Pháp luật

Kế hoạch tàn độc của người cha giết bé trai 4 tuổi vì nghĩ không phải con mình

Hình ảnh người mẹ bế đứa con 4 tuổi nằm im lìm trên tay hớt hải vừa chạy về kêu khóc: "Các bác ơi, con cháu bị điện giật chết rồi!" chắc sẽ còn lâu lắm mới nhạt đi trong tiềm thức của những người dân xã Nam Hải (huyện Tiền Hải, Thái Bình).

Người phụ nữ bất hạnh ấy là chị Lê Thị Dung, 39 tuổi, còn cháu nhỏ bị tử vong là Lê Hữu Tường, 4 tuổi, con chị Dung và một người đàn ông tên là Đặng Thanh Tuyền, 49 tuổi, trú tại thôn Hợp Châu, xã Nam Thịnh, cùng huyện Tiền Hải.

19h ngày 19-2, Công an huyện Tiền Hải nhận được tin báo, đã tiếp cận hiện trường và báo cáo về Ban giám đốc Công an tỉnh Thái Bình. Vì gia đình nạn nhân báo rằng đây là vụ cháu bé bị tai nạn điện giật nên theo sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, Phòng Kỹ thuật hình sự, Văn phòng cơ quan CSĐT đã xuống hiện trường, phối hợp với Công an huyện Tiền Hải khám nghiệm hiện trường, tử thi và lấy lời khai nhân chứng.

Đối tượng Đặng Thanh Tuyền tại cơ quan điều tra.

Ngày hôm sau, Đại tá Nguyễn Đình Trung, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đã yêu cầu các đơn vị tham gia khám nghiệm, điều tra ban đầu báo cáo kết quả. Kết quả khám nghiệm tử thi xác định, nạn nhân bị chết do điện giật.

Thời điểm cháu bị giật không ai biết vì mẹ cháu đi vắng, khóa cổng và cài cửa ra vào, bên trong chỉ có bố của cháu bé là Đặng Thanh Tuyền (sống không hôn thú với chị Dung) và cháu Tường. Theo Tuyền khai, Tuyền ngủ trên giường, khi tỉnh dậy thì đã thấy cháu Tường bị điện giật, ngồi dựa vào tường. Tuyền đã bế cháu lên giường, rồi gọi điện cho chị Dung.

Cả gia đình và chính mẹ cháu bé cũng cho rằng cháu bị tai nạn điện giật do nghịch vào chiếc đui đèn không có bóng để ở khe giữa kệ đựng ti vi và tường. Chị Dung cho biết, cháu Tường rất nghịch, có lần cháu đã kê ghế để đứng lên cắm phích điện đèn ở phía trên cao… Ngay lúc đầu, chị và mọi người cũng không muốn phẫu thuật tử thi, muốn mọi chuyện kết thúc bằng chữ số phận và tai nạn đáng tiếc.

Nếu nhìn sơ bộ những kết quả điều tra ban đầu như trên, có thể kết luận đây là vụ tai nạn do điện giật. Nhưng, với kinh nghiệm và sự tư duy nghiệp vụ của Đại tá Nguyễn Đình Trung, ông đã đặt ra một loạt câu hỏi cho các cấp dưới của mình: Chiếc đui đèn không bóng ở đâu ra?

Nếu nó là cái đui mắc bóng đèn để ở lỗ thông hơi giữa hai gian (ngủ và khách) của nhà chị Dung (như các cán bộ lấy lời khai của chị Dung) thì vì sao nó lại tháo rời giữa bóng và đui, đồng thời lại đặt ở phía dưới, giữa khe của kệ ti vi? Nếu là do cháu bé kéo xuống thì phải có vết trượt của dây trên bức tường bám khá nhiều bụi của gia đình chị Dung? Vậy ai là người đặt chiếc đui điện làm bẫy cho cháu Tường gặp nạn?

Từ những nghi vấn và phương án đấu tranh do đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh đặt ra, lực lượng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã trưng tập vào cuộc. Trực tiếp Thượng tá Nhâm Ngọc Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, chỉ đạo các trinh sát, điều tra viên cẩn trọng xem xét lại hiện trường và tiến hành lấy lời khai của những người liên quan.

Đối tượng Đặng Thanh Tuyền được các trinh sát cho vào vòng ngắm, nhưng động cơ gì khiến Tuyền sát hại chính con ruột của mình? Đây cũng là câu hỏi đau đầu cho các trinh sát, điều tra viên của Phòng Cảnh sát hình sự. Bởi người ta nói “hổ dữ không ăn thịt con”, những người xung quanh nhà chị Dung thì cho rằng, Dung và Tuyền yêu thương nhau, giữa hai người không có mâu thuẫn gì.

Vậy vì sao? Câu hỏi này trở đi trở lại trong suy nghĩ, trong trao đổi và trong cả những cuộc họp án từ Đại tá Nguyễn Đình Trung đến Thượng tá Nhâm Ngọc Bình và các cán bộ điều tra của mình. Và một phương án rà soát thật kỹ, thật rộng về mối quan hệ của Tuyền đã được tiến hành. Theo các thông tin được tìm hiểu rất thận trọng báo về từ các mũi trinh sát. Ban chuyên án đã bắt đầu vén được bức màn bí mật trong mối quan hệ giữa Tuyền- Dung và cháu Tường.

Tuyền làm nghề lái xe đường dài. Do mâu thuẫn vợ chồng nên hai vợ chồng đã ly hôn, 2 đứa con ở cùng mẹ là chị Trần Thị Na. Cuối năm 2013, Tuyền cặp với chị Dung, làm nghề bác sỹ thú y, cũng đã qua một đời chồng. Tuyền có về nhà chị Dung ở nhưng không thường xuyên vì anh ta hay đi lái xe các tuyến tỉnh. Cuối năm 2014, chị Dung sinh cháu Tường.

Thế nhưng, giai đoạn Tuyền đã ngãng ra trong mối quan hệ với chị Dung nên không còn đến nhà chị Dung nhiều, vì thế trong lòng anh ta nghi ngờ cháu Tường không phải con của mình. Tuy nhiên, Tuyền là người kín tiếng, bên ngoài anh ta không thể hiện gì nhưng không có trách nhiệm đóng góp chăm sóc cháu.

Từ năm 2015 đến cuối năm 2017, Tuyền quay lại sinh sống với chị Na và gia đình cũ. Anh ta có ý định tái hôn với chị Na. Nhưng chị Dung không muốn, có lẽ vì chị quá yêu Tuyền, vì chị muốn con trai mình có bố và được thừa nhận.

Thế là, chị tìm cách chứng minh thân phận của hai mẹ con, đưa cháu Tường đến gặp mọi người trong gia đình Tuyền, thậm chí đưa cả cháu đến gặp chị Na, vợ cũ của Tuyền, công khai cháu là con của Tuyền… Bực tức về chuyện này, khoảng tháng 9-2017, chị Na đã không cho Tuyền ở cùng nữa. Bản thân Tuyền lúc này càng muốn cắt đứt mối quan hệ với chị Dung.

Tuyền bỏ đi làm ở Quảng Ninh, cắt đứt mối liên hệ với mẹ con chị Dung. Có một lần duy nhất chị Dung gọi điện thoại Tuyền bắt máy, nhưng chỉ nói gọn lỏm: "Chúng ta không quan hệ với nhau nữa, vì chẳng đến cái gì đâu". Nhưng chị Dung vẫn tiếp tục đưa cháu Tường đến gia đình Tuyền. Những việc làm của chị Dung khiến Tuyền rất khó chịu…

Hiện trường chỗ cắm điện.

Ngày 29 Tết, Tuyền mới trở về nhà anh trai ở xã Nam Thịnh ăn Tết. Nhưng đến tối 30 Tết, chị Dung với cháu Tường đã có mặt, ép Tuyền về nhà mình ăn Tết với hai mẹ con.

Sau khi đã phát hiện những mâu thuẫn ngấm ngầm trong mối quan hệ mà mọi người tưởng rằng êm đẹp, yêu thương giữa Tuyền và mẹ con chị Dung, các trinh sát, điều tra viên đã củng cố chứng cứ để đấu tranh với nghi can số 1 trong vụ làm cháu bé bị điện giật chết chính là Đặng Thanh Tuyền.

Nhưng đấu tranh với Tuyền là cả một bài toán. Liên tục trong nhiều ngày khi được triệu tập lấy lời khai, Tuyền một mực khai không biết gì cả.

- Cháu Tường bị điện giật như thế nào?

+ Tôi không biết, lúc đó tôi đang ngủ.

- Vì sao có cái đui đèn không bóng ở chỗ khe của kệ ti vi và tường?

+ Tôi không biết, tôi không bao giờ để ý chuyện điện nước nhà cô Dung.

- Sao anh phát hiện cháu Tường bị điện giật chết không hô hoán lên?

+ Tôi không hô hoán được vì mẹ cháu đã chốt then cửa bên ngoài và khóa cổng…

Anh ta cứ một mực với câu trả lời "không biết" như thế….

Nhưng sau khi đã thu thập được các tài liệu chứng minh động cơ gây án của Tuyền, với chứng cứ tại hiện trường chứng tỏ có bàn tay của người lớn trong việc tháo bóng đèn, đưa dây đui điện xuống tầm tay cháu Tường và các tài liệu, chứng cứ khác.., trực tiếp Đại tá Nguyễn Đình Trung và Thượng tá Nhâm Ngọc Bình vào lấy lời khai của Tuyền. Và Tuyền đã không thể tiếp tục điệp khúc không biết khi đối mặt trực tiếp với những người chỉ huy có quá nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác đối tượng gây án.

Theo lời khai của Tuyền, anh ta đã sẵn khó chịu vì cách ứng xử của chị Dung và bị ép buộc về nhà chị Dung ăn Tết. Sáng mùng 1, Tuyền cùng mẹ con chị Dung về chúc Tết bố mẹ chị Dung, từ đó đến mùng 4 Tết, Tuyền chỉ ở nhà.

Tuyền muốn về bên nhà mình ở Nam Thịnh chúc Tết họ hàng cũng không được vì Dung không nghe và không cho Tuyền về, lại cứ để cháu Tường cho Tuyền trông. Thêm tâm trạng bị vợ cũ khi Tuyền gọi điện chúc Tết mắng chửi là "đồ đểu, đồ khốn nạn", trong lòng Tuyền thấy ấm ức, buồn chán.

Chiều mồng 4 Tết, chị Dung đi chúc Tết, để cháu Tường ở nhà cho Tuyền trông, chốt then cửa ngoài và khóa cổng. Chị cứ nghĩ để đứa con níu kéo được người bố ở lại nhưng chị không ngờ được rằng trong lòng Tuyền lâu nay vẫn nghi ngờ cháu Tường không phải con anh ta. Bây giờ bị ép buộc vào mối quan hệ này, trong lúc gia đình vợ cũ từ chối, Tuyền cảm thấy bế tắc và cho rằng chính cháu Tường là nguyên nhân anh ta bị ràng buộc với chị Dung.

Thế là, Tuyền nghĩ đến chuyện sát hại cháu Tường bằng điện!

Tuyền rút phích cắm của đoạn dây điện màu đỏ, dài khoảng 1m, có một đầu nối với đui điện có lắp bóng vắt qua lỗ ánh sáng của hai buồng. Tuyền tháo bóng đèn ra, để trên lỗ thông sáng và lấy đoạn dây điện này xuống.

Sau đó, Tuyền cắm điện, rồi nhét cả ổ cắm và đoạn dây điện (có phần đui điện lỗ có ren xoắn) vào khe giữa kệ ti vi và tường giáp buồng. Vì anh ta biết rằng cháu Tường rất nghịch ngợm, nhìn thấy đui đèn đúng tầm tay chắc chắn cháu sẽ nghịch vào.

Lúc đó nhà mất điện, Tuyền vào trong giường nằm chờ, còn cháu Tường vẫn chơi loanh quanh ở gian ngoài. Sau đó, Tuyền thiếp đi. Hơn 17h, Tuyền tỉnh dậy, đã thấy cháu Tường ngồi dựa lưng vào tường, đầu ngả sang trái, cạnh cửa buồng, mắt nhắm, hai tay buông thõng, tay trái cháu cầm đui bóng điện…. Anh ta biết cháu đã bị giật bởi cái bẫy của mình.

Tuyền rút phích điện ra, bế cháu Tường lên giường, giả vờ đắp chăn, xoa dầu cho cháu. Nghĩ cháu đã chết, anh ta gọi điện cho chị Dung về… Trong lúc mọi người đưa cháu Tường đi cấp cứu thì ở nhà chị Dung, Tuyền đã cắm lại phích cắm có đui bóng điện vào ổ điện đặt tại khe giữa chân ti vi và tường giáp buồng với mục đích che giấu hành vi phạm tội của mình.

Một ngày cuối tháng 3-2018, chúng tôi đã được giáp mặt Tuyền khi anh ta được đưa ra cho các điều tra viên lấy lời khai. Tuyền có độ lỳ của một người từng trải, của người bôn ba nay đây mai đó. Anh ta một mực cho rằng cháu Tường không phải con mình, anh ta sát hại cháu vì quá ức chế khi bị chị Dung dùng cháu ép buộc Tuyền về sống chung.

- Có thời gian nghĩ lại những việc đã làm, điều anh ân hận nhất là gì?

+ Tôi ân hận vì bây giờ bản thân lại phải vào tù.

Không một lời xót thương dành cho cháu bé vô tội!

Và ngay lúc đó, chúng tôi nhận được tin đã có kết quả giám định ADN của cháu Tường và Tuyền: Tuyền chính là cha đẻ của cháu bé. Thật đau xót cho bé Tường khi bị chính cha đẻ của mình tước đi mạng sống. Lúc đó, chúng tôi chỉ muốn quát vào mặt Tuyền về kết quả giám định ADN, nhưng lại thôi, bởi theo các thủ tục tố tụng, sẽ đến lúc anh ta phải đối diện với sự thật này, phải day dứt, đau khổ vì sự thật này!

Tác giả: T. Hòa- X.Mai

Nguồn tin: Cảnh sát toàn cầu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP