TX Hồng Lĩnh

Hồng Lĩnh: Bán đấu giá đất tại khu tái định cư tránh lũ

Dự án khu TĐC (tái định cư) phường Trung Lương (TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) được Chính phủ cấp vốn với mục tiêu di dời khẩn cấp 66 hộ dân ra khỏi vùng lũ lụt trong năm 2011. Tuy nhiên, đến nay mới cấp được 13 lô đất cho 22 hộ dân, còn lại UBND phường thông bán 22 lô đất.

Khu TĐC phường Trung Lương đã giải ngân 24 tỷ nhưng vẫn chưa hoàn thiện, quyết toán.
Di dời dân chưa xong, đã thông báo bán đất TĐC
Ngày 18/7/2011, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh kí văn bản số 2371 gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung: “Hiện nay, phường Trung Lương có 44 hộ đang định cư ngoài đê La giang và 22 hộ dọc bờ sông Minh, sinh sống bằng nông nghiệp và đánh bắt thủy sản nằm trong vùng báo động cao, nhất là vào mùa mưa, bão;…UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt dự án đầu tư quy hoạch khu TĐC để di dời khẩn cấp các hộ dân phường Trung Lương ra khỏi vùng lũ với tổng mức đầu tư 89,4 tỷ đồng. Do điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn lại vừa bị thiệt hại do lũ lụt, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để xây dựng khu TĐC, di dời các hộ dân ra khỏi vùng lũ trước mùa mưa, bão năm 2011”. 

Khu TĐC phường Trung Lương do UBND TX Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư, với nguồn kinh phí 28 tỷ đồng, Công ty TNHH Như Nam (Hồng Lĩnh) là nhà thầu được chỉ định. Đến nay, dự án vẫn chưa hoàn thiện, chưa quyết toán, một số hạng mục còn dở dang như mương thoát nước.

Văn bản số 2371 của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ kinh phí xây dựng khu TĐC.
Vào cuối năm 2012, UBND phường Trung Lương tổ chức bình xét 5 hộ dân thuộc tổ dân phố Tuần Cầu (ngoài đê La Giang) và đã cấp 5 lô đất cho 5 hộ này tại khu vực TĐC. Đến tháng 8/2013, phường Trung Lương tiếp tục bình xét và cấp tiếp 8 lô đất cho 16 hộ dân tại khu vực TĐC.
Hiện nay tại khu vực TĐC đã có gần chục hộ đang làm nhà.

Điều đáng nói là bên cạnh việc xét cấp đất cho các hộ dân vào khu TĐC, UBND phường Trung Lương cũng thông báo bán đấu giá đất (22 lô) tại khu vực này. “Vì giá cao quá nên dân không ai mua”, bà Nguyễn Thị Long, Bí thư chi bộ tổ dân phố Tuần Cầu nói.


Thông báo bán đấu giá 22 lô đất tại khu vực TĐC của UBND phường Trung Lương. 
Nhiều bất cập….           
Theo văn bản 2371 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, hiện phường Trung Lương có 66 hộ dân cần di dời khẩn cấp khỏi vùng bão lũ. Trong đó có 44 hộ ngoài đê, 22 hộ sống dọc sông Minh.
Chúng tôi tìm hiểu và được biết, trong 44 hộ sống ngoài đê nói trên, thực chất chỉ có 21 – 22 hộ dân sống ở tổ dân phố Tuần Cầu là thuộc vùng chịu ngập lụt. Còn khoảng 22 hộ dân sống bám đường QL 1A thì không hề có nhu cầu di dời, vì nhà cửa đã được kiên cố hóa, nhà đất sát QL1A có giá trị lớn, người dân không thể chấp nhận di dời.
22 hộ dân sống dọc sông Minh cũng chưa thực sự nguy cấp và nhiều hộ không có nhu cầu di dời ra vùng TĐC. Hiện nay UBND phường Trung Lương cũng chưa xem xét cấp đất TĐC cho các hộ này.

Như vậy, việc tỉnh Hà Tĩnh trình Thủ tướng về dự án di dời khẩn cấp cho 66 hộ dân là không đúng thực tế.

Hộ Nguyễn Văn Lệ 2 vợ chồng, 4 con lênh đênh trên chiếc thuyền nhưng không được xét cấp đất.
Ngay cả 21 – 22 hộ dân sống ngoài đê, thực chất cũng không thuộc diện nguy cơ phải di dời khẩn cấp. Theo khảo sát của UBND phường Trung Lương, hiện nay ở tổ dân phố Tuần Cầu (ngoài đê La Giang) còn có 16 hộ gia đình đang sinh sống, trong đó có nhiều hộ ở chung trong một nhà.
Ông Đậu Văn Thuận, có 3 con trai – 2 con gái, mẹ già (đã tách hộ), đất ở khoảng 500 – 600 m2 gần bờ đê, mua lại của hộ khác từ 1998, đã xây nhà kiên cố. Ông Thuận được bình chọn cấp đất tại khu TĐC vào đợt 2 (tháng 8/2013), diện tích khoảng 180 m2. Chính quyền yêu cầu ông phải tháo dỡ tài sản tại khu đất cũ để bàn giao đất.
Ông Thuận đập dỡ nhà ra làm nhà mới, phải vay mượn thêm hàng trăm triệu mà vẫn chưa đủ. Trong khi đó đất tại khu TĐC rất chật chội so với điều kiện gia đình đông con. Nhà ở khu TĐC, nhưng ông Thuận không có ruộng đất, vẫn hàng ngày đi xe máy ra chỗ cũ để làm ăn. “Tôi đang bình thường, tự nhiên mất nhà cũ kiên cố, mang nợ, đất đai chật chội. Bây giờ con cái ra riêng thì ở đâu?”, ông Thuận than thở.
Ông Thuận cho biết nhà của ông đã làm kiên cố, năm lụt cao nhất nước cũng chỉ vào nhà 10 cm. Người dân sống xung quanh cũng nói thực ra lũ lụt không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống của họ. Nhiều gia đình đã sinh sống ở đây ba bốn chục năm không có gì trở ngại. Trái lại ở ngoài đê đất đai rộng rãi, màu mỡ, gần bến, gần sông thuận tiện làm ăn. “Thực ra nhiều hộ không muốn vào. Nhưng vì chính quyền nói đất ở đây không được quy hoạch khu dân cư nên không được đầu tư hạ tầng, đất không được cấp sổ đỏ, nên chúng tôi buộc phải đi. Người ta chỉ lợi dụng dân chúng tôi để lấy dự án thôi”, ông Thuận nói.

Ông Đậu Văn Thuận: “Người ta chỉ lợi dụng dân chúng tôi để lấy dự án”
Trong khi ông Thuận nhà cửa kiên cố thì phải tháo dỡ để di dân, còn hộ anh Nguyễn Văn Lệ, hai vợ chồng, 4 con chen chúc trên chiếc thuyền thì lại không được xét cấp đất.
Bởi vì anh Lệ là con của bà Đậu Thị Thương, chỉ bà Thương được cấp đất TĐC chứ anh Lệ và hai em trai khác (trong đó Nguyễn Văn Chiến đã lập gia đình, tách hộ) không được xét cấp đất. Khi chúng tôi đến, anh Lệ đang đi mổ u dạ dày ở Hà Nội, tính mạng nguy kịch, vì quá tốn kém nên xin về Hà Tĩnh điều trị. Trường hợp này giả sử có được cấp đất, cũng không thể xoay nổi tiền làm nhà.
Theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Bông, trong 5 hộ dân được cấp đất TĐC lần 1 thì có 3 hộ đã được cấp đất tại vùng hồ cá (diện tích khoảng 1.000 m2/ hộ), nhưng nay lại được tiếp tục cấp đất lần 2. Đó là các hộ Nguyễn Ngọc Điển, Hoàng Thị Lơng và Lê Thưởng. Sự việc này bà Nguyễn Thị Long, Bí thư chi bộ tổ dân phố Tuần Cầu xác nhận là có thật.
Theo quy định, mỗi hộ dân di dời đợt 1 được hỗ trợ 10 triệu, đợt 2 được 20 triệu, nhưng đến nay họ vẫn chưa được nhận tiền.
(Còn tiếp)
Quang Đại – Hà Vy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP