Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, Chiến đã gây ra nhiều vụ trộm, cướp trên tuyến Quốc lộ 8 từ Hà Tĩnh sang Lào. Khi đã có đồng tiền, Chiến thừa sức ăn chơi, đến lúc phát hiện ra mình bị nhiễm HIV, cánh cửa cuộc đời gần như đã đóng sập lại, anh mới thấy ân hận. Nhờ sự ân cần của những cán bộ Biên phòng mà Chiến đã dũng cảm vượt qua bão tố cuộc đời để tiếp tục sống có ích cho người thân, xã hội.
Đứng trước căn nhà khang trang, nằm bên Quốc lộ 8, thuộc thôn Hà Trai, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Thiếu tá Phan Văn Thông, Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn BPCK Quốc tế Cầu Treo cho biết, đó là cơ ngơi của người mà chúng tôi cần gặp. Có hẹn từ trước, nên khi nghe tiếng gọi từ ngoài vọng vào, anh Chiến ra đón chúng tôi với thái độ rất niềm nở. Nhìn ngôi nhà khang trang và dáng vẻ bề ngoài của chủ nhân, khó ai nghĩ rằng anh Chiến đã có một thời gian dài nghiện ma túy nặng và đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV. Khi bắt đầu câu chuyện cuộc đời, anh Chiến nói rằng, cuộc sống có nhân quả: “Mình gieo gió thì gặp bão, nhưng liệu có vượt qua được cơn bão đó hay không thôi”.
Chiến sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên chẳng được học hành đến nơi, đến chốn. Khi bước vào độ tuổi trưởng thành, không có công ăn việc làm ổn định, Chiến rơi vào bế tắc, chán nản trong cuộc sống, sinh ra rượu chè, ăn chơi. Chiến cầm đầu một nhóm thanh niên hư hỏng trên địa bàn luôn quậy phá làm mất trật tự an ninh. Với bản tính phiêu bạt, liều lĩnh, pha chút lãng mạn, Chiến đã chinh phục được người con gái mình thương yêu.
Khi đó, với cái uy ngày một tăng lên, “Chiến Tân” được đàn em cung phụng rượu chè, rồi cả ma túy. Càng ngày, Chiến càng lún sâu vào con đường nghiện ngập, bất chấp sự khuyên ngăn của người vợ trẻ. Năm 1998, Chiến nghiện ma túy nặng. Thời điểm đo, để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, anh đã vô thức để đàn em gây ra những vụ cướp táo tợn trên tuyến Quốc lộ 8 và khu vực lân cận Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. Với những hành vi đó, nhiều lần “Chiến Tân” phải vào tù, ra tội. Rồi sau một trận ốm, Chiến gần như suy sụp khi phát hiện mình bị nhiễm HIV và khắc nghiệt hơn, anh đã vô tình truyền căn bệnh thế kỷ cho người vợ của mình.
Anh Chiến nhớ lại những ngày tăm tối nhất và cũng là bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời: “Khi phát hiện cả hai vợ chồng đều nhiễm HIV, bao nhiêu máu “anh hùng” trong tôi bay đi hết, thay vào đó là sự ân hận, sợ hãi, thương vợ, con và khát khao được sống tiếp. Tình trạng sức khỏe suy yếu, những cơn nghiện ma túy hành hạ, sự túng thiếu, nợ nần… Ngỡ cuộc đời hoàn toàn đã bỏ đi thì tôi lại được các cán bộ Trạm KSBP Cửa khẩu Cầu Treo giúp đỡ cho phụ trách Đội bốc vác tại cửa khẩu”.
Năm 2000, được bảo lãnh làm Đội trưởng Đội bốc vác tự quản tại khu vực cửa khẩu, Chiến vẫn đang trong tình trạng nghiện ma túy nặng. Quân y đồn Biên phòng cho Chiến sử dụng bài thuốc dân tộc được điều chế công phu nên đã cắt cơn thành công và anh lại được tham gia lao động với mọi người trong đội. Hơn 2 năm sau, anh chính thức đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy, mặc dù vẫn mang trong mình căn bệnh HIV. Nhưng với lối sống phục thiện, nghiêm khắc với bản thân, chăm chỉ lao động, đến nay, vợ chồng anh đã dành dụm xây dựng được một cơ ngơi ổn định, đàng hoàng. Giờ đây, khi nói về cuộc đời mình, anh lại dí dỏm so sánh nó như bông hoa vẫn nở được trong bão tố.
Anh Chiến giải thích: “Tôi từ bỏ được ma túy là quá trình vô cùng khó khăn. Những gì tôi và gia đình có được như ngày hôm nay đều nhờ các anh BĐBP giúp đỡ. Ngày đó, Đồn BPCK Quốc tế Cầu Treo đã dựng lán cho những người nghiện như chúng tôi ở ngay khu vực lao động. Sáng sớm trước khi đi làm, họ cho chúng tôi uống một loại thuốc nam để khống chế cơn nghiện. Quân y đơn vị sẵn sàng giúp đỡ khi chúng tôi lên cơn nghiện. Cứ như thế, nhiều anh em đã từ bỏ được ma túy”.
Anh Chiến chia sẻ, gia đình anh khó mà trả hết ơn cho BĐBP, đặc biệt là Thượng tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy phó Nghiệp vụ BĐBP Hà Tĩnh (trước đây là Trạm trưởng Trạm BPCK Quốc tế Cầu Treo). “Tôi không hiểu sao anh Hải lại thương những người lầm lỗi như chúng tôi đến vậy? Dù bận rộn, nhưng anh ấy luôn dành cho chúng tôi sự quan tâm đặc biệt. Chỉ cần chúng tôi ra khỏi địa bàn cửa khẩu là anh Hải gọi điện để “kiểm tra” vì lo chúng tôi sẽ tái nghiện”.
Ông trời cũng không lấy đi của “Chiến Tân” tất cả, khi hai đứa con anh đều khỏe mạnh bình thường, được mọi người xung quanh yêu thương. Đó cũng là động lực để anh quyết tâm từ bỏ ma túy, sống mãnh liệt hơn trong những ngày khó khăn nhất của cuộc đời. Giờ đây, anh Chiến đang tích cực tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn khu vực cửa khẩu và khu dân cư. Khi chia tay chúng tôi, anh nói: “Nếu ngày nào đó, khi phải rời xa cuộc sống thì tôi vẫn còn may mắn vì hai đứa trẻ vẫn có điều kiện được học hành và khôn lớn thành người. Tôi cảm thấy mình như đã chuộc được phần nào tội lỗi”.
Viết Lam
Báo Biên Phòng