Địa Chí Hà Tĩnh

Hương Sơn – Vùng đất ” Địa linh, nhân kiệt”

Hương Sơn là một địa danh lịch sử, được Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận thứ 10 năm 1469 đổi tên từ Đỗ Gia (thời Lý) thành Hương Sơn. Trải qua 545 năm với tên gọi Hương Sơn, tuy có nhiều cách giải thích khác nhau như “Núi thơm” hay “Làng trong núi” nhưng Hương Sơn là mảnh đất ” Địa linh, nhân kiệt”

Tượng đài Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Nơi hội tụ linh khí trời, đất…

Hương Sơn là vùngđất có rừng rậm đại ngàn, có rừng thưa. Địa hình nơi đây như cái lòng chảo lọt giữa vòng cánh cung, nơi có nhiều ngọn núi nhô lên tròn như những chiếc nhẫn, có những điểm núi chồng núi tạo nên những hình ảnh đẹp. Thiên nhiên, địa lý, phong thổ nơi đây đã tích tụ vào các loài cây, cỏ, hoa, trái như: chè, cam, quýt, bưởi, mít, dứa… mà nhân dân Hương Sơn vẫn luôn tự hào: “Nhất mẫu trạch bằng bách mầu điền”. Đặc biệt, hương đất, khí trời nơi đây đã hội tụ thành “Nguyên khí” mà không nơi nào có được. Vào năm 1750 của Thế kỷ XVIII vùng đất Hương Sơn là nơi mà Đại danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tìm về sinh sống với mảnh đất quê mẹ. Từ đó, Ông đã hòa quyện với thiên nhiên lập nên “Núi Giả, hồ Sen” để ngắm trăng, hóng gió, đàm đạo thơ ca, ngày đêm miệt mài với cỏ, cây, hoa lá góp nhặt và đưa những cây cỏ vô danh của miền đất Hương Sơn thành 300 vị thuốc nam, tổng hợp thêm 2.854 phương thuốc quý, để lại cho đời bộ sách ” Hải Thượng y tông tâm lĩnh với 28 tập, 66 quyển” và  tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật có giá trị cho muôn đời sau. Đất, trời Hương Sơn đã hội tụ nên những sản phẩm Nhung hươu mà người dân hay gọi là “Lộc trời” rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe con người và chỉ có mảnh đất Hương Sơn mới có cây cam Bù nổi tiếng với đặc trưng tép to, bóng, mềm, mọng nước, ăn rất thơm, ngọt, mát và bổ là món quà quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất, con người Hương Sơn.

Vùng đất Hương Sơn còn là nơi nổi tiếng với những nét văn hóa ẩm thực, nơi sinh ra ông tổ của món kẹo Cu đơ nổi tiếng. Từ sản phẩm nông nghiệp như mật mía Văn Giang, lạc, vừng của vùng hạ huyện ông Cu Hai (Cu đơ) ở vùng Thịnh Văn (Sơn Thịnh) đã làm nên kẹo Cu đơ nổi tiếng trong vùng:

                “Chè xanh thêm chút gừng cay

            Cu đơ thơm ngọt làm say lòng người”.

 

Trong lần về Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Al) năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã dâng lễ vật lên Quốc Tổ và đã chọn hai sản phẩm đặc sản quý giá nhất của Hà Tĩnh là kẹo Cu đơ và rượu Nhung hươu đều có khởi nguồn từ mảnh đất Hương Sơn.

Kẹo Cu đơ là đặc sản của Hà Tĩnh

Vùng đất địa linh…

Hương Sơn là vùng đất mà Lê Lợi – thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã chọn nơi làm “đất đứng chân” khi tiến vào vùng đất Đỗ Gia để phát triển lực lượng chống lại giặc Minh xâm lược và lập nên triều đại nhà Lê vào Thế kỷ XV. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa cho thấy sự đa dạng trong sinh hoạt đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân. Đền Đức Mẹ là ngôi đền cổ tương truyền có từ đời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu cảnh Hưng (1740- 1786), khởi thủy chỉ là một hòn đá thiêng gọi là Thạch Bàn Nhẫn nằm trên núi Phượng Hoàng một phần của dãy núi Thiên Nhẫn, bên bờ con sông Ngàn Phố. Từ một hòn đá thiêng nhân dân trong vùng đã gửi gắm tâm linh vào đó rồi dần dần trở nên linh ứng. Tại xã Sơn Trà có di tích Đền Cả, tương truyền, đây là di tích được xây dựng vào thời nhà Lý thờ Lý Nhật Quang được gọi là Kê Quan Sơn Đại Vương, Hồng Tự thượng thượng đẳng thần, tối linh từ. Ông là một nhà chính trị có tài, một tướng lĩnh tài ba là con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ – một hoàng tử lỗi lạc được phong tước Uy Minh Vương, đây là một di tích rất hiếm còn sót lại đến ngày nay bởi do tác động của thiên tai, địch họa và sự tàn phá của con người. Đền Phúc lai, xã Sơn Bằng là ngôi đền cổ thờ thần Tam Lang. Theo truyền thuyết thì Tam Lang là 3 con rồng, con Hùng Hải (em Hùng Vương thứ 3) do mẹ con Trang hoa sinh ra trên một chiếc thuyền giữa ngã ba Bạch Hạc, sau này làm thủy thần còn gọi là Nhất Lang, Nhị Lang, Tam Lang long vương; Tam lang là chàng Ba của vua Hùng được sai làm thần ở sông Bạch Hạc. Thần Tam Lang- thần rắn được thờ ở đền Phúc Lai làm thành hoàng là tín ngưỡng thờ thần của vùng cư dân nông nghiệp lúa nước. Ngoài ra, trên địa bàn Hương Sơn đến nay có 41 di tích được xếp hạng cấp Nhà nước, các di tích đã khắc sâu đời sống tâm linh của mảnh đất nơi đây như: Động Tiên Hoa, Thành Lục Niên, đền Trúc, nhà thờ Trần Giác Linh, đền Kim Cương, đền Gôi Vỵ, đền Bạch Vân – Chùa Thịnh Xá, các di tích tôn giáo như: chùa Nhiễu Long, chùa Côn Sơn, chùa Tượng Sơn, Chùa Yên Mã…. và nhiều câu chuyện kể trong dân gian như: Chuyện về cây Thị tại xã Sơn Phúc, chuyện núi Nhà Chàng, đồi Đảng Phủ, rú Sinh Cờ tại xã Sơn Bình, Sơn Châu v.v…là những câu chuyện cổ tích mà nhân dân đã gửi gắm niềm tin yêu, sự thán phục vào những người anh hùng đã có công với dân, với nước lúc bấy giờ

… sinh ra các anh hùng hào kiệt

Con người Hương Sơn luôn hòa mình với thiên nhiên và đương đầu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên cùng với các cuộc chiến tranh nên thời nào cũng xuất hiện các anh hùng hào kiệt. Khi Lê Lợi tiến vào đất Đỗ Gia đã quy tụ nhiều nghĩa quân tham gia chống giặc Minh xâm lược và đã xuất hiện tướng quân Nguyễn Tuấn Thiện, Nguyễn Lỗi là những vị khai quốc công thần triều Lê được Vua ban quốc tính vì đã có công to lớn trong việc xây dựng triều chính. Mảnh đất Hương Sơn nơi hội tụ “linh khí trời đất” để Lê Hữu Trác tìm về chốn “Thâm sơn cùng cốc” học nghề làm thuốc và đã trở thành Bậc đại danh y, không những thế Ông còn trở thành nhà thơ tài hoa, nhà văn xuất sắc, nhà tư tưởng đức độ đầy tính nhân văn. Chính mảnh đất này đã sinh ra các “nhân kiệt” sống mãi với thời gian như: Cao Thắng, Nguyễn Lân, Nguyễn Ngọc Khiêm, Nguyễn Trọng Xuyến là những tướng quân tham gia vào cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo.

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc đã xuất hiện nhiều danh nhân làm rạng danh vùng đất Hương Sơn như: Thượng thư Đào Hữu Ích (1839- 1899),  Tiến sĩ Lê Mậu Tài (1616), Đô ngự sử Tiến sỹ Nguyễn Tử Trọng (1485), Tiến sỹ Đinh Nho Công, danh sỹ Lê Hầu Tạo, Phú lân hầu ích Quang điện Phạm Phúc kinh  và Điền nhạc hầu Nguyễn Điều….

Trong công cuộc xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng nhiều người con của Hương Sơn đã trở thành những nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước như: Giáo sư Lê Xuân Tùng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Thượng tướng Lê Minh Hương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Giáo sư, Viện sĩ y học Phạm Song, nguyên Bộ Trưởng Bộ Y tế; nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương Hà Học Hợi; nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm; Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm; Giáo sư – nhà ngôn ngữ học Lê Khả Kế; Giáo sư, Viện sĩ toán học Hà Huy Khoái, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam; Giáo sư, TSKH Lê Xuân Anh; Trung tướng, Giáo sư Lê Xuân Lựu; Giáo sư, TSKH, Nhà giáo Nhân dân Cù Xuân Dần, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội; Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội; TS Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ…

Phát huy truyền thống của mảnh đất “địa linh – nhân kiệt”. Những ngày này, Đảng bộ và nhân dân Hương Sơn đang vui mừng kỷ niệm 545 năm thành lập huyện, nguyện cùng nhau đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh xứng đáng với truyền thống văn hóa mà cha ông đã trao truyền lại cho thế hệ hôm nay.

Xem thêm phóng sự: HƯƠNG SƠN – NGÀN PHỐ – VÙNG ĐẤT VĂN HÓA THI THƯ

                                                                                       Lê Nhật Tân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP