Hiện nay, nhiều người dân ở Hương Khê thường xuyên vào rừng tìm loại cây giá trị này.
Cỏ kim tuyến còn có nhiều tên khác như: cỏ nhung, mộc sơn thạch tùng, kim tuyến liên, lan kim tuyến, lan gấm, kim cương… Tên khoa học của loại cây này là Anoechilus roxburglihayata, thuộc loài địa lan trong họ lan (Orchidaceae).
Cây kim tuyến sống ở nơi ẩm ướt và mọc rải rác trong rừng sâu. Mặt trên lá có màu tím nhung, gân lá hiện lên rất rõ, lá dày nhưng rất mềm mượt, óng ánh như kim tuyến, mặt dưới màu phớt hồng, thân chia thành từng đốt. Kim tuyến chỉ mọc ở nơi đất tốt và tơi xốp, không có ánh sáng trực tiếp của mặt trời và thường mọc thành bãi. Kim tuyến cũng chỉ có ở trong những mạn rừng sâu và cao, rất hiếm ở khu vực rìa rừng.
Ở Hà Tĩnh, người ta chia kim tuyến thành 2 loại là kim tuyến thiếc và kim tuyến nhung, cây kim tuyến nhung có lá to hơn, mượt hơn, nhưng chúng không khác nhau về giá trị. Theo nhiều tài liệu, cây kim tuyến là một vị thuốc cực quý hiếm, nó có khả năng tái tạo tế bào, đặc biệt là tế bào gan. Người Trung Quốc còn sử dụng kim tuyến trong các bài thuốc điều trị ung thư và sử dụng cho giá trị y học khác.
Theo Trần Ngọc Lâm – “người rừng” sống một mình trên dãy Hoàng Liên Sơn, đã chữa cho rất nhiều người khỏi ung thư bằng các phương thuốc từ thảo mộc thì người Nhật đã mua cây kim tuyến khô với giá trên 100 triệu đồng/kg (theo VTC new).
Hơn năm nay, ở Hương Khê rộ lên việc đi rừng săn lùng kim tuyến đem bán. Một số xã như Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Lâm, Hương Liên… có khá nhiều người thường xuyên vào rừng truy tìm loài cây giá trị này. Anh Võ Văn Trình (Phúc Trạch) mới bắt đầu nghề nhổ kim tuyến từ đầu năm nay, nhưng cũng đã thu được một khoản tiền kha khá. Nhóm anh Trình có 5 người, ngày may mắn, cả nhóm nhổ gần 5 kg kim tuyến và bán với giá trên dưới 1 triệu đồng/kg.
“Tìm kim tuyến cần phải tinh, nhạy vì cây khá nhỏ và sống trong tối nên rất khó tìm, có khi dẫm lên mà không biết. Vào trong rừng thì nhóm chia thành các ngả để tìm, khi một người trong nhóm phát hiện cây kim tuyến thì cả nhóm tụ lại và truy tìm trong vòng bán kính khoảng 50m. Và kim tuyến chỉ sống ở một khu vực như thế, muốn tìm tiếp thì phải đến một nơi khác khá xa, chứ gần đó chắc chắn sẽ không có”, anh Trình chia sẻ.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, để “săn” kim tuyến phải đi vào rừng sâu, rừng già – nơi có nhiều cây gỗ to che phủ, phải vạch rừng thành đường mà đi. Dù phải đi giữa rừng từ tờ mờ sáng cho tới chập tối, nhưng với những người chuyên đi nhổ kim tuyến thì đây là công việc không quá vất vả mà thu nhập lại khá. Mỗi ngày, họ cũng kiếm được dăm bảy trăm nghìn đồng, hôm nào gặp may thì cả triệu. Hiện ở Hương Khê có rất nhiều người đi tìm kim tuyến. Vì thế, kim tuyến ngày càng hiếm.
Chị Đinh Thị Tuyết (xã Hương Trạch) cho biết, chị bắt đầu nhổ cây kim tuyến từ năm 10 tuổi và đến nay, đã có 17 năm kinh nghiệm, Trước đây, kim tuyến nhiều hơn, nhưng cũng không nhổ được nhiều vì chưa quen và giá chưa cao. “Lúc đầu, thương lái chỉ mua với giá vài chục nghìn/kg, cách đây khoảng 5 năm thì giá 250 nghìn đồng, đến giờ thì lên cả triệu đồng mà cũng không có bán”.
Chúng tôi tìm đến ông Cao Văn Sơn (thị trấn Hương Khê) – thương lái chuyên thu mua cây kim tuyến trên địa bàn. Trước đây, ông Sơn chủ yếu mua loại cây này ở Quảng Bình, mỗi ngày chỉ gom được khoảng 5 kg. Sau khi mua, ông gửi ra Lào Cai cho bạn hàng chứ không hề biết họ mua để làm gì hay bán lại cho ai. Ông Sơn cho biết, ở Hương Sơn và Vũ Quang, các thương lái cũng thu mua từ cách đây nhiều năm. Vì biết giá trị của cây kim tuyến nên ông Sơn đã nhiều lần trồng thử ở những môi trường khác nhau nhưng không có cây nào có thể sống được.
Cũng theo lời “người rừng” Trần Ngọc Lâm thì cây kim tuyến chỉ cho giá trị dược liệu cao nhất khi sống ở những nơi có độ cao trên 2.000m, nên việc nhân giống và trồng thí nghiệm sẽ khó tạo được kim tuyến đúng như giá trị của nó.
Mặc dù hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam đã có chỉ đạo cấm khai thác cây kim tuyến, nhưng ở Hà Tĩnh nói chung và Hương Khê nói riêng vẫn chưa thấy bất cứ động thái nào của các cơ quan liên quan trước tình trạng người dân ồ ạt vào rừng khai thác kim tuyến. Đề nghị các cấp, ngành liên quan sớm có phương án bảo vệ trước lúc loài dược liệu quý này bị tuyệt chủng trên đất chúng ta.