Dự kiến, giá xăng sẽ giảm khoảng 300 đồng – 500 đồng/lít. Các mặt hàng dầu có mức giảm sâu hơn từ 800 đồng – 1.000 đồng/lít trong kỳ điều hành lần này.
Tintuchatinh
Ảnh minh họa

Theo đó, dự kiến, giá xăng sẽ giảm khoảng 300 – 500 đồng/lít. Các mặt hàng dầu có mức giảm sâu hơn từ 800 -1.000 đồng/lít trong kỳ điều hành lần này.

Trước đó, vào lần điều chỉnh ngày 4/1, giá xăng RON 92 đã giảm 373 đồng/lít; xăng E5 giảm 571 đồng/lít trong khi các mặt hàng dầu giảm mạnh hơn từ 616 – 865 đồng/lít,kg, tuỳ loại.

Hiện tại, theo bảng giá cơ sở được công bố bởi Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các khoản thuế, phí vẫn đang chiếm đến một nửa trong giá xăng, dầu bán lẻ hiện tại. Trong đó, thuế nhập khẩu (20%) là 1.505 đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) là 902 đồng/lít, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng là 1.457 đồng/lít, tổng cộng các khoản thuế là 6.864 đồng, tương đương 42,8% giá bán lẻ xăng dầu.

Bên cạnh đó, 2 khoản chi phí định mức và lợi nhuận định mức cũng được tính vào giá xăng dầu là 1.350 đồng/lít. Các khoản thuế, phí kể trên lên đến 8.214 đồng/lít, tương đương 51,2% giá bán lẻ xăng dầu.

Trong năm 2015 đã có 23 đợt điều hành giá xăng dầu. Trong đó, bên cạnh các lần giữ ổn định giá bằng các công cụ tài chính thì mặt hàng xăng có 12 lần giảm giá, 6 lần tăng giá; dầu diesel có 13 lần giảm giá, với tổng mức giảm là 7.017 đồng/lít, 4 lần tăng giá với tổng mức tăng là 1.998 đồng/lít.

Chia sẻ về điều hành giá xăng dầu trong năm 2015 tại buổi gặp mặt chiều 12/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Tôi nghĩ rằng cái được nhất của điều hành giá xăng dầu là đảm bảo công khai minh bạch và điều hành bám sát thị trường”.

“Công tác điều hành đã bám sát thị trường, mua đắt bán đắt, mua rẻ thì bán rẻ. Việc điều chỉnh công khai, mạnh bạch, nếu như trước đây thường bị phản ánh là điều chỉnh vào “giờ hiểm” thì giờ cứ đúng 15h sau 15 ngày sẽ công bố điều chỉnh một lần. Công thức tính toán thì cũng có sẵn rồi”, Thứ trưởng nói.

Người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết, trong tương lai sẽ tính tới điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày thay vì đợi chu kỳ 15 ngày như hiện tại. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc việc doanh nghiệp trong nước và khâu hậu kiểm của cơ quan chức năng có đảm bảo để vận hành như vậy được hay không.

Chia sẻ về thông tin mới này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu theo ngày sẽ khiến giá trong nước bám sát hơn so với giá thế giới.

“Mang tính thị trường cao hơn thì sẽ có lợi hơn. Nhưng còn phải xem thị trường cạnh tranh đến đâu nữa”, ông Phong nói.

Còn theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong năm nay, liên bộ vẫn kiên định điều hành giá xăng, dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu. Quá trình này sẽ được cập nhật thường xuyên diễn biến giá xăng, dầu thế giới.

Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định, trong điều hành phải bảo đảm thông tin minh bạch cao hơn, đồng thời tăng cường công tác, thanh kiểm tra về giá bán lẻ xăng, dầu theo quy định của Chính phủ.

Theo Dân trí