Trong nước

Hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong quân đội, công an bị kỷ luật

Tính đến 30/11/2020, đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó, có 27 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị cùng hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong quân đội, công an.

Giảm trên 10.800 tỷ đồng kinh phí hoạt động

Ngày 28/12, thông tin về quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương cho biết, dự thảo các văn kiện cũng đã xác định cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới. Trong đó, dự thảo Báo cáo chính trị nêu rõ, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, tạo dấu ấn nổi bật.

Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, theo ông Thông, tính đến 31/12/2019, đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương; 97 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh; giảm 6 tổng cục và tương đương; 19 cục, vụ, 90 đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, 3.768 phòng, đội và tương đương. Đồng thời cả nước đã giảm hơn 10 nghìn cấp trưởng, cấp phó ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức hành chính cấp tỉnh, huyện; giảm hơn 539 nghìn biên chế, giảm trên 10.800 tỷ đồng kinh phí hoạt động.

Trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, đã có chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá quyết liệt, ngày càng đi vào chiều sâu. Tính đến 30/11/2020, đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và nghỉ hưu, trong đó, có 27 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị cùng hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong quân đội, công an.

“4 không” với tham nhũng

Từ những kết quả đạt được, theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề ra là tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Qua đó, trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Để làm được điều này, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đặt ra là kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương… Đây chính là nhiệm vụ, giải pháp để cán bộ, đảng viên “không muốn tham nhũng”.

Cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội, về kiểm tra, giám sát và phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; có cơ chế bảo vệ, khuyến khích người làm công tác kiểm tra, giám sát cũng như người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng; thực hiện chế độ thanh toán không dùng tiền mặt… nhằm hướng tới mục tiêu “không thể tham nhũng”.

Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, và phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tham nhũng, lãng phí… Các giải pháp này nhằm hướng tới mục tiêu “không dám tham nhũng”.

Và để “không cần tham nhũng”, theo ông Thông là tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác.

Tác giả: LUÂN DŨNG

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP