Báo Công lý nhận được phản ánh của phụ huynh có con đang học và ăn bán trú tại các trường Mầm non xã Thạch Lâm và trường Mầm non xã Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) về việc bữa ăn của các cháu không đảm bảo, nhà trường có dấu hiệu bớt xén thực phẩm của học sinh.
Để có thông tin khách quan, PV báo Công lý đã liên hệ và có buổi làm việc tại trường Mầm non xã Thạch Lâm và Mầm non xã Thạch Ngọc. Qua buổi làm việc với các trường trên, có thể thấy được những phản ánh của phụ huynh phần nào là có cơ sở.
Tại trường Mầm non xã Thạch Lâm, qua đối chiếu sổ nhận thực phẩm và chi ăn hàng ngày của nhà trường, PV phát hiện có nhiều ngày số lượng thực phẩm giữa nhập và chi ăn được nâng lên đáng kể. Những thực phẩm được nâng số lượng lên chủ yếu là tôm, cá…
Trường Mầm Non xã Thạch Lâm. |
Cụ thể như: Ngày 27/3/2019, sổ nhập thực phẩm thể hiện cá lấy 4,5 kg nhưng trong phiếu chi ăn thì cá được nâng lên 5,3 kg. Tiếp đó vào ngày 1/4/2019, sổ nhập tôm là 5,3 kg nhưng phiếu chi ăn lại nâng lên 6,1 kg. Ngày 22/4, tôm nhập 3kg nhưng phiếu chi ăn tăng lên 4,43 kg. Ngày 24/4, cá thu nhập với số lượng 4kg nhưng trong phiếu chi ăn lại nâng lên 4,68 kg. Ngày 2/5, tôm nhập 3,2kg nhưng phiếu chi ăn lại nâng lên 3,63 kg… Cần phải nói thêm, trong sổ nhập thực phẩm của nhà trường được ghi chép cụ thể, có thời gian nhận và người ký nhận thực phẩm nhưng trong sổ chi ăn hàng ngày thì không thể hiện số lượng thực phẩm có tồn dư.
Lý giải về việc thực phẩm giữa nhập và chi ăn tăng lên vô lý như vậy, cô Đặng Thị Thanh Hiền – Hiệu Phó trường Mầm Non xã Thạch Lâm cho biết là do thực phẩm của ngày ăn trước còn tồn dư lại nên mới xảy ra việc số lượng thực phẩm tăng lên vào ngày ăn sau.
“Việc thừa thực phẩm là do buổi ăn trước học sinh nghỉ nhiều nên thực phẩm thừa ra, đến buổi ăn sau nhà trường nhập ít nhưng có thực phẩm thừa lại nên số lượng chi mới tăng lên. Cái sai của nhà trường là không ghi chép số lượng tồn dư bao nhiêu nên không chứng minh được”, cô Hiền lý giải.
Phiếu chi ăn ngày 27/3 tại trường Mầm non Thạch Lâm với số lượng cá thu 5,31 kg nhưng trong sổ nhập thực phẩm chỉ có 4,5 kg. |
Mặc dù giải thích như vậy nhưng khi PV đối chiếu sổ chi ăn hàng ngày thì thấy rất vô lý trước lời giải thích của cô Hiền, bởi vì có những ngày ăn trước thực phẩm không tồn dư nhưng ở ngày ăn sau thực phẩm vẫn được nâng lên.
Dường như cũng nhận ra được những điều vô lý này nên cô Hiền có phần lúng túng, tiếp tục giải thích thực phẩm chính xác là thực phẩm trong sổ nhập, còn trong phiếu chi ăn chỉ làm cho đầy đủ hồ sơ?
Tại trường Mầm non xã Thạch Lâm tiền ăn của học sinh mỗi ngày 15 nghìn đồng, còn giá nhập cá thu là 240 nghìn đồng/kg. Chỉ tính đơn giản số lượng cá nâng lên 5 - 6 lạng trong một bữa ăn cũng đã gần bằng chục suất ăn của các cháu.
Còn ở trường Mầm non Thạch Ngọc, mặc dù số lượng thực phẩm giữa nhập và chi ăn hàng ngày thể hiện được số lượng cụ thể nhưng sổ nhập thực phẩm lại không được ai ký nhận, giám sát. Liệu như vậy có thể hiện được sự khách quan trong việc giao nhận thực phẩm không vì phiếu giao nhận hàng tại trường cũng không có?.
Trường Mầm non xã Thạch Ngọc bổng dưng "thất lạc" bảng báo giá sữa khi PV đề nghị kiểm tra... |
Thêm một điều nghi vấn nữa ở Trường mầm non Thạch Ngọc là nhà trường ký hợp đồng và sử dụng sữa bột Milk Milk God chiều cao Grow A+ của Công Ty TNHH – SX- TM Hương Khánh, loại túi với giá thành trong bảng chi ăn là 200 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên khi PV đề nghị được xem báo giá sản phẩm loại sữa này thì nhà trường không cung cấp được vì bảng báo giá bị… “thất lạc”?
Sau đó, qua điện thoại, cô Nguyễn Thị Mai - Hiệu trưởng trường Mầm Non xã Thạch Ngọc gửi bảng báo giá sữa cho PV để chứng minh cho việc giá sữa áp dụng trong nhà trường là chính xác, tuy nhiên bảng báo giá mà cô Hiệu trưởng gửi lại của một nhãn hàng khác, của một Công ty khác, không phải là của Công ty ký cung cấp sữa với nhà trường.
Mặc dù đã bước đến gần những ngày cuối của năm học, nhưng những bất cập trong công tác bán trú tại các trường Mầm non nói trên đã khiến cho không ít phụ huynh có con em theo học phải băn khoăn, nghi ngờ. Việc chênh lệch số lượng thực phẩm giữa nhập và chi ăn hàng ngày tại trường Mầm non Thạch Lâm là sự cẩu thả trong sổ sách hay là cố tình nâng số lượng thực phẩm lên như vậy để khớp tiền ăn của học sinh? Tại sao trường Mầm non xã Thạch Ngọc lại “thất lạc” bảng báo giá sữa? Thiết nghĩ, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Thạch Hà cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý kịp thời để phụ huynh thực sự yên tâm và tin tưởng.
Tác giả: Bá Mạnh
Nguồn tin: Báo Công lý