Hương Sơn

Hương Sơn: Bãi rác 10 tỷ thành… bãi đáp của con nghiện

Đầu tư gần 10 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn, Bãi xử lý chất thải rắn thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bộc lộ nhiều dấu hiệu “bất thường”. Sự xuống cấp nghiêm trọng của công trình này đang đặt ra cho dư luận một câu hỏi liệu đầu tư hơn 10 tỷ đồng vào đây có xứng đáng ?!

Bãi xử lý chất thải rắn thị trấn Tây Sơn do BQL Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo làm chủ đầu tư, Nhà thầu Tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Hà Tĩnh, đơn vị tư vấn giám sát Trung tâm tư vấn kỹ thuật giao thông Hà Tĩnh, Nhà thầu thi công là công ty cổ phần xây dựng Du lịch Hà Tĩnh và đơn vị nhận bàn giao sử dụng là UBND thị trấn Tây Sơn. Tổng mức đầu gần 10 tỷ đồng.

Khu xử lý rác thải gần 10 tỷ đồng như thế này đây.

Công trình này được bàn giao ngày 25/8/2010 và đưa vào sử dụng, công trình này là nơi tập kết rác của toàn bộ thị trấn Tây Sơn, cho tới thời điểm này một số xã bên cạnh như Sơn Kim… cũng đã xin được tập kết rác ở đây. Nhiều người dân ở thị trấn Tây Sơn cho biết, chỉ mới đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn nhưng công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân cũng đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh công trình này. liệu một công trình được đầu tư hơn 10 tỷ đồng chỉ mới đi vào sử dụng đã bộc lộ nhiều dấu hiệu “bất thường”.

Nhếc nhác và xuống cấp của nhà điều hành…

Trở thành tụ điểm để người nghiện ma túy chích hút và chăn thả trâu bò.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại địa điểm bãi tập kết rác nằm cách thị trấn Tây Sơn gần 1km các hạng mục như nhà  nhà quản lý gara kho hóa chất và dịch vụ đã bị biến thành bãi đáp cho con nghiện và là nơi trâu bò ghé “chơi” mỗi ngày, hệ thống bạt chống thấm đã “không cánh mà bay” thay vào đó là những sự chắp vá sơ sài, yếu ớt. Hiện tại bạt che hầu như không có. Còn đối với đơn vị chủ đầu tư sau khi đã bàn giao công trình cho địa phương thì dường như chẳng có sự “ngó ngàng” nào tới “sản phẩm” do mình đầu tư vào đó, coi như chuyện đã rồi, không còn trách nhiệm.

Trao đổi với chúng tôi ông Phạm Hoài An, phó chủ tịch UBND thị trấn Tây Sơn cho biết: “Về phía địa phương là đơn vị được bàn giao và đưa vào sử dụng, còn trong quá trình xây dựng thì là do BQL khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phụ trách địa phương không hề có một trách nhiệm gì trong quá trình xây dựng, khi bàn giao thì BQL không bàn giao công nghệ xử lý. Mặc dù trong quá trình đọc dự án trên lý thuyết thì có các công nghệ xử lý như phun thuốc và chôn lấp xử lý”.

Ông Phạm Hoài An, Phó chủ tịch thị trấn Tây Sơn.

Cũng theo ông An cho biết: “vấn đề xử lý rác thải trong những năm qua cũng là một vấn đề mà địa phương hết sức băn khoăn và lo lắng nhưng chưa có một phương án nào để xử lý, hiện nay mặc dù rác thải đã được tập kết trong vòng hai năm trời nhưng rác chưa hề được xử lý dù chỉ một lần”. Một câu hỏi được đặt ra là trong vòng hai năm rác đã được tập kết về một nơi nhưng không hề được xử lý như vậy thì vấn đề vệ sinh môi trường sẽ được đảm bảo bằng cách nào ?.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Phó BQL khu kinh tế Cầu Treo giải thích về vấn đề “Khu xử lý rác thải nhưng chỉ chôn lấp rác thải sinh hoạt” (?!).

Đưa vấn đề này trao đổi với đại diện BQL khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo ông Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng ban Quản lý, Trưởng ban xây dựng Bãi xử lý rác thải thị trấn Tây Sơn. Ông Tùng cho biết: “Quy trình của nó đơn giản là tạo ra một bãi biệt lập, xung quanh là nghĩa địa toàn bộ là làm thành một bãi rác, rác ở đây chủ yếu là rác sinh hoạt, cái này là một bãi chôn lấp rác sinh hoạt”.

Ông Tùng cũng cho biết thêm quá trình xử lý cần phải sử dụng một loại chế phẩm IM, một loại hóa chất làm phân hủy các chất vô cơ”.

Trách nhiệm của chủ đầu tư đối với chất lượng công trình và sự xuống cấp của nó thì ông Tùng đẩy trách nhiệm xuống cho đơn vị thụ hưởng.

Theo Trí Thức – Thành Văn (Đời sống & Tiêu dùng)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP