Di tích - Thắng cảnh

Huyền thoại làng K130

Ðồng chí Nguyễn Hồng Thanh, Bí thư Ðảng ủy xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đưa chúng tôi về thăm làng K130, nơi khởi nguồn của câu chuyện huyền thoại. Trên đường đi, tôi mới biết đồng chí Thanh là người làng K130, cũng tham gia vào “kỳ tích” của người dân làng mình trong ngày 13-8-1968 hào hùng ấy. Với thành tích đó, làng K130 đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cách mạng chống Mỹ, cứu nước.

hatinh24h

Những nhân chứng sống của câu chuyện hơn 40 năm về trước đã lần lượt nằm xuống, người còn lại phần lớn cũng đã bước qua tuổi “cổ lai hy”. Cụ Trần Ðình Trọng, nguyên Chủ tịch UBND xã Tiến Lộc, năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhớ lại: “Ngày 13-8-1968, chính xác là khoảng chín giờ sáng, tôi nhận được giấy báo lên huyện họp khẩn với nội dung bảo đảm an toàn giao thông. Báo lại với đồng chí Bí thư Ðảng ủy xã, tôi nhảy lên xe đạp, vừa đạp vừa vác xe bởi con đường ngày đó bị bom Mỹ quần nát. Hơn một giờ sau, tôi đến nơi, thì các đồng chí trong Ban an toàn giao thông tỉnh, các đồng chí lãnh đạo huyện, binh trạm giao liên đã ngồi chờ sẵn. Ðợi tôi ngồi xuống ghế xong, đồng chí Ðạt, Trưởng Ban an toàn giao thông tỉnh nói ngay:  Tình hình chiến trường phía nam hết sức cấp thiết, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển hàng chi viện. Nhưng hiện nay tuyến đường chính bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt. Ðường hỏng, xe tắc, khắc phục rất khó khăn. Có rất nhiều chuyến xe đang nằm chờ đường thông mà nếu bị lộ thì thiệt hại sẽ rất lớn. Trên đã tính toán và đề nghị mở một tuyến đường tránh, tuyến đường này chạy qua làng Hạ Lội, thuộc xã Tiến Lộc. Việc này cần nhanh chóng và bí mật. Các đồng chí cho ý kiến. Chưa kịp nói thì đồng chí Chỉ, lúc đó là Chính ủy Binh trạm giao liên nói tiếp: Việc này là yêu cầu hết sức cấp bách, làm đường qua làng là bà con phải dời nhà, dời làng. Cần phải được sự đồng tình của bà con Hạ Lội, đồng chí Chủ tịch xã xem có thể làm được không. Nghe nói đến đó, tôi đứng bật dậy, nói ngay: Các đồng chí chưa hiểu bà con Tiến Lộc rồi, việc chi chứ hy sinh cho độc lập, tự do thì bà con không tiếc thứ chi mô. Dù có phải dời nhà chứ có lấy cả nhà làm đường cũng xong ngay thôi.

Nghe tôi nói vậy, vẻ mặt các đồng chí ngồi đó bớt căng thẳng. Tuy vậy, đồng chí Chỉ vẫn cẩn thận nói thêm: Ðồng chí Trọng về phải họp dân, lấy ý kiến của bà con, nhưng cần truyền đạt rõ yêu cầu của kháng chiến, của cách mạng. Có gì báo lại ngay. Tôi đứng dậy nói ngay: Tôi về họp dân, nhưng báo trước là các đồng chí cứ chuẩn bị lực lượng tiến hành làm đường ngay. Hết.

Thế là tôi lại lao về xã, nắm cơm để ăn trưa chưa kịp ăn còn để lại trên bàn họp. Khoảng ba giờ chiều, về đến xã tôi tập hợp ngay đội ngũ lãnh đạo xã, xã đội, ban chủ nhiệm hợp tác xã…, thông báo nhanh tình hình và yêu cầu của trên. Chúng tôi nhất trí giao đồng chí Nguyễn Duy Phương, xã đội trưởng xuống ngay làng Hạ Lội thông báo họp dân và thành lập các tổ giúp dân thu dọn nhà cửa và đưa người già, phụ nữ và trẻ em đi sơ tán. Khi tôi xuống Hạ Lội thì bà con đã tập hợp khá đông ở sân hợp tác xã. Tôi nói tóm tắt tình hình và hỏi ý kiến bà con. Tôi nhớ rất rõ chỉ có ba ý kiến, một là của ông Lê Bá Kiên, người có ngôi nhà đầu tiên trên con đường dự kiến, ông nói: “Nước mất thì nhà tan, tôi nhất trí dỡ nhà làm đường cho xe qua”; người thứ hai là cụ Ðinh Thị Trí, cụ sống độc thân, tài sản có giá trị duy nhất là cỗ hậu sự, cụ nói: “Tôi xin hiến cỗ hậu sự để làm đường, không có gì phải nghĩ cả”; còn ông Nguyễn Chương đứng phắt dậy, nói to: “Các ông các bà còn bàn gì nữa, cách mạng cần, tiền tuyến gọi, dân mình đã bao giờ tiếc cái chi mô. Về dỡ nhà làm đường thôi”.

