Là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 sau HIV, mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Dự kiến, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 70.000 người.

Á quân gây tử vong

Thuốc lá cướp đi sinh mạng 40.000 người mỗi năm

Trong khói thuốc lá chứa hàng trăm loại hóa chất có hại cho sức khỏe, làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30% đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư phổi, họng, thanh quản, thực quản, tuyến tụy, tử cung, cổ tử cung, thận, bàng quang, ruột và trực tràng, hoặc do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh tim mạch.

GS Châu cũng nhấn mạnh, hút thuốc lá thụ động cũng là nguy cơ lớn ảnh hưởng đến sức khỏe. Người thường xuyên hít phải khói thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 26%, tăng 30% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, nguy cơ mắc bệnh phổi tăng 25% và tăng 82% nguy cơ đột quỵ.

Trong số 4 nguyên nhân gây tử vong cao ở nước ta thì thuốc lá đứng thứ 2, sau HIV, tiếp theo thuốc lá là rượu và tai nạn giao thông. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và nếu không có biện pháp kịp thời, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 70.000 người, gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ.

Cách nào ngăn ngừa?

Hưởng ứng ngày thế giới không thuốc lá 31/5, ngày 27/5,  Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai phối hợp tổ chức Hội và triển khai Dự án cai nghiện thuốc lá. Thông điệp được đưa ra tại sự kiện này là “Hút 1 điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 8 đến 10 năm”.

Nhằm góp phần hạn chế tác hại của thuốc lá, từ nay đến cuối năm, Bộ Y tế triển khai Dự án cai nghiện thuốc lá thông qua việc tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá qua tổng đài tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai. Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế tiếp tục triển khai mô hình này tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Ung bướu Hà Nội, Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Nhân dân Gia định (TP Hồ Chí Minh).

Phó Giáo sư Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Khi cai nghiện sẽ theo quy trình. Chúng tôi sẽ tư vấn cho bệnh nhân, tìm hiểu lý do vì sao họ hút thuốc, họ có muốn bỏ thuốc lá không, sự tự giác của bệnh nhân như thế nào và đặt ra kế hoạch giúp đỡ họ. Trong những trường hợp nghiện thuốc lá quá nặng sẽ cần sự giúp đỡ của các sản phẩm thay thế Nicotin, ví dụ như các miếng dán Nicotin, kẹo cao su Nicotin hoặc các loại thuốc hỗ trợ.

Với những hành động quyết liệt này, PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh ( Bộ Y tế) hy vọng sẽ góp phần giảm gánh nặng bệnh tật do thuốc lá mang lại.

N. Huyền/ Infonet