Đê Tân Long đoạn qua xã Sơn Tân (Hương Sơn). Ảnh: Bá Tân
Đê Tân Long chạy qua các xã Sơn Châu, Sơn Hà, Sơn Mỹ, Sơn Tân và Sơn Long. Hiện trên toàn tuyến có 59 trường hợp vi phạm hành lang và mái đê. Trong số này, một số trường hợp do trước đây, khi xây dựng đê chưa đền bù đất cho người dân; một số trường hợp do dân tự ý cơi nới, lấn chiếm. Các vi phạm này ảnh hưởng đến công tác bảo vệ đê cũng như vi phạm pháp luật về quản lý đê điều.
Để giải quyết tình trạng này, huyện Hương Sơn đã thành lập BCĐ giải tỏa vi phạm đê Tân Long. BCĐ phối hợp UBND các xã ảnh hưởng rà soát cụ thể hiện trạng và tiến hành các bước liên quan để thực hiện giải tỏa.
Theo đó, trong tháng 6/2014, các xã đã tổ chức họp tất cả các hộ dân liên quan để quán triệt quy định của pháp luật về bảo vệ đê điều; trách nhiệm, nghĩa vụ của các ngành, địa phương và người dân trong bảo vệ đê điều và triển khai kế hoạch giải tỏa các trường hợp vi phạm để tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trước mắt, tiến hành rà soát, lập biên bản vi phạm đối với tất cả các trường hợp xây dựng nhà ở, công trình hàng rào, ốt quán, tập kết vật liệu, trồng cây dài ngày trong phạm vi bảo vệ đê; xác định rõ quy mô, kích thước từng công trình vi phạm, thời điểm xây dựng, phân loại cụ thể từng trường hợp và xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp còn thời hiệu xử phạt (vi phạm trong vòng 2 năm trở lại) và giao tự tháo dỡ.
Đối với các công trình nhà ở, ốt quán, các điểm tập kết vật liệu, trồng cây lâu năm trong phạm vi đất đã được đền bù, các xã phấn đấu giải quyết tháo dỡ trong tháng 7/2014. Riêng đối với nhà ở kiên cố trong hành lang bảo vệ đê nhưng chưa đền bù, địa phương yêu cầu các hộ cam kết bằng văn bản giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng, cơi nới, chờ chủ trương của Nhà nước tổ chức di dời. Các ngành liên quan cũng phối hợp với các xã rà soát cụ thể các hộ có đất ở, đất vườn trong phạm vi hành lang bảo vệ đê (do khi làm đê chưa đền bù) để có phương án giải quyết.
Hiện nay, địa phương và ngành chức năng đang tập trung tổ chức vẽ sơ đồ hiện trạng đất đai trong hành lang và tổ chức cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê theo quy định để có cơ sở bảo vệ hành lang đê về lâu dài.
Theo ông Nguyễn Quang Thọ – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, Trưởng BCĐ, thì trước đây, khi thực hiện dự án, đê làm đến đâu, giải tỏa, đền bù đến đó chứ không đền bù phần hành lang đê, nên hiện nay, nhiều trường hợp mặc dù vi phạm hành lang đê nhưng đất thì vẫn của dân. Đối với các trường hợp này, huyện cho lập biên bản, ký cam kết không xây dựng, cơi nới, chờ chủ trương đền bù, di dời của Nhà nước. Đến thời điểm hiện nay, trên 10 hộ có công trình vi phạm hành lang đê thuộc đối tượng đất đã đền bù, đã tự tháo dỡ. Trong tháng 7 này, các công trình vi phạm thuộc đối tượng đất đã đền bù sẽ được giải tỏa dứt điểm”.
Ông Nguyễn Đình Nguyên – Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết: “Thực hiện chủ trương giải phóng hành lang đê, xã thành lập BCĐ, lên kế hoạch thực hiện, họp BCĐ và các bí thư, thôn trưởng để thống nhất phương án, sau đó mời các hộ dân vi phạm lên UBND xã để tuyên truyền, yêu cầu tự tháo dỡ. Bên cạnh đó, cấp ủy, liên đoàn cán bộ thôn tuyên truyền, vận động đến tận từng hộ. Nhờ đó, đa số các hộ dân đều đồng ý ký cam kết tự tháo dỡ”.
Chị Nguyễn Thị Tân (thôn Tân Hồ), nói: “Cách đây 4 năm, việc xây ốt cạnh hành lang đê xảy ra khá phổ biến ở nhiều xã nhưng không thấy ai cấm nên chúng tôi cũng làm liều. Nay được xã, huyện tuyên truyền, nói rõ về chủ trương, ý nghĩa của việc giải phóng hành lang đê nên gia đình tôi chấp nhận tự tháo dỡ. Bây giờ thì chúng tôi đã nhận thức được rằng, việc tháo dỡ công trình vi phạm để đảm bảo an toàn đê, an toàn trong phòng chống bão lụt là vô cùng cần thiết”.
Việc Hương Sơn tập trung giải tỏa hành lang đê Tân Long đã được nhân dân đồng tình cao. Việc làm này, trước mắt, đảm bảo cho công tác bảo vệ đê điều, phòng chống bão lụt; sau nữa, sẽ tạo thuận lợi cho Nhà nước khi có chủ trương đền bù, giải tỏa các trường hợp có đất trong hành lang nhưng chưa được đền bù từ trước đến nay.
Chính Thu