Chính vì vậy, trong những ngày gần đây lượng khách hàng đổ về các điểm giao dịch của nhà mạng này tăng đột biến. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có nhiều khách hàng có sự nhầm lẫn về thông tin, thường rơi vào những khách hàng lớn tuổi.
Cũng đến bổ sung thông tin thuê bao, tuy nhiên sau khi được nhân viên tiếp nhận và kiểm tra trên hộ thống, ông Hoàng Văn Kiều mới biết được rằng thuê bao của mình là thuê bao trả sau. Nguyên nhân ông không thực hiện được cuộc gọi vì vẫn nợ cước chưa thanh toán.
Tại điểm giao dịch của Viettel trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy- Hà Nội) bà Nguyễn Vân Anh cũng đến đây từ sớm để phản ánh về việc thuê bao của mình đã bị chặn một chiều.
Tuy nhiên, bà Vân Anh cũng như nhiều khách hàng khác thực chất khi thực hiện các cuộc gọi đi thì nhận ngay thông báo của nhà mạng trước khi được nối máy đến thuê bao ở đầu dây bên kia.
Lượng khách hàng đến bổ sung thông tin tăng đột biến tại một điểm giao dịch.
Giải thích về sự nhầm lẫn này của khách hàng, đại diện Viettel cho hay, nguyên nhân của tình trạng này do khách hàng không nghe hết nội dung thông báo, trong đó đã thể hiện “Cuộc gọi của quý khách sẽ được tiếp tục sau khi kết thúc bằng thông báo này…”, sau đó mới có yêu cầu đề nghị khách hàng bổ sung thông tin thuê bao để không bị tạm ngưng dịch vụ một chiều. Tuy nhiên nhiều khách hàng chỉ nghe được thông tin sau mà không nghe được thông báo trước đó.
Theo bà Mai Thị Thu Huyền, cửa hàng trưởng cửa hàng Viettel trên đường Hoàng Quốc Việt, trước thời điểm khóa một chiều với khách hàng chưa bổ sung thông tin (2-6), lượng khách đến đăng ký tăng đột biến: “Thông thường mỗi ngày trung bình chúng tôi tiếp nhận khoảng 500 lượt khách hàng. Ngày cao điểm, chúng tôi phải huy động thêm 16 cộng tác viên để hỗ trợ bổ sung thông tin cho các thuê bao”, bà Huyền cho hay,
Trước đó, nhà mạng VinaPhone cũng ra thông báo cho biết, kể từ 16-5, nhà mạng này sẽ tiến hành khóa SIM theo đúng quy trình thông báo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Như vậy, các SIM chưa chuẩn hóa thông tin cũng có thể bị khóa một chiều từ những ngày đầu tháng 6 năm nay.
Theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 24/4/2017. Sau 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định này.
Một số hình ảnh tại các điểm giao dịch
Những người lớn tuổi đến bổ sung thông tin được ưu tiên thực hiện sớm.
Rất nhiều khách hàng trẻ tuổi khi đến điểm giao dịch mới được hướng dẫn có thể thao tác trên ứng dụng My Viettel. Trong ảnh, một khách hàng tự bổ sung thông tin qua ứng dụng.
Nhiều điểm giao dịch phải huy động nhiều cộng tác viên tham gia hỗ trợ.
Nhân viên Vietel bổ sung thông tin cho khách hàng thông qua ứng dụng có sẵn.
Lượng khách tăng đột biến, nhiều nơi không còn chỗ ngồi cho khách hàng, các cộng tác viên có thể hỗ trợ ở bất kỳ đâu.
Không chỉ nhân viên, nhiều cán bộ của Viettel cũng tham gia hỗ trợ khách hàng.
Tác giả: Viết Thịnh
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM