Đi du học ở đâu?
Qua câu trả lời của bạn đăng ký tham gia tư vấn du học miễn phí với mình, mình thấy hơn 50% muốn đi Mỹ, 20% muốn đi Anh, và 13% muốn đi Singapore. Đặc điểm chung của những nước này là nói tiếng Anh, có nền kinh tế phát triển, có nền giáo dục tốt, và đều có học phí vô cùng đắt đỏ.
Học phí ở mỗi trường dĩ nhiên là khác nhau, nhưng thường thì học phí cho một trường đại học của Mỹ sẽ dao động trong khoảng 30,000 - 60,000 USD/năm, Anh trong khoảng 20,000 - 50,000 USD/năm, và Singapore trong khoảng 20,000 - 30,000 USD/năm. Cộng với ăn ở, chi phí cho một năm học ở các quốc gia này có thể lên đấy 50,000 USD, thậm chí gần 100,000 USD một năm.
Săn học bổng ở những quốc gia này tuy có thể (mình sẽ chia sẻ ở phía dưới) nhưng không phải là điều dễ dàng. Thay vì chăm chăm vào một số nhỏ các quốc gia với học phí vô cùng đắt đỏ này, các bạn nên mở rộng phạm vi tìm kiếm sang các quốc gia khác với hệ thống giáo dục tốt, học phí rẻ, mà lại thân thiện.
Ví dụ, Đức là một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới với nền giáo dục chất lượng có lẽ chỉ sau Anh, Mỹ và hoàn toàn miễn học phí ngành đại học cho sinh viên quốc tế. Họ tuy thu phí ngành thạc sĩ nhưng rẻ hơn nhiều so với Anh Mỹ. Người Đức nói tiếng Anh rất tốt và trường đại học của họ có nhiều chương trình dạy bằng tiếng Anh.
Nhiều quốc gia khác ở châu Âu như Thuỵ Điển, Áo, Na Uy đều miễn phí cả ngành đại học và thạc sĩ cho sinh viên quốc tế hay có học phí rất rẻ.
Ngoài châu Âu ra, một số quốc gia khác mà mình rất thích như Argentina, Ấn Độ đều có trường đại học rất tốt (UBA của Argentina, IIT của Ấn Độ đều nằm trong top 200 trên thế giới) nhưng miễn học phí hoặc chỉ một, hai ngàn đô một năm.
Tác giả bài viết Huyền Chip đang theo học bậc thạc sĩ ĐH Stanford, Mỹ |
Đi du học bậc nào?
Một số bạn chọn đi du học từ cấp ba theo chương trình trao đổi văn hoá hoặc tự đi. Như mình thấy thì các bạn này thường tự tin và dễ hoà nhập hơn những bạn học đại học hay sau đại học mới đi. Nhưng không phải bạn nào học cấp ba cũng đủ khả năng để đối mặt với việc ở một mình ở một quốc gia xa lạ.
Hơn nữa, theo thiển ý của mình, về mặt lý thuyết của các môn Toán, Lý, Hoá thì chương trình học ở Việt Nam mình thường nặng hơn chương trình học của các nước phương Tây, nên có thể sẽ cho các bạn muốn học lên các ngành STEM (Science, Technology, Engineering, Mathematics) nền tảng lý thuyết vững chắc hơn.
Du học bậc đại học theo mình là lý tưởng nhất, vì chương trình đại học nhiều quốc gia phát triển không chỉ dạy về chuyên ngành mà còn chú trọng đến critical thinking, tư duy phản biện, giúp bạn khám phá bản thân để tìm ra thế mạnh của mình.
Đại học thường là những năm đầu tiên mà các bạn sinh viên bản địa sống xa gia đình, giúp cho việc kết bạn dễ dàng hơn. Đại học cũng là nơi có các hội nhóm để bạn có thể tìm người chia sẻ đam mê với mình. Mình hay nghe các bạn học ngành thạc sĩ, tiến sĩ, không chỉ du học sinh và cả sinh viên bản địa nhé, than thở rằng cuộc sống xã hội của họ sau khi tốt nghiệp đại học tệ hơn hẳn. Những người học lên cao thường chú trọng đến công việc của mình hơn là lãng phí thời gian giao lưu kết bạn.
Mình nói vậy không có nghĩa là bạn không nên học thạc sĩ, tiến sĩ. Bạn đi học thạc sĩ, tiến sĩ vẫn có thể kết bạn bình thường, chỉ là nó không sôi động như thời đại học thôi.
Các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ thì về cơ bản đa dạng hơn nhiều so với đại học nên thật khó để mình có thể miêu tả chung chung. Ví dụ, học thạc sĩ ở Mỹ thường là hai năm và thiên về bài vở (sinh viên thạc sĩ vẫn phải học đủ tín chỉ và làm bài tập về nhà), còn thạc sĩ ở Anh thường chỉ một năm và thiên về làm nghiên cứu.
Nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ ở một số ngành và một số trường bên Mỹ có thể coi là nhân viên giá rẻ giáo sư thuê về phòng nghiên cứu của mình để làm việc và do đó ăn lương giáo sư trả. Nhưng cũng nghiên cứu ở ngành khác và một số trường khác thì lại được trả lương hay hỗ trợ tài chính bởi trường. Nói chung là nó đa dạng lắm nên bạn hãy chịu khó vào trang web của từng trường để có thông tin đầy đủ nhé.
|
Chọn trường
Mình thấy nhiều bạn Việt Nam khi chọn trường thường chỉ vào danh sách mấy trường top rồi xem giá mà không cần biết văn hoá, địa điểm của trường có hợp với mình hay không. Ví dụ, có bạn thích nơi đô hội mà lại phải vào trường ở giữa nơi đồng không mông quạnh phải lái xe hai tiếng mới đến được thị trấn gần nhất. Bạn nào đến trung tâm tư vấn du học thì cũng lưu ý là nhiều trung tâm có liên kết với một số trường để ăn hoa hồng từ trường đó nên hay cố đẩy bạn vào mấy trường liên kết đó.
Có một số điều bạn nên lưu ý khi chọn trường dựa vào danh sách trường top đó. Một là trường top không có nghĩa là ngành nào cũng tốt -- có trường cực tốt về khoa học máy tính nhưng các ngành khoa học xã hội thì dở tệ, hay có trường chỉ tốt về nghiên cứu mà không tốt cho lắm về bậc đại học.
Hai là nếu bạn chọn trường như thế thì bạn cũng phải hiểu là có rất nhiều người khác cũng chọn trường theo cách đó, dẫn đến việc mấy trường được coi là top tràn ngập hồ sơ mà những trường cũng tốt khác chả ai biết đến. Đây là vấn nạn mà nhiều người làm giáo dục ở Mỹ cũng đang kêu gào lên. Họ khuyên học sinh khi nộp đơn hãy chịu khó đào sâu xuống các trường không nằm trong top 20 hay top 50. Bạn cũng có thể tham khảo các danh sách những trường thay đổi cuộc sống (colleges that change lives), trường giá trị nhất (best value colleges), hay đọc tiểu sử những người bạn thành công trong những ngành nghề bạn yêu thích để xem người ta học trường gì ra thì tìm hiểu về trường đấy.
Khi học ở trường ít người biết đến, bạn nên lưu ý với trường ảo. Bạn phải tìm hiểu sao trường đó cung cấp bằng có phải bằng xin không nhé không lại bị lừa, vì có nhiều trường đại học, cao đẳng lập ra chỉ để kiếm tiền từ du học sinh không có thông tin gì cả. Khi tìm hiểu về một trường, bạn nên google kỹ ơi là kỹ về trường đó, và hỏi thông tin từ bạn bè mình nếu được.
Học bổng
Mình rất ủng hộ các bạn chủ động, quyết tâm tìm học bổng. Bản thân mình sẽ không học được ở Stanford nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ nhà trường. Tuy nhiên, các bạn nên hiểu rõ bản chất của những học bổng ấy cũng như cơ hội thành công của bản thân.
Học bổng mình nhận được ở Stanford là thuộc dạng need-based (tuỳ thuộc vào yêu cầu). Nó có nghĩa là một khi bạn đã được nhận vào trường, bạn làm bản thống kê tài chính để trường biết bạn có thể trả bao nhiêu tiền và trường sẽ trả toàn bộ khoản còn lại cho bạn, bao gồm cả tiền ăn, ở, bảo hiểm, vé về nước mỗi năm.
Một số trường tư nằm trong top đầu của Mỹ với lực tài chính hùng hậu có chính sách này để đảm bảo họ có được những sinh viên xuất sắc nhất. Tuy nhiên, need-based khác với need-blind nhé. Need-blind là khi trường quyết định nhận bạn hay không mà không cần xem đến khả năng tài chính của bạn. Stanford là need-based nhưng không need-blind cho sinh viên quốc tế. Điều đó có nghĩa là trường có thể không nhận bạn nếu họ nghĩ rằng bạn sẽ cần họ trợ giúp nhiều về mặt tài chính.
Mình có hỏi các bạn định trả chi phí du học thế nào thì một số bạn trả lời tỉnh queo: “học bổng Stanford” hay “học bổng Harvard”. Năm vừa rồi, tỉ lệ đầu vào của Stanford là 4.7% còn của Harvard là 5% - tỉ lệ này có lẽ còn thấp hơn nữa cho sinh viên quốc tế. Những người nộp đơn vào các trường này thường là những học sinh xuất sắc với hồ sơ khủng vì ít sinh viên tầm tầm nào lại phí tiền đi nộp vào mấy trường này. Mỗi năm, sinh viên Việt Nam được nhận vào các trường top như Ivy league, Stanford, MIT chắc chỉ khoảng chục người.
Mình nói thế không phải để các bạn mất động lực, mà chỉ để các bạn có cái nhìn thực tế hơn. Các bạn nên có phương án A và phương án B, thậm chí phương án C, D. Ví dụ, khi mình làm hồ sơ du học, phương án A của mình là được nhận vào Stanford với hỗ trợ tài chính của trường. Phương án B của mình là vào một trường cũng tốt nhưng không nằm trong top và cố kiếm lấy mấy cái học bổng của trường rồi tham gia mấy cuộc thi viết lách gì đó hay tìm học bổng của công ty nào đó để trả tiền ăn ở. Phương án C của mình là đi học ở một trường cực rẻ hay miễn hoc phí rồi đi làm thêm kiếm tiền. Phương án D của mình là đi lấy chồng giàu rồi sinh con dạy cho nó học thật giỏi rồi bắt nó làm phương án A.
Ngành học thạc sĩ theo mình thấy là khó kiếm học bổng nhất, vì thời gian học quá ngắn để các giáo sư hay trường nhận được lợi ích của sinh viên đó, nó cũng không phải được coi là cần thiết như là bằng đại học để người ta phải có quỹ hỗ trợ người đi học thạc sĩ. Vẫn có học bổng học thạc sĩ từ các quốc gia và tổ chức phi chính phủ, nổi tiếng nhất có lẽ là Chevening và Fulbright, nhưng vẫn hiếm lắm.
Tuy nhiên, học bổng không phải là cách duy nhất để trang trải học phí thạc sĩ. Một số quốc gia như Mỹ (Anh không cho phép bạn làm điều này nhé), sinh viên thạc sĩ có thể đi làm trợ giảng (TAship) hoặc làm nghiên cứu với một giáo sư (RAship), đổi lại sẽ được miễn học phí và mỗi quý được trả khoản lương khá thoải mái, đủ để trả tiền ăn ở và thỉnh thoảng đi chơi. Rất nhiều bạn bè mình học thạc sĩ ở Stanford làm cái này.
Tác giả: Huyền Chip (Nghiên cứu sinh bậc thạc sĩ ĐH Stanford, Mỹ)
Nguồn tin: Báo Dân trí