Làng Ích Hậu đang gấp rút hoàn thiện các tiêu chí.
“Làng ăn xin” đã gắn với xã Ích Hậu (trước đây là xã Hậu Lộc, huyện Can Lộc) hàng chục năm về trước khi mà cuộc sống của người dân nơi đây khổ cực, bần hàn do nghề nông thất bát buộc một số người dân tha hương làm nghề hành khất, kiếm miếng cơm, manh áo để chống đói.
Những ký ức về cái thời phải đi xin từng bữa để sống qua ngày vẫn còn hằn sâu trong tâm trí cụ Nguyễn Văn Nhoãn (85 tuổi, thôn Ích Mỹ). Những năm 2000 trở về trước, cuộc sống khổ cực, đói kém cứ đeo bám người dân Ích Hậu.
“Khi đó, gần như cả làng này đi ăn xin, chỉ còn lại vài hộ là không đi, nhà tui cũng phải đi ăn xin. Vào những năm đấy công việc sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, trời cho thì có ăn, trời không cho thì phải chịu, vì vậy có khi củ khoai, củ sắn cũng không có mà ăn”, cụ Nhoãn nhớ lại.
Ngày nay, thay vì đi ăn xin thì người dân ở đây đi xuất khẩu lao động, vào miền Nam làm thuê và nhất là nghề buôn bán, thương mại được chú trọng phát triển đã đưa Ích Hậu bước sang một trang mới.
Chứng kiến những đổi thay của Ích Hậu hôm nay, những người phải tha hương cầu thực như cụ Nhoãn không khỏi xúc động, ngỡ ngàng. Ở Ích Hậu bây giờ nghề ăn xin đã chấm dứt hoàn toàn, thay vào đó là cuộc sống no ấm, đủ đầy.
“Tháng 8/2015, tỉnh đánh giá Ích Hậu được 13 tiêu chí, còn theo đánh giá của xã thì hiện nay đã được 16 tiêu chí, đến tháng 11 tỉnh sẽ đánh giá lại nhưng chắc chắn xã chúng tôi sẽ đạt được 19/19 tiêu chí, kể cả tiêu chí riêng của Hà Tĩnh là xây dựng khu dân cư kiểu mẫu”, đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Quân – Chủ tịch UBND xã Ích Hậu.
Điểm nhấn của Ích Hậu trong xây dựng NTM là ưu tiên những tiêu chí gắn với lợi ích của dân. Điều đó được thể hiện rõ nét ở tiêu chí hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, thủy lợi, chợ, hình thức tổ chức sản xuất…Những tiêu chí này là khó nhất, tốn nhiều tiền nhất nhưng Ích Hậu lại hoàn thành trước và vượt mức so với quy định, điều đó đã thể hiện cách làm hay, sáng tạo của Ích Hậu.
Trong huy động sức dân, Ích Hậu có cách làm khác so với những địa phương khác và chính điều này đã huy động được tối đa sức dân trong xây dựng NTM. Đó là, những hộ nào không phải giải tỏa, không phải hiến đất thì góp tiền hỗ trợ những hộ đã hiến đất làm hàng rào. Khi làm đường, bà con nhân dân tự đóng góp tiền và ngày công, tự quyết toán, tự giám sát, nhà nước hỗ trợ xi măng, xã hỗ trợ đá, cát. Vì vậy mà tiêu chí giao thông của Ích Hậu đạt 81%, thủy lợi đạt 91%, cơ sở vật chất văn hóa hết sức hiện đại.
“Thương mại dịch vụ là nguồn thu chủ yếu của xã, mặt khác, lực lượng lao động ở nước ngoài cũng hỗ trợ xã rất nhiều. Hiện tại trong xã đang có khoảng 60 người xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cho thu nhập rất khá. Những năm gần đây người dân trong xã qua Thái Lan làm thuê cũng đông, có thời điểm 600 – 700 người, còn lao động vào miền Nam có khoảng 700 – 800 người. Nói chung Ích Hậu có 8.300 dân thì chỉ có 6.000 người ở nhà, còn lại đi làm ăn xa. Chính lực lượng này đã góp phần làm thay đổi diện mạo của Ích Hậu hôm nay” – Ông Quân chia sẻ.
Những bước đi, cách làm đúng đắn của chính quyền xã đã đưa Ích Hậu gần “đáp đích” NTM, điều đáng ghi nhận là cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một đổi thay. Vừa qua, xã đã làm khảo sát ngẫu nhiên 2.100 người đánh giá về sự hài lòng của nhân dân về NTM thì kết quả có 81% người tỏ ra rất hài lòng. Điều đó chứng tỏ NTM đã đưa lại những lợi ích thiết thực và được người dân trân trọng.
Hạnh Nguyên / Đại Đoàn Kết