừng keo hai bên tuyến đường lên đập phụ 2 Kẻ Gỗ – cũng là tuyến đường quen thuộc của CBCNV Nhà máy Nước Bộc Nguyên mỗi lúc lên thượng nguồn kiểm tra chất lượng nước hồ – chốc chốc lại tắt lịm bởi những cơn mưa rào. Lên đến cống lấy nước đập phụ Kẻ Gỗ (vừa được xây dựng để bổ sung nước cho hồ Bộc Nguyên) đã nhác thấy vài chú bò với những bộ lông vàng óng nhởn nhơ gặm cỏ bên mép thượng nguồn Bộc Nguyên. “Đám bò rông này từ mạn dưới của xã Thạch Điền và một số xã lân cận đòi lên. Chúng không thường xuyên lắm do còn phụ thuộc vào tiết trời. Lo ngại nhỡn tiền của chúng tôi là vấn đề dân sinh ở khu vực thượng nguồn hồ kìa”, Giám đốc Nhà máy Nước Bộc Nguyên – Nguyễn Bá Hải vừa chạy xe vừa ngoái đầu lại nói.

Khẩn “cứu” nguồn nước hồ Bộc Nguyên!

Mọi chất thải sinh hoạt và chăn nuôi của các hộ dân vùng thượng nguồn đều chưa qua xử lý mà gián tiếp xả thẳng ra môi trường

Theo điều tra mới nhất của Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh, hiện có 166 hộ dân sinh sống cố định và trồng rừng vùng thượng hồ (xóm Làng Vòng – xã Thạch Điền có 25 hộ sống cố định, 56 hộ nhận đất trồng rừng; xóm Tân Sơn – xã Nam Hương có 85 hộ sống cố định và nhận đất trồng rừng). Các hộ dân đó còn chăn nuôi hơn 300 con trâu bò nhỏ lẻ tại gia đình (trung bình mỗi hộ khoảng 2 – 4 con) và một số loại gia cầm như: gà, vịt, ngan, ngỗng….

Ông Đinh Thể (74 tuổi) nguyên là công nhân Lâm trường Thạch Hà dù đã có nhà cố định ở Thạch Tân (Thạch Hà) nhưng mải yêu cái không khí trong lành vùng thượng nguồn nước này nên dựng thêm một căn nhà nhỏ ở Làng Vòng từ hơn ba mươi năm nay để trồng rừng và chăn nuôi. Sáng sáng, 7 con bò của ông Thể lại thong thả lúc ra mé đồi, khi xuống mép khe gặm cỏ nên “phụ phẩm” chúng thải đâu, bản thân ông Thể cũng không rõ nữa, nhưng ông khẳng định một điều, số phân thải ra trong ràn bò đều được bán lại cho các hộ trồng rừng với giá 500 ngàn đồng/xe công nông. Có điều, lời ông vừa nói hình như không trọng lượng vì cả cán bộ Trạm Bảo vệ rừng số 5 lẫn công nhân nhà máy nước trên này đều nhìn trả tôi bằng con mắt ái ngại.

Khẩn “cứu” nguồn nước hồ Bộc Nguyên!

Ông Thể nói vậy nhưng ở đây ai cũng biết một sự thật hiển nhiên là chất thải từ sinh hoạt cá nhân hay chăn nuôi gia súc, gia cầm đều không qua xử lý tự hoại hoặc hầm chứa biogas mà cứ thể xả thẳng ra môi trường rồi thẩm thấu hoặc trôi theo dòng nước mưa vào lòng hồ với lưu lượng lớn.

Tiếp tục vào sâu khu dân cư Làng Vòng trên tuyến đường 21, 22 của chiến trường xưa và nay đã bê tông phẳng lỳ nhưng chi chít vũng lầy đen đúa, hôi thối, càng thấy lo ngại mà Công ty TNHH MTV Cấp nước và Xây dựng Hà Tĩnh “sốt ruột” nguyên cả năm nay cần sớm được xử lý dứt điểm. Mùa mưa đã cận kề nên không khí thu hoạch sản phẩm từ rừng nguyên liệu cũng khẩn trương hơn. Điều buồn là người dân chất đống hết keo lại tràm hai bên lề đường rồi ung dung thuê người bóc tách và mặc nhiên vứt bỏ chúng ở đó cho thối rữa thành những vũng mùn đen hôi.

Khẩn “cứu” nguồn nước hồ Bộc Nguyên!
Khẩn “cứu” nguồn nước hồ Bộc Nguyên!

Vỏ keo sau khi bóc tách không được tiêu hủy mà chất đống bên đường…

Bà Nguyễn Thị Bảy, một người dân Làng Vòng, vừa là chủ nhân của vài ha keo lại vừa là lao động làm thuê cho các chủ rừng khác trong làng, đang cùng đứa con gái chừng tuổi trăng rằm đang hì hục với chiếc dao quắm sắc ngọt trên tay thoăn thoắt gọt đẽo những thân cây đã chặt phăng gốc, ngọn, chẳng màng khách lạ vây hỏi, nhưng cũng không đến nỗi kiệm lời: “Mẹ con tôi nhận bóc chuyến (xe) keo này (cỡ 18 tấn) với giá một triệu đồng. Phải những 3 ngày may ra xong. Thong thả nên lấy công làm lãi chứ biết làm gì hơn”.

Khẩn “cứu” nguồn nước hồ Bộc Nguyên!

… lâu ngày phân hủy thành những vũng bùn đen, hễ có mưa lại “tuồn” xuống thượng nguồn hồ Bộc Nguyên

Đối diện với đống keo bà Bảy bóc là những vũng nước đen ngòm vừa được trận mưa rào làm sống lại từ đống vỏ cây thối rữa suốt nhiều tháng trời. Lớp vỏ cũ vừa thâm lớp vỏ mới lại xếp chồng lên nối dài cả cây số, nhiều đoạn đùn đống như đống rơm chực chờ trời mưa để kéo nhau luồn qua bờ rậm, rồi chảy xộc xuống hồ. Minh chứng rõ nhất cho những ai thường qua lại khe Thình Thình (lưu vực đổ vào hồ Bộc Nguyên) là dù thượng nguồn không mưa nhưng giữa dòng, nước luôn vàng quánh, hai bên mép lại đen ngòm.

Khẩn “cứu” nguồn nước hồ Bộc Nguyên!

Dù thượng nguồn không mưa nhưng giữa dòng, nước Khe Thình Thình luôn vàng quánh

Thượng nguồn Bộc Nguyên dường như chỉ dành cho keo lai vì ngước đâu cũng thấy một màu xanh như ngọc. Ông Lê Việt Hùng – Trưởng Trạm Bảo vệ rừng số 5 (Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ) khẳng định thêm cho cảm nhận của tôi khi cho biết, keo ở đây hình như thu hoạch sớm hơn nhiều nơi khác vì chúng rất hợp với tiểu khí hậu mát mẻ của vùng Kẻ Gỗ – Bộc Nguyên. Chức năng chính của trạm là bảo vệ rừng nhưng đơn vị cũng tranh thủ trồng thêm 24 ha, trong đó phân nửa là keo, còn lại là lim xanh.

Khẩn “cứu” nguồn nước hồ Bộc Nguyên!

Nhiều diện tích cao su mới trên vùng thượng nguồn hồ Bộc Nguyên gây lo ngại cho đơn vị quản lý nguồn nước hồ

Hay rằng, trước nay, vùng thượng nguồn hồ Bộc Nguyên chủ yếu là keo, thông và thảm thực vật tự nhiên, nhưng gần đây có thêm 60 ha cây cao su của Công ty cổ phần Việt Hà cũng được dự báo tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm. Ngoài cao su, đơn vị này cũng tranh thủ trồng thêm 100 ha keo và đang tiếp tục trồng trên 650 ha đã cấp. Phải không, lượng phân gia súc mấy con bò nhà ông Thể thải ra được phục vụ cho “nông trường” này?! “Đó đều là những con số đáng lo. Bởi, ngay như Trạm Bảo vệ rừng số 5 cũng đang chuẩn bị cho việc trồng 12 ha lim xanh (loài cây được cho là độc, không tốt với môi trường) vùng thượng nguồn Bộc Nguyên thì còn gì nói nữa”, Giám đốc Nhà máy nước Bộc Nguyên, buồn nói.

Ông Nguyễn Bá Hải cho biết thêm, mấy năm nay, năm nào chúng tôi cũng đề nghị Công ty làm văn bản gửi UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng và chính quyền các địa phương vào cuộc thực sự để “cứu nguy” nguồn nước ngọt vô giá cho thành phố và các đô thị lân cận không chỉ cho hiện nay mà còn nhiều năm về sau.

Khẩn “cứu” nguồn nước hồ Bộc Nguyên!

Đã có khá nhiều cuộc họp mổ xẻ tình trạng ô nhiễm thượng nguồn Bộc Nguyên nhưng hiệu quả chưa như mong muốn

“Trước mắt, chúng tôi sẽ chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp, cá nhân tập trung vào việc xử lý ô nhiễm do vỏ cây keo, tràm tồn lưu trên tuyến giao thông vùng thượng nguồn. Về lâu dài, đề nghị huyện Thạch Hà chỉ đạo các xã: Nam Hương, Thạch Điền tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ môi trường nguồn nước hồ như: không vứt vỏ cây bừa bãi, xử lý chất thải chăn nuôi, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (trừ sâu, diệt cỏ); Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác lâm sản và trồng rừng chọn loại cây phù hợp, bón các loại phân hóa học được chỉ định không gây hại môi trường nước sạch của hồ. Phải có chế tài thực sự chứ kiểu “đá ném ao bèo” thế này thì rất khó triệt để”.

Thượng nguồn ô nhiễm dưới nguồn lo! Đã đến lúc các ngành chức năng Hà Tĩnh cùng chính quyền các địa phương huyện Thạch Hà phải “xắn tay” hành động để trả lại sự trong lành vốn có cho môi sinh, môi trường thượng nguồn hồ Bộc Nguyên nhằm bảo toàn nguồn nước ngọt trước tốc độ đô thị hóa đang diễn ra hết sức mau lẹ của thành phố Hà Tĩnh và các vùng phụ cận.

Hải Nguyễn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP