Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, tính cho đến cuối giờ chiều 11-8 đã có 390.000 thí sinh (TS) đăng ký vào hệ thống của Bộ. Tổng số TS có điểm trên điểm sàn năm nay là 404.000, nếu tính cả số lượng TS nộp qua bưu điện mà các trường chưa kịp nhập vào hệ thống. Theo thống kê thì có hơn 28% số TS đã lựa chọn phương án đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Không lo thiếu thí sinh

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, tỉ lệ TS có điểm trên mức điểm sàn nộp đăng ký xét tuyển cao nhất so với những năm trước. Chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 317.000. Số lượng TS đăng ký đã vượt chỉ tiêu của các trường. Một số ngành dư nhiều nhưng cũng có ngành thiếu. Các đợt xét tuyển bổ sung sẽ giúp TS chưa trúng tuyển đợt 1 có cơ hội đăng ký xét tuyển vào các ngành/trường còn thiếu chỉ tiêu.

Năm nay Bộ không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Nguồn tuyển dôi dư 27%, do vậy các trường không nên lo lắng việc thiếu TS. Đợt đầu tuyển nếu các trường không đủ chỉ tiêu thì đợt sau có thể hạ điểm chuẩn để tuyển tiếp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Các trường cũng không phải chờ đến khi TS nhập học mới biết được số lượng TS chính thức vào học trường mình, bởi sau năm ngày khi công bố kết quả nếu TS không nộp giấy báo kết quả thi thì xem như không nhập học và trường sẽ tuyển bổ sung.

Cán bộ Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nhập liệu hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển qua bưu điện những ngày cuối.  Ảnh: P.ĐIỀN

Sàng lọc thí sinh ảo

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin tính đến cuối ngày 12-8, trường đã nhận hơn 8.500 hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhiều gần gấp đôi so với chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lý đây là giai đoạn trường tập trung lọc ảo để công bố điểm chuẩn sớm. Theo đó, trường thành lập ba nhóm lọc ảo. Nhóm thứ nhất lọc những TS có điểm cao cùng lúc nộp vào hai trường. Nếu TS nộp vào trường khác có điểm chuẩn cao hơn thì loại ra. Nhóm thứ hai chọn những TS cùng lúc nộp hồ sơ vào trường khác có điểm thấp hơn, vì số TS này chắc chắn sẽ chọn ĐH Nông Lâm TP.HCM. Nhóm thứ ba phân loại 50/50 đối với TS cùng đăng ký vào ngành nông lâm ở các trường khác có cùng mức điểm bằng nhau.

Ông Lý nhận định với số hồ sơ xét tuyển khá nhiều, điểm chuẩn vào trường năm nay dao động từ 18 đến 23 điểm tùy ngành, bằng điểm chuẩn vào trường năm ngoái. Trường chỉ xét nguyện vọng bổ sung tại hai phân hiệu của trường tại Gia Lai và Ninh Thuận do hai nơi này còn thiếu chỉ tiêu.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thông tin trường đã nhận hơn 7.000 hồ sơ xét tuyển bậc ĐH, cao hơn nhiều lần so chỉ tiêu là 2.600. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định trường đã hoàn toàn yên tâm chỉ tiêu ngay trong đợt 1, vì còn phụ thuộc vào công tác phân tích, xử lý ảo mới công bố chính thức. Riêng các hồ sơ TS gửi qua bưu điện đến chậm trường tiếp tục xử lý.

Nhiều khả năng hạ điểm chuẩn

Tiến sĩ Thanh đánh giá số hồ sơ nộp vào khá nhiều, tuy nhiên mặt bằng điểm của TS đăng ký vào trường năm nay không cao bằng năm ngoái. Theo đó, điểm chuẩn năm nay dự kiến sẽ giảm 1-1,5 điểm tùy ngành. Điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường năm 2015 dao động 16-20 điểm.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết trường đã tiếp nhận hơn 6.800 hồ sơ xét tuyển cho tất cả ngành. Trong đó, hơn 1.400 TS đăng ký xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và 5.410 hồ sơ xét tuyển theo học bạ THPT. Sáng nay (13-8), hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ họp và công bố điểm trúng tuyển và điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Năm học 2016, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển sinh 6.300 chỉ tiêu, trong đó ĐH 4.800 chỉ tiêu, CĐ 700 chỉ tiêu, ĐH liên thông 800 chỉ tiêu.

Trường “mù” dữ liệu thí sinh

PGS-TS Nguyễn Thám, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế, cho biết tính đến ngày cuối trường vẫn chưa có dữ liệu và số lượng TS đăng ký xét tuyển vào trường. Lý do, toàn bộ các khâu xét tuyển đều do ĐH Huế tiếp nhận hồ sơ và xử lý dữ liệu nên trường khá bị động trong hoạt động tuyển sinh và nắm chất lượng đầu vào trước khi công bố điểm chuẩn mùa tuyển sinh 2016. Theo ông Thám, năm ngoái công tác xét tuyển của tám trường, hai khoa (du lịch, giáo dục thể chất) và một phân hiệu tại Quảng Trị đều do ĐH Huế đảm trách, tuy nhiên trường vẫn có thông tin về số lượng TS nộp vào và mức điểm TS nên công tác tuyển sinh không bị động. “Năm 2015, có 7.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường so với chỉ tiêu tuyển sinh 1.600, ngược lại năm nay trường không có thông tin sớm về số TS nộp vào mức điểm bao nhiêu. Chúng tôi phải chờ đến ngày 14-8 mới nắm được số lượng TS nộp vào, điểm cao hay thấp mới công bố điểm chuẩn năm 2016” – ông Thám nói.

__________________________________

Theo thông báo mới nhất từ Bộ GD&ĐT, ngày 13-8 nhiều trường sẽ hoàn tất công tác xét tuyển và công bố điểm chuẩn ĐH. Số còn lại muộn nhất đến 17 giờ ngày 14-8 phải công bố. Ngay sau khi các trường công bố điểm chuẩn, theo quy định, trước ngày 19-8, các TS cần nộp giấy chứng nhận kết quả thi về trường theo hai hình thức: Nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện. Điều này nhằm khẳng định quyết định của TS sẽ nhập học tại trường. Bên cạnh đó cũng giúp các trường nắm được số lượng TS thực tế của trường, có kế hoạch tuyển sinh cụ thể trong đợt tuyển sinh tiếp theo.

PHI HÙNG – PHONG ĐIỀN