GS. Nguyễn Nguyên Khôi, nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, sự cố chạy thận nghiêm trọng khiến 8 người tử vong ở Hòa Bình thực sự đau xót. Đây là sự cố chưa từng có trong lịch sự lọc máu ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Theo GS. Nguyễn Nguyên Khôi, liên quan đến vụ việc của bác sỹ Hoàng Công Lương, cần phải làm sáng tỏ một số vấn đề là: Quy trình rửa hệ thống thẩm thấu ngược bằng Axit Flohydric do ai đề xuất, cơ quan nào thông qua? Kiểm tra tồn dư hóa chất bằng cách nào? Ai cung cấp loại hóa chất này, loại dược dùng hay công nghiệp? Ai chịu trách nhiệm kiểm tra sự việc này. Về phía bệnh viện, ai nắm được quy trình này? Quy trình này đã thông qua những ai? Công ty Thiên Sơn có nắm được quy trình này không? Quy trình này được áp dụng ở những nơi nào?
GS. Nguyễn Nguyên Khôi cho rằng, không thể kết luận bác sĩ Lương thiếu trách nhiệm. (Ảnh: KT) |
Là chuyên gia đầu ngành về chạy thận nhân tạo ở Việt Nam, GS. Nguyễn Nguyên Khôi khẳng định, chưa bao giờ biết và phổ biến quy trình xử lý máy RO bằng axit Flohydric.
“Những ngày đầu tiên chúng tôi làm, mọi quá trình chúng tôi đều phải tự làm. Nhưng chưa bao giờ sử dụng axit flohydric làm sạch hệ thống thẩm thấu ngược. Tại sao lại đem sử dụng chất cực độc trong quá trình này, không hề có 1 quy trình nào như thế, ai cho phép”- GS. Nguyễn Nguyên Khôi cho biết.
Cũng theo GS. Nguyễn Nguyên Khôi, ở góc độ khách quan, nếu bác sĩ Lương có kiểm tra hệ thống lọc nước RO cũng không thể kiểm tra vì không được đào tạo, không có kiến thức cũng như không có trang thiết bị chuyên ngành.
“Bác sỹ Lương chắc chắn là không biết quy trình này. Hoặc nếu biết thì phải có phương tiện xác định được chất này còn hay không còn, nhưng không có cái gì để xác định được chất độc này còn hay không còn cả”- GS. Nguyễn Nguyên Khôi nói.
Cũng theo GS. Nguyễn Nguyên Khôi, khi xảy ra sự cố, bác sĩ Lương đã tham gia tích cực cấp cứu cho bệnh nhân. Vì vậy, không thể kết luận bác sĩ Lương thiếu trách nhiệm.
Về nguyên nhân tử vong của 8 bệnh nhân, qua giám định pháp y tử thi, cả 8 bệnh nhân đều bị ngộ độc florua. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ chất này trong các mẫu được xét nghiệm cao gấp 245 - 260 lần cho phép, khiến cho các bệnh nhân bị ngộ độc dẫn đến tử vong.
Ông Nguyễn Huy Quang, Hội Luật gia Bộ Y tế nêu rõ, nguyên nhân chính là do bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lọc nước RO làm chất bị đưa vào nhưng không được khử khuẩn sạch theo đúng quy định, chứ không phải do y lệnh điều trị của bác sỹ Lương dẫn đến người bệnh tử vong. Do đó, chủ thể của tội danh này phải là người có trách vụ quyền hạn, liên quan trực tiếp đến sửa chữa hệ thống lọc nước.
Ngày 7/5/2018, sẽ xét xử sơ thẩm vụ án sự cố chạy thận ở Hòa Bình. (Ảnh: KT) |
Theo ông Nguyễn Huy Quang, bác sỹ Lương chỉ được đào tạo về kỹ thuật lọc máu chứ không nói là được đào tạo về việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế.
“Bác sỹ Lương được đào tạo để cấp cứu, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh còn việc bảo dưỡng, mua sắm, bảo trì thiết bị do bộ phận quản lý trang thiết bị của bệnh viện quản lý. Chính vì việc đó nên bác sỹ không phải là người chịu trách nhiệm về chất lượng của trang thiết bị, chất lượng của thuốc, chất lượng vật tư y tế. BS Lương càng không phải là đồng phạm với bác sỹ Sơn”- ông Nguyễn Huy Quang cho biết.
Ông Nguyễn Huy Quang cho rằng, tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với bác sĩ Hoàng Công Lương là chưa thoả đáng, chưa thuyết phục. Ông Nguyễn Huy Quang đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật cân nhắc các nguyên nhân chủ quan, khách quan, nghiên cứu xét xử, phạt đúng người, đúng tội./.
Tác giả: Thy Hạt
Nguồn tin: Báo VOV