“Vậy là bà con ùn ùn đứng dậy, hô to “Không có gì quý hơn độc lập, tự do, xe chưa qua nhà không tiếc bà con ơi”. Thế là trong vòng chưa đầy tám giờ đồng hồ, 130 ngôi nhà đã được dỡ xuống. Gỗ, tre, gạch, ngói, cánh cửa… biến thành nền đường. Ðến năm giờ chiều ngày hôm sau thì đoạn đường dài 3km, trong đó có 1 km qua làng Hạ Lội hoàn thành. Ngay trong đêm, 130 chiếc xe đầu tiên chở hàng hóa chi viện miền nam đã qua con đường này an toàn. Về phần dân làng, được sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân trong huyện, bà con đã dựng một làng mới ở cách làng cũ gần chục cây số. Ðến năm 1971 thì về lại làng K130 ngày nay. Còn trường hợp bà cụ Trí, năm 1985 cụ mất, chính quyền các cấp đã lo an táng cho cụ chu đáo, tình nghĩa”.
Tên làng K130 đã được Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Ban an toàn giao thông tỉnh quyết định đặt cho làng Hạ Lội sau sự kiện đó. Huyền thoại về làng K130 đã trở thành một trong những mốc son chói lọi của nhân dân Hà Tĩnh trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Làng K130 hôm nay có hai xóm, với 187 hộ, 766 khẩu, trong đó có 23 hộ chính sách. Làng có 38 đảng viên sinh hoạt ở hai chi bộ. Số hộ nghèo còn 21 hộ. Trên con đường năm xưa nay đã mọc lên những ngôi nhà kiên cố, khang trang giữa bóng cây xanh mát. Ðồng chí Nguyễn Duy Ðạt, Bí thư chi bộ xóm Minh Tiến hồ hởi khoe kết quả hiện đại hóa nông nghiệp của xóm đang bước vào năm thứ hai, “kết quả khả quan lắm, năng suất mỗi sào tăng thêm gần 10% đấy. Công sức chăm bón, thu gặt cũng nhàn hơn trước nhiều”. Bí thư Ðảng ủy xã Tiến Lộc Nguyễn Hồng Thanh cho biết, làng K130 là một trong những làng thực hiện điểm xây dựng “nông thôn mới” theo chỉ đạo của Huyện ủy. Trước hết là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và đồng chí Bí thư Huyện ủy Bùi Ðức Hạnh là “nông nghiệp cũng có thể làm giàu” bắt đầu tạo được niềm tin trong nhân dân. Làm một phép so sánh, năm 2007, thu nhập bình quân một năm đạt 2,7 triệu đồng/người thì năm 2008 đạt 3,1 triệu đồng. Cũng trong năm 2008, toàn bộ nhà ở của nhân dân đã được ngói hóa; 98% số dân được thụ hưởng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; 100% số dân được chăm sóc về y tế, văn hóa-xã hội…
Những người góp sức trong ngày oai hùng 13-8-1968 ấy giờ còn lại không đầy một trăm người, hầu hết tuổi đã cao. Nhiều cụ như cụ Canh, cụ Ân, ông Nuôi, cụ Chiêu… đang sinh hoạt trong Hội người cao tuổi của làng. Các cụ đã bước qua những năm tháng hào hùng, gian khổ để chứng kiến đổi thay của đất nước, của xóm làng hôm nay. Trong mỗi cuộc gặp gỡ, chuyện xưa vẫn được nhắc lại để tự hào rằng: quyết định đúng đắn của mình ngày ấy đã không hề uổng phí.

TRẦN THƯỜNG

ND

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP