Đặc Sản Hà Tĩnh

Hướng đi cho cây bưởi Phúc Trạch

Mới đây tại xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, Viện Nghiên cứu rau quả phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ và Sở Nông nghiệp-PTNT Hà Tĩnh tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá kết quả bước đầu của đề tài “Nghiên cứu xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục hiện tượng suy giảm năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch tại Hương Khê-Hà Tĩnh” do Viện Nghiên cứu rau quả phối hợp với một số cơ quan nghiên cứu khoa học khác của Bộ Nông nghiệp-PTNT và nhân dân một số xã trong vùng trồng bưởi trọng điểm thực hiện trong 3 năm (2009-2011).

Hầu hết các báo cáo tham luận đều thống nhất khẳng định: nguyên nhân làm cây bưởi Phúc Trạch suy giảm năng suất và chất lượng liên tục trong nhiều năm qua là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (nhiệt độ không khí tăng cao, độ ẩm không khí giảm thấp và chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió nóng trong thời kỳ cây ra hoa, hạn nặng trong tháng 6-7), kỹ thuật canh tác lạc hậu, thiếu đầu tư chăm sóc của người dân dẫn đến cây sinh trưởng, phát triển kém, sâu bệnh gây hại nhiều.


Với sự trợ giúp về kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu rau quả và Viện Thổ nhưỡng Nông hóa nhiều mô hình thâm canh tổng hợp đã được xây dựng thành công nhằm khẳng định tính đúng đắn của các cơ sở khoa học trong việc xây dựng được các qui trình canh tác tổng hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng bưởi Phúc Trạch như: bón phân, tưới nước hợp lý; cắt tỉa, tạo tán, thụ phấn bổ sung bằng cách sử dụng phấn hoa của cây bưởi chua… nhằm làm tăng khả năng ra hoa, đậu trái; khoanh vỏ để chống rụng quả do ảnh hưởng của nắng hạn và các yếu tố thời tiết bất thường; phun thuốc và bao quả để phòng chống sâu bệnh hại và bảo vệ mã quả trước ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt là phòng chống bệnh đốm đen (Black spot) mới xuất hiện có hiệu quả…


Nhiều hộ gia đình áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới này cho kết quả rất tốt: vườn cây sinh trưởng, phát triển, ít sâu bệnh, ra hoa và đậu quả tốt, cho năng suất cao, bán được giá, đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao cho thu nhập từ vài chục triệu đồng đến trên trăm triệu đồng/ha/năm trong khi phần lớn các vườn cây khác tiếp tục chịu cảnh mất mùa, vườn cây suy tàn. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch Cao Viết Hòa khẳng định: “Thực tế các mô hình chứng minh tính khác biệt giữa các hộ tham gia và không tham gia đã rõ. Đây là cơ sở để xã tuyên truyền vận động người dân tích cực thâm canh để bảo vệ, cải tạo và phát triển giống bưởi Phúc Trạch như một loại cây mũi nhọn của địa phương trong thời gian tới”.


Ông Nguyễn Huy Lâm, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh nhấn mạnh: bưởi đặc sản Phúc Trạch là một trong những cây trồng mũi nhọn của tỉnh phải được bảo tồn và phát triển thành hàng hóa tập trung phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng. Ông Lâm thông báo một tin vui: UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định phê duyệt dự án “Bảo tồn quỹ gen và phát triển bưởi Phúc Trạch theo hướng sản xuất hàng hóa” giai đoạn 2010-2020 do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với nguồn kinh phí lên tới 76,6 tỷ đồng, Viện Nghiên cứu rau quả giúp tư vấn kỹ thuật với các nội dung:


– Viện Nghiên cứu rau quả giúp điều tra thực trạng, qui hoạch chi tiết để xây dựng các vùng trồng trọng điểm gồm 4 xã: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên và một số xã có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng như: Hương Trà, Hương Thủy, Phú Phong… với diện tích qui hoạch 2.000ha.


– Bảo tồn quĩ gen và nhân giống chất lượng cao phục vụ cho tiến độ trồng của các địa phương.


– Nghiên cứu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất bưởi hàng hóa.


– Hỗ trợ sản xuất để tạo ra hàng hóa tập trung với khối lượng lớn, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và tiến tới tham gia xuất khẩu.


– Hỗ trợ hoàn thiện việc xây dựng, công nhận và cấp chỉ dẫn địa lý, quảng bá thương hiệu bưởi Phúc Trạch và xây dựng hệ thống đại lý tiêu thụ trên pham vi toàn quốc.

NN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP