TX Hồng Lĩnh

Hồng Lĩnh: Phiên toà “lạ” xử thương binh ¼ thua kiện

Nhiều người tham dự phiên toà ngày 22/5/2013 xử vụ tranh chấp đất đai giữa ông Phan Như Quý và ông Đoàn Ngọc Anh không khỏi ngạc nhiên trước cách làm việc và phán quyết của TAND TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), xử vợ chồng thương binh ¼ thua kiện.

Cách làm việc và phán quyết “lạ” của quan toà
Sau khi UBND TX Hồng Lĩnh bó tay, vụ việc tranh chấp đất đai giữa ông Phan Như Quý và ông Đoàn Ngọc Anh được TAND TX Hồng Lĩnh thụ lí giải quyết. Ngày 22/5/2013, TAND TX Hồng Lĩnh mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ việc tranh chấp đất giữa nguyên đơn Phan Như Quý và bị đơn Đoàn Ngọc Anh. Thẩm phán Bùi Đình Thông là người được phân công thụ lí vụ việc và chủ toạ phiên toà.

Đại diện VKSND TX Hồng Lĩnh phát biểu tại phiên toà đã nêu: trong khi thụ lí đơn của ông Phan Như Quí, ông Bùi Đình Thông đã chấp nhận và đưa vào hồ sơ vụ án một số tài liệu phô tô.

Trước đó, ông Bùi Đình Thông không chấp nhận yêu cầu của bị đơn đưa những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nhân chứng biết rõ sự việc gồm ông Mai Văn Danh, nguyên trưởng phòng địa chính TX Hồng Lĩnh; ông Phan Nam Cát nguyên bảo vệ cửa hàng Công nghệ phẩm Hồng Lĩnh vào thời điểm 1989, ông Trần Đàm là cán bộ khối phố 4 thời kì ông Đoàn Ngọc Anh mới về Hồng Lĩnh sinh sống.

Các nhân vật nói trên là nhân chứng quan trọng để xác định rõ một vấn đề mấu chốt hai bên đương sự chưa thống nhất: ông Đoàn Ngọc Anh đã làm nhà ở trên mảnh đất hiện đang tranh chấp vào thời điểm nào.

Vì vậy, các ý kiến tranh tụng tại phiên toà về vấn đề nói trên không có người làm chứng, đối chất, nên sự thật chưa được làm sáng tỏ.

Sơ đồ thửa đất của 15 hộ được cấp vào năm 1992, thửa đất ông Quý là ô số 15 có hình thang, vị trí được xác định rõ: Bắc giáp đường nhánh, vị trí chiều dài mỗi bên là 22,5 m, chiều rộng thửa đất là 4,5 và 5,5 m.

Về việc ông Phan Như Quý vào thời điểm 1992 có hộ khẩu thường trú tại TX Hồng Lĩnh hay không, mặc dù người đại diện về pháp luật của Đoàn Ngọc Anh đã có đơn đề nghị thu thập chứng cứ vì đương sự không thu thập được, nhưng ông Bùi Đình Thông không chấp nhận. Đây là một trong chứng cứ quan trọng để xác định việc cấp đất cho ông Phan Như Quý vào năm 1992 có đúng luật hay không.

Hội đồng xét xử đã bỏ qua những chứng cứ khách quan về việc ông Đoàn Ngọc Anh đã ở trên mảnh đất hiện tại từ năm 1989, đồng ý với quan điểm của ông Phan Như Quí là ông Anh lấn chiếm đất của ông Phan Như Quí vào năm 1992, ngay sau khi ông Quí được cấp đất.

Mặc cho các đương sự tranh luận chán chê về việc ông Quý có phải là đối tượng được cấp đất theo Luật Đất đai năm 1987 hay việc cấp đất có đúng trình tự, thủ tục qui định hay không, TAND TX Hồng Lĩnh sau khi hội ý trong thời gian ngắn đã tuyên án: “Về qui trình cấp đất đã được UBND TX Hồng Lĩnh tiến hành đúng với trình tự thủ tục pháp luật qui định và việc xét đối tượng được cấp đất đã được tiến hành một cách công khai dân chủ”.

Để chứng minh việc cấp đất cho ông Quý là đúng, TANDTX Hồng Lĩnh đã dẫn ra một số điều khoản về quy hoạch, thẩm quyền cấp đất của Luật Đất đai 1987, nhưng đã bỏ qua qui định về đối tượng cấp đất.

Khoản 5, Điều 28, Nghị định số 30-HĐBT ngày 23/3/1989 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 1987 qui định rõ:

“5. Chỉ giao đất ở mới cho những hộ có nhu cầu về nhà ở và có đủ những điều kiện dưới đây: a) Có hộ khẩu thường trú ở nơi xin đất ở. b) Trong gia đình có thêm một cặp vợ chồng. c) Diện tích đất ở tính theo đầu người trong hộ dưới 80% mức bình quân đất ở của địa phương”.

Việc ông Quý vào năm 1992 có hộ khẩu thường trú tại TX Hồng Lĩnh hay không chưa xác định được; nhưng qua xác minh tại UBND xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh), thì trong thời điểm 1992, hộ ông Phan Như Quý không có thêm cặp vợ chồng nào. Chỉ cần yếu tố này đã đủ để khẳng định, việc cấp đất cho ông Phan Như Quý vào năm 1992 là trái với quy định của Nghị định 30-HĐBT ngày 23/3/1989.

Tại phiên toà, phía bị đơn phát hiện ra sự việc: ông Quý không thuộc đối tượng được giao đất theo Quyết định số 1040 ngày 22/9/1992 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Trong Quyết định 1040, UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ đối tượng được giao đất là “cán bộ công nhân viên Xí nghiệp Công nghệ phẩm Hồng Lĩnh”, trong khi đó, ông Phan Như Quí năm 1992 là Phó Giám đốc Công ty thương nghiệp tổng hợp Hồng Lĩnh. Đây là hai cơ quan khác nhau, có con dấu riêng. Ông Phan Như Quý cũng như luật sư bảo vệ ông phải chấp nhận sự thật này, không phản bác được gì.

Mặc dù vậy, HĐXX đã phán quyết: “Xí nghiệp công nghệ phẩm Hồng Lĩnh là một chi nhánh trực thuộc Công ty thương nghiệp, vì vậy, bị đơn đưa ra vấn đề này không có căn cứ”. Rõ ràng hai cơ quan khác nhau, con dấu khác nhau, có tổ chức, nhân sự riêng (tương tự Phòng Giáo dục – Đào tạo và trường Tiểu học hay THCS) thế nhưng HĐXX vẫn cho là một (!?).

Bản án còn nêu: “Để tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm công tác, hợp lí hoá gia đình nên UBND TX Hồng Lĩnh đã xem xét và cấp cho ông Quý một mảnh đất là lẽ đương nhiên, không lẽ bắt nguyên đơn phải sang nhượng đất ở Tùng Ảnh (đang là đất của bố mẹ) lấy giấy chứng nhận của chính quyền địa phương, đi thuê nhà ở sau đó mới được làm đơn xét và cấp đất”.

Quả thật không biết các vị quan toà này xét xử theo Luật, hay là theo một quan điểm riêng nào đó?

Theo quy trình cấp đất vào thời điểm 1992, đối tượng xin cấp đất phải làm đơn gửi chính quyền địa phương xét duyệt. Ngày 1/11/2011, tại buổi đối thoại do UBND thị xã Hồng Lĩnh tổ chức với sự có mặt của nhiều người (trong đó có ông Nguyễn Văn Hổ – Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh), khi PV Tamnhin.net hỏi ông Quý có làm đơn xin cấp đất không, ông Phan Như Quý trả lời: “Tôi không làm đơn xin cấp đất mà nhờ anh Mai Văn Danh làm thủ tục cấp đất”.

Tại phiên toà, ông Quý lại nói đã làm đơn gửi công đoàn cơ quan; nhưng đến nay không ai thấy lá đơn đó ở đâu. Tại bản án số 01/2013/DSST ngày 22/5/2013, TAND TX Hồng Lĩnh khẳng định: “UBND TX Hồng Lĩnh đã chỉ đạo Cửa hàng Công nghệ phẩm Hồng Lĩnh xét cấp đất ở cho cán bộ công nhân viên”.

Theo qui định, Cửa hàng công nghệ phẩm không có thẩm quyền xét cấp đất, chỉ có UBND phường Bắc Hồng mới có thẩm quyền đó. Điều vô lí nữa là đơn vị này còn xét luôn cả đối tượng thuộc UBND TX Hồng Lĩnh (Mai Văn Danh). Đây là cách làm trái với qui định của pháp luật, thể hiện sự thiếu sót, khuất tất trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục cấp đất cho các hộ.

Mảnh đất đang tranh chấp có hai quyết định cấp đất cho ông Phan Như Quí, khác nhau về số hiệu, ngày tháng, UBND TX Hồng Lĩnh cho rằng đó là “lỗi chính tả” (!?).

Qua diễn biến phiên toà, nhiều vấn đề chưa rõ cần được xác minh: ông Anh ở trên mảnh đất tranh chấp vào thời điểm nào?, việc cấp đất cho ông Phan Như Quí có đúng đối tượng? hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp đất có đúng qui định? Có hay không việc chính quyền TX Hồng Lĩnh vào năm 1992 “qua mặt” UBND tỉnh?… Nhưng TAND TX Hồng Lĩnh cho rằng mọi việc đều đã được làm sáng tỏ, khẳng định việc cấp đất cho ông Quý là hoàn toàn đúng.

Toà án và chính quyền đã cấp cho ông Quý mảnh đất mới?

Ông Phan Như Quý trong đơn khởi kiện đòi lại mảnh đất UBND TX Hồng Lĩnh cấp cho ông vào năm 1992 với sơ đồ đã được đo vẽ vào năm 1992 với đầy đủ chữ kí các cơ quan chức năng kèm theo quyết định cấp đất được xác định rõ ràng: phía Bắc giáp đường nhánh (còn gọi là đường qui hoạch rộng 3m), chiều dài mỗi bên các cạnh lần lượt là Bắc: 4,5m, Đông 22 m; Nam 5,5 m; Tây 22 m. Như vậy, mảnh đất này có hình thang.

Thế nhưng tại sơ đồ mới vẽ vào năm 2013, UBND TX Hồng Lĩnh đã xác định thửa đất của ông Quý (S1) được cấp năm 1992 hình chữ nhật có chiều rộng 5,42m, chiều dài 19,37 m; phía Bắc dời ra cách xa vị trí của sơ đồ năm 1992 lên tới 16,43m.

Thế nhưng, không biết dựa vào đâu, UBND TX Hồng Lĩnh vào ngày 29/3/2013 đã đo vẽ, xác định mảnh đất cấp cho ông Quí năm 1992 là hình chữ nhật có chiều rộng 5,42m, chiều dài 19,37 m; phía Bắc dời ra cách xa vị trí của sơ đồ năm 1992 lên tới 16,43m. Như vậy, mảnh đất cấp cho ông Phan Như Quí theo các quyết định cấp năm 1992 đã được dời ra phía mặt tiền quốc lộ, chồng lên mảnh đất khoảng 80m2 mà gia đình ông Anh đã sử dụng từ trước năm 1993. Thế nhưng, TAND TX Hồng Lĩnh vẫn chấp nhận điều này, và tuyên cho ông Quí được sử dụng mảnh đất có vị trí, kích thước hoàn toàn khác so với mảnh đất được UBND TX Hồng Lĩnh cấp năm 1992.

Việc làm nói trên trái với qui định của Luật Tố tụng dân sự là Toà chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu (Khoản 1, Điều 5).

Ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh giải thích: “Trong quyết định giao đất cho ông Phan Như Quý, phía Nam giáp lưu không quốc lộ 8A và ông Quý đã nộp tiền đất dãy 1 Quốc lộ 8A vì vậy ông Quý đương nhiên được hưởng quyền lợi và phải thực hiện nghĩa vụ đất dãy 1 theo quy định của pháp luật. Phần diện tích thừa UBND Thị xã sẽ xem xét hợp thức hoá có thu tiền sử dụng đất sau khi giải quyết xong tranh chấp theo qui định của pháp luật về đất đai” (Công văn số 31 ngày 15/1/2013).

Cách giải thích như trên của ông Chủ tịch UBND TX Hồng Lĩnh là thiếu căn cứ, bởi vì pháp luật đất đai từ trước đến nay không có quy định về bảo đảm quyền lợi của chủ sử dụng “đất dãy 1”. Mặt khác, đối với hộ dân sử dụng đất từ trước 15/10/1993, không tranh chấp, phù hợp với qui hoạch thì được xét cấp GCNQSD đất. Thứ ba là đối với vị trí đất tương tự như mảnh ông Anh đang sử dụng, theo qui định phải được bán đấu giá, chứ không được giao đất (dù có thu tiền).
Cho rằng mình bị Toà án “xử ép”, ông Đoàn Ngọc Anh đã làm đơn gửi chính quyền UBND TX Hồng Lĩnh “xin ra ở nghĩa địa”.

Quang Đại

Tầm Nhìn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